NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Lưu ý việc chăm sóc cây trồng vụ xuân sau đợt rét kéo dài hiện nay
Thứ tư - 09/02/2022 04:364.1940
(Hội NDNA) - Thời vụ gieo cấy, trồng trỉa các loại cây trồng vụ xuân năm nay được tiến hành trong điều kiện xẩy ra rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày, kể từ sau ngày 25/01 đến hôm nay. Đối với tất cả các loại cây trồng, nhất là cây lúa, nếu gặp phải thời tiết rét đậm, nhiệt độ không khí xuống thấp từ 160C trở xuống, cây trồng gần như ngừng sinh trưởng và phát triển. Nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp hơn nữa thì rất dễ xẩy ra hiện tượng lúa chết rét mà bà con nông dân thường gọi là lúa chết cóng.
Việc chăm sóc cây trồng sau gieo cấy, trồng trỉa trong vụ xuân năm nay cần lưu ý những vấn đề sau:
Một: Phần lớn diện tích lúa vụ xuân năm nay được gieo cấy trong thời gian xẩy ra rét đậm và rét hại kéo dài nhiều ngày. Vì vậy rất dễ xẩy ra hiện tượng lúa chậm bén rễ (trừ diện tích lúa cấy sớm trước khi chưa xẩy ra rét đậm, rét hại), chậm sinh trưởng và phát triển khi trời nắng ấm trở lại. Thậm chí sẽ có nhiều diện tích lúa sẽ gặp phải bệnh nghẹt rễ, do sau cấy gặp nhiệt độ không khí thấp dưới 160C, rễ lúa không hoạt động, bùn đất quanh gốc lúa nén chặt lại, gây ra hiện tượng thiếu Oxy để thở và nếu kéo dài nhiều ngày, rễ cấy lúa sẽ thối đen, cả bụi lúa tàn lụi dần. Hiện tượng này gọi là bệnh lúa bị nghẹt rễ.
Vì vậy bà con nông dân phải thường xuyên ra đồng thăm ruộng để phát hiện những bụi lúa có hiện tượng nói trên để kịp thời khắc phục càng sớm, càng tốt, bằng cách: rút nước cạn, bón mỗi sào 10 – 15 kg vôi, sục bùn để kích thích cây lúa ra rễ mới. Trong thời gian này tuyệt đối không được bón đạm, sẽ làm cây lúa chết nhanh hơn. Sau khi đã rút nước cạn, bón vôi, sục bùn được 5 – 7 ngày, nhổ bụi lúa lên kiểm tra thấy có rễ mới xuất hiện thì lúc này mới bón thúc phân đạm cho cây lúa đẻ nhánh. Trường hợp có những bụi lúa không thể khôi phục lại được thì phải nhổ vùi xuống đất, cấy dặm lại để đảm bảo mật độ.
Hai: Không vội vàng bón thúc phân đạm hay phân hỗn hợp NPK cho lúa đẻ nhánh vào những ngày nhiệt độ không khí ngoài trời từ 170C trở xuống. Bón phân lúc này, cây lúa vừa chưa có khả năng thu hút phân bón, vừa dễ làm cho cây lúa chết héo nhanh khi gặp nhiệt độ không khí tiếp tục hạ xuống thấp và càng làm lãng phí phân bón không cần thiết.
Ba: Trời âm u, sương mù nhiều, mưa phùn vào buổi sáng và các buổi chiều tối là cơ hội cho bệnh đạo ôn lá ở cây lúa phát triển. Vì vậy phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm khi bệnh mới xuất hiện. Đặc biệt cần lưu ý ở những đồng lúa ruộng tốt, đất sâu sục, lại gieo cấy những giống lúa dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn như Bắc Thịnh, TBR 225, Thái Xuyên 111, VT-NA6… Nếu phát hiện thấy vết bệnh có màu nâu gạch cua hình bầu dục trên lá lúa thì sử dụng ngay một trong các loại thuốc đặc hiệu sau đây để phun càng sớm càng tốt như: Nikita 400WP, Party 400WP, APPland – Bas 27WP, Pilia 52.5SE, Beam 75WP, Fujione 40 EC, Kitazin 50EC. Phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài vỏ các bao bì của gói thuốc.
Ngoài ra, trong vụ xuân hiện nay, theo Chi cục trồng trọt và BVTV trên các loại cây trồng còn xuất hiện một số sâu bệnh gây hại khác như: bệnh tuyến trùng gây hại 27 ha lúa xuân sớm ở huyện Hưng Nguyên. Chuột phá hoại mạnh trên diện tích 3 ha ở thành phố Vinh và huyện Quỳnh Lưu. Ốc bươu vàng gây hại 59,2 ha ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Quỳ Châu… trong đó có 6 ha bị nặng. Sâu keo mùa thu gây hại nặng trên 5 ha ngô ở huyện Nam Đàn. Bệnh chồi cỏ ở cây mía trên diện tích 545,2 ha ở huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp…
Để phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại nói trên, chúng tôi đề nghị:
Đối với chuột và ốc bươu vàng, biện pháp phòng trừ tốt nhất là dùng các biện pháp thủ công vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa đem lại hiệu quả cao nhất. Đối với chuột nên tố chức thành chiến dịch toàn dân ra đồng đào bắt chuột bảo vê mùa màng và môi sinh. Đối với ốc bươu vàng nên ra đồng tìm ốc bươu vàng để bắt đem về làm thức ăn rất tốt cho chăn nuôi gà, vịt, lợn…
Đối với bệnh tuyến trùng ở cây lúa, nhổ cả bụi lúa lên sẽ thấy ở rễ lúa có các u hạt như nốt sần ở rễ cây lạc bám vào gốc lúa, rễ lúa, làm cho cả bụi lúa lá vàng khô tàn lụi dần, nếu không phòng trừ kịp. Biện pháp tốt nhất là rút nước khô cạn, bón vôi 10 – 15 kg/sào, sục bùn quanh gốc lúa. Sau 5 – 7 ngày cây lúa sẽ hồi phục và tiếp tục bón thúc phân để cây lúa phát triển mạnh trở lại.
Riêng đối với bệnh chồi cỏ ở cây mía hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với loại bệnh này. Vì vậy biện pháp tốt nhất là nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị bệnh, tiến hành luân canh mía với cây trồng khác và nên trồng những giống mía có khả năng chống chịu tốt loại bệnh này.