Nông dân Anh Sơn làm phân vi sinh phục vụ sản xuất vụ đông

Thứ ba - 17/11/2020 21:42
(Hội NDNA) - Xu hướng tái tạo nền nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống là một hướng đi đúng đắn của bà con nông dân Anh Sơn trong những năm gần đây, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Những ngày này, bà con nông dân Anh Sơn đang tập trung làm phân vi sinh để bón cho các loại cây trồng trong vụ đông năm nay.
chua co ten 2
Ba năm nay gia đình anh Hoàng Đình Quyên thôn 9 xã Khai Sơn, đã áp dụng mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho các loại cây trồng
Để tận dụng các loại phế phẩm có sẵn trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế nguồn chất thải trong chăn nuôi ra môi trường, ba năm nay gia đình anh Hoàng Đình Quyên thôn 9 xã Khai Sơn, đã áp dụng mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho các loại cây trồng, anh Quyên chia sẻ: Gia đình có 2 ha chè, 500 gốc cam bù Sen và gần 1 ha ngô và lúa, nhận thấy trên địa bàn các loại phế phẩm như rơm rạ và thân cây ngô chỉ được dùng để làm thức ăn cho gia súc, phần còn lại sử dụng không hết thì vứt bỏ ngoài đồng ruộng rất lãng phí, gia đình anh đã tận dụng làm phân vi sinh. Năm nay gia đình tiến hành ủ phân vi sinh với số lượng hơn 20 tấn để bón cho các loại cây trồng. Đặc biệt là hai năm nay bà con được hỗ trợ 100% men ủ và được cán bộ xã về tận từng gia đình hướng dẫn cụ thể cách ủ phân nên bà con rất phấn khởi.
 
anh 4
Hội Nông dân xã Khai Sơn thực hiện chuyển giao kỹ thuật mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh tại tận từng hộ gia đình hội viên
Bà Thái Thị Tố - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Sơn cho biết: Hiện nay toàn xã Khai Sơn có tổng đàn trâu bò gần 900 con, đàn lợn trên 1.300 con, gia cầm trên 37.000 con, cùng với đó mỗi vụ nông dân sản xuất trên 70 ha ngô, 90 ha chè công nghiệp và gần 15 ha mía. Đây là điều kiện giúp cho bà con nông dân áp dụng mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh một cách hiệu quả. Để hỗ trợ bà con sản xuất mô hình, năm 2020 này, Hội Nông dân xã Khai Sơn đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh và hỗ trợ 1.400 kg men vi sinh cho hơn 200 hộ nông dân làm được 700 tấn phân. Ngoài ra còn hỗ trợ 150 kg men cho bà con làm 3.000m2 đệm lót chuồng gà. Thời điểm này, bà con nông dân xã Khai Sơn đang triển khai rầm rộ mô hình mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho các loại cây trồng vụ đông.

Cùng với xã Khai Sơn thì hiện nay bà con nông dân xã Phúc Sơn cũng đang tập trung làm phân vi sinh để kịp bón cho các loại cây trồng. Bà Nguyễn Ngọc Hà- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn cho biết: Sau khi hội nông dân xã triển khai mô hình làm phân vi sinh, bà con nông dân đã triển khai làm rất nhiều, tập trung nhiều ở thôn Bãi Lim, Bãi Đá. Riêng vụ đông năm nay, bà con nông dân xã Phúc Sơn sản xuất được hơn 400 tấn phân vi sinh để bón cho các loại cây trồng. Quy trình ủ phân cũng đơn giản, giá thành sản xuất thấp, để làm được phân hữu cơ vi sinh người dân chỉ cần 300 kg phân chuồng, 700 kg các loại rác thải nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây ngô, trú, mụn cưa; chế phẩm vi sinh, phân lân, đạm và mật mía. Các loại nguyên liệu trên được trộn đều với nhau rồi ủ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng là có thể sử dụng để bón cho các loại cây trồng. Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp các hộ nông dân giảm được 50% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra khi áp dụng sản xuất phân vi sinh còn góp phần tăng năng suất, làm đất đai tơi xốp, giảm thiểu sâu bệnh  và giúp tăng tuổi thọ và sức bền cho cây.
 
anh 5
Bà con nông dân Anh Sơn sử dụng phân vi sinh hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường
Hiện nay toàn huyện Anh Sơn có tổng đàn trâu bò trên 32.000 con, đàn lợn trên 52.457 con, cùng với đó mỗi vụ nông dân sản xuất trên 6.200 ha ngô, lúa, rau màu các loại. Với số lượng phụ phẩm nông nghiệp và nguồn chất thải trong chăn nuôi lớn lại sẵn có giúp cho người nông dân áp dụng mô hình sản xuất phân vi sinh một cách hiệu quả nhằm tạo ra lượng phân hữu cơ vi sinh phục vụ nền nông nghiệp sạch, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Năm 2020 huyện Anh Sơn đã hỗ trợ cho bà con sản xuất phân hữu cơ vi sinh ở 9 xã với số lượng 3.200 tấn men, với số tiền hơn 350 triệu đồng.

Việc thu gom rác thải, phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ vi sinh của bà con nông dân huyện Anh Sơn hiện nay là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu, phục vụ nền nông nghiệp sạch, đồng thời giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường  tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Huyện Anh Sơn đang phấn đấu thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình ra toàn huyện để tạo ra nguồn nông sản hàng hóa theo hướng hữu cơ bền vững có lợi cho môi trường, người sản xuất, người tiêu dùng và hàng hóa nông sản có cơ hội vươn xa hơn.

Thái Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay22,162
  • Tháng hiện tại485,258
  • Tổng lượt truy cập15,626,140
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây