Phòng trừ dịch hại đầu vụ cho lúa Hè thu – Mùa năm 2022

Thứ năm - 02/06/2022 04:43
(Hội NDNA) - Đặc điểm của sản xuất lúa vụ Hè thu – Mùa là tiếp nối với vụ Xuân theo kiểu lúa Xuân chín vàng mơ thì ra mạ, gặt đến đâu làm đất gieo cấy đến đó vì thế các đối tượng dịch hại có điều kiện chuyển tiếp sang gây hại trên lúa Hè thu một cách nhanh chóng, nguy hiểm ngay từ đầu vụ. Để chủ động phòng trừ và phòng trừ đạt hiệu quả cao chúng tôi có một số khuyến cáo biện pháp phòng trừ cho bà con áp dụng như sau:
1. Biện pháp canh tác.
- Sau gặt lúa xuân tiến hành vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo cấy lúa vụ Hè thu - Mùa (nạo vét kênh mương, đắp bờ, làm sạch cỏ bờ, thu gom rơm rạ - hạn chế đốt trên đồng, lấy đủ nước để cày vùi gốc rạ, bừa dập làm đất nhuyễn đủ thời gian cho phân giải các chất hữu cơ,… sau đó mới gieo cấy).
- Gieo cấy theo lịch thời vụ, cơ cấu giống của tỉnh, địa phương cho từng giống, từng vùng (nên gieo cấy tập trung, đồng loạt theo từng xứ đồng để thuận lợi cho việc lấy nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh,…).
- Chuẩn bị phân chuồng ủ hoai trước, vôi,… để bón khi làm đất, bón theo nhu cầu tiềm năng của từng loại giống, vùng đất,…vụ Hè Thu do thời gian sinh trưởng ngắn nên cần thực hiện kỹ thuật bón phân nặng đầu, nhẹ cuối và tăng cường bón Kali (nhất là đối với lúa lai) để hạn chế sâu bệnh hại. 
- Sử dụng các chế phẩm phân bón qua lá, kích thích phát triển bộ rễ để bổ sung dinh dưỡng, tăng sinh trưởng, tăng năng suất lúa.
- Áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến như “SRI”, 3 giảm 3 tăng “ICM”, quản lý dịch hại tổng hợp “IPM” vào sản xuất.
 
1
Hướng dẫn nông dân đặt bả diệt chuột
2. Phòng trừ một số đối tượng chính đầu vụ
2.1. Đối với chuột:
Do nguồn thức ăn cuối vụ Xuân dồi dào nên Chuột đã sinh sôi gia tăng về số lượng, đây là nguồn chuyển tiếp sang gây hại lúa Hè thu – Mùa ngay từ khi gieo mạ và khi gieo cấy đại trà. Để hạn chế tác hại của chuột cần thực hiện:
- Sau gặt tiến hành vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi rậm để hạn chế nơi cư trú của chuột;
- Dùng nylon vây che xung quanh khu vực bắc mạ, ruộng gieo, cấy,…(tuy nhiên cần có sự liên kết các hộ gia đình để cùng chung vây che vừa giảm chi phí, vừa hạn chế lượng nylon sau này thu gom,…);
- Phát động đợt cao điểm toàn dân ra quân bắt, diệt chuột trong thời gian lấy nước, làm đất trước khi gieo cấy vụ hè thu – mùa bằng các hình thức như: Đào hang, hun khói, đổ nước vào hang để bắt chuột; Sử dụng các loại bẫy bán nguyệt, bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy dính,…bắt chuột;
- Tổ chức đặt bả thuốc diệt chuột bằng các loại sinh học, ít độc cho người, vật nuôi và môi trường như: Hoạt chất Brodifacoum (Diof 0.006AB “bả ướt”,…), Bromadiolone (Broma 0.005AB “bả khô”, Cat 0,25 WP,…), Coumatetralyl (Racumim 0,0375 PA, 0,75 TP,…) Warfarin (Rat K 2%D,…), Flocoumafen (Storm 0.005%block bait “dạng viên kẹo”,…),. Có thể dùng mồi bằng lúa ngâm nảy mầm, tôm, cua,…trộn theo khuyến cáo, có loại đã được làm sẵn thành viên kẹo, bả khô - ướt,…đặt ở nơi chuột hay qua lại tìm thức ăn, trước cửa hang vào chiều tối, khi đặt nếu gặp mưa to phải đặt lại vì mưa đã làm giảm mất tác dụng.

2.2. Đối với Rầy lưng trắng - Bệnh lùn sọc đen.
Đây là đối tượng môi giới truyền virus gây bệnh Lùn sọc đen rất nguy hiểm do đó cần phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu vụ. Biện pháp cần thực hiện:    
- Không gieo mạ gần những nơi có nguồn ánh sáng đèn thu hút rầy vào ban đêm.
- Cơ quan chuyên môi lấy mẫu rầy từ ruộng lúa Xuân, trên mạ Hè thu – Mùa test virus sớm để cảnh báo và có khuyến cáo cụ thể cho bà con nông dân và các địa phương biết để quản lý.
- Khuyến khích xử lý hạt giống bằng các loại thuốc xử lý hạt giống như: Thiomethoxam (Cruiser Plus 312,5FS,…), Dinotefuran (Sakura 40WWP,…), Imidacloprid (Gaucho 600FS,…);
- Phun trừ rầy trên ruộng mạ ở những vùng hàng năm trước thường bị bệnh gây hại nhiều bằng các loại thuốc trừ rầy nội hấp như: Pymetrozine (Chess 50WG,…); Dinotefuran(Oshin 20WP,…); Triflumezopyrim (Dupont Pexena 106 SC,…), Acetamiprid+ Imidacloprid (Sutin 50SC,…); Clothianidin (Dantotsu 16WSG);… nhằm diệt trừ môi giới truyền bệnh.
- Đối với lúa giai đoạn từ gieo cấy đến làm đòng: Thường xuyên theo dõi, giám định rầy để phát hiện virus và tổ chức phòng trừ rầy kịp thời theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn bằng một trong các loại thuốc nêu trên và có thể phối kết hợp với các loại thuốc trừ rầy có tính tiếp xúc – Xông hơi như: Fenobucarb (Bassa 50EC,…), Nitenpyram (Elsin 10 EC,…).
- Đối với ruộng lúa khi phát hiện bệnh thì tiến hành nhổ bỏ tiêu hủy ngay những cây bị bệnh bằng cách vùi kỹ xuống bùn và cấy dặm lại bằng cây khỏe để bảo đảm mật độ. Những ruộng bị nặng không có khả năng cho thu hoạch thì tiến hành cày vùi tiêu hủy toàn bộ (trước lúc cày vùi kiểm tra nếu có rầy thì phải phun bao vây diệt trừ rầy trước rồi mới tiêu hủy).
 
2
Thu gom ốc bươu vàng trên ruộng lúa
2.3. Đối với Ốc bươu vàng (OBV):
Sau thu hoạch lúa Xuân OBV thường tập trung vào mương máng, đầm, ruộng có nước tiếp tục đẻ trứng sinh sôi và gây hại trực tiếp lúa hè thu – mùa. Để hạn chế OBV cần thực hiện một số biện pháp sau:  
- Biện pháp tốt nhất là tổ chức mọi người ra đồng bắt thu gom ốc và ổ trứng vào sáng sớm hoặc chiều mát ở những nơi OBV sinh sôi nhiều. Ốc bắt được có thể dùng chế biến thức ăn cho gia súc, cá, vịt, Đào hố bỏ vôi chôn kỹ, nghiền nát,…(Không nên đổ ốc trên đường quốc lộ - ô tô có thể nghiền nát ốc nhưng cũng không ít con sống sót tiếp tục di chuyển gây hại và còn gây ô nhiễm môi trường).
 - Có thể sử dụng thức ăn như lá khoai, rau muống,... dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom. Cắm các cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, kênh mương tưới để thu hút ốc đến đẻ trứng để dễ thu gom. 
- Có thể dùng cây xương rồng, cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp,…chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mực nước giúp thu nhặt ốc dễ dàng hơn.
- Cày lật đất, bừa dập kỹ cũng có tác dụng diệt bớt OBV; Dùng vôi bón ruộng khi làm đất chuẩn bị gieo cấy vừa trừ OBV vừa giúp cải tạo đất (liều dùng 500 kg/ha).  
- Trong trường hợp thực hiện các biện pháp trên mà không hạn chế được tác hại của OBV do mật độ cao, sinh sôi nhanh, ốc còn nhỏ khó bắt bằng tay thì phải sử dụng đến thuốc BVTV để phòng trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Niclosamide (VT – dax 700WWp,…), Niclosamide + Additives (Vua ốc USA – Blaccarp 700WWP,…), Niclosamide-olamine (Vua trừ ốc - Clodansuper 700WP, Truocaic 700WP,…), Metaldehyde (Boxer 15GR, Anhead 12 GR, Bolis 12GB,...), Metaldehyde + Niclosamide (Starpumper 800WP,...), Khi phun ruộng có mực nước khoảng 3 - 5 cm là vừa, sau phun tiếp tục giữ nước để diệt hết ốc, không phun ruộng khô nước, nước quá trên 5cm, sau phun không được để nước chảy sang ruộng khác, nên phun vào buổi chiều tối là tốt nhất (thuốc trừ ốc độc cho cá, môi trường nên chỉ dùng khi cần thiết và không được để nước ruộng phun thuốc chảy vào kênh mương, ao cá).

2.4. Phòng trừ cỏ dại.
Đặc điểm vụ hè thu – mùa sau gieo cấy ruộng thường bị khô hạn, không đủ nước nên cỏ mọc rất nhiều và trên ruộng có rất nhiều loại cỏ có thể mọc từ hoa, từ thân,…do đó rất cần thiết phải thực hiện biện pháp phòng trừ cỏ như sau:
- Làm đất, vệ sinh đồng ruộng: Sau thu hoạch lúa Xuân vệ sinh bờ vùng, bờ thửa sạch cỏ, thu gom rơm rạ lẫn cỏ sạch sẽ; tùy vào thời gian gieo cấy, vùng đất để tiến hành làm đất ngay (có thể làm dầm hoặc cày phơi ải ruộng) để hạn chế cỏ mọc; ruộng gieo, cấy đều phải được làm đất kỹ, bằng phẳng, không được để chỗ cao - trũng lỗ chỗ trên ruộng thuận lợi cho việc duy trì nước sau này sẽ hạn chế cỏ mọc.
- Tốt nhất là làm cỏ bằng tay kết hợp dặm tỉa sục bùn để thông khí cho lúa sinh trưởng, nhất là đối với ruộng lúa cấy. Tuy nhiên, do tính chất của vụ hè thu thường bị khô nước nên cỏ mọc nhiều và có khi không có nước để làm cỏ bằng tay. Vì vậy phải sử dụng thuốc cỏ ngay từ đầu.
* Đối với ruộng lúa gieo thẳng: Sau gieo có thể dùng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm để phun nhằm diệt cỏ ngay từ khi mới mọc, sau đó tùy vào tính chất của từng ruộng, từng loại cỏ để tiếp tục sử dụng thuốc hậu nảy mầm sớm, hậu nảy mầm muộn để trừ. Một số loại thuốc sau:
+ Trừ cỏ tiền nảy mầm, dùng thuốc phun đều trên ruộng sau khi gieo 1-3 ngày, ruộng chỉ cần đủ độ ẩm nước xâm xấp, không để ruộng khô nứt nẻ sau phun, phun xong từ  3- 5 ngày cho nước vào ruộng. Thuốc có Hoạt chất Pretilachlor + Fenclorim (chất an toàn = C.A.T): Sofit 300EC, Vithafit 300EC, Prefit 300EC, ...đối với lúa gieo sử dụng nhóm này là chủ yếu ngoài ra có thể sử dụng các loại có hoạt chất (Pretilachlor C.A.T: Sonic 300EC, Rifit 500EC,…), Butachlor + C.A.T: New Heco 600EC,...
* Đối với ruộng cấy và gieo:
Trừ cỏ hậu nảy mầm sớm, dùng phun cho ruộng cấy hoặc gieo khi cỏ đã mọc được 1-3 lá, ruộng phải có nước xâm xấp.
+ H/C Bensulfuron Methyl: Beron 10WP, Rorax 10WP, Sharon 100WP…Sau sạ từ  3 - 7 ngày.
+ H/C Butachlor: Butanix 60EC, Dibuta 60EC, Heco 600EC, Meco 60EC,…dùng cho ruộng lúa cấy (sau 5- 7 ngày) và lúa gieo thẳng.
 + H/C Ethoxysulfuron: Sunrice 15WDG, Sunrice super 13.75WG,…từ 7- 20 ngày
 + H/C  Oxadiargyl: Raft 800WP dùng cho ruộng lúa cấy (sau 5-7ngày) còn có tác dụng diệt rong rêu và bèo tấm.
* Trừ cỏ hậu nảy mầm muộn dùng: Hoạt chất Metsulfuron Methyl: Ally 20DF, Super–Al 20 DF, Alyrius 200EC,…dùng cho ruộng lúa gieo hoặc cấy sau 20-30 ngày khi cỏ đã mọc được từ 3 lá trở lên.
* Trừ cỏ lồng vực (cỏ mỳ, cỏ gạo) đã lên: Sau khi sử dụng nhóm trừ cỏ tiền nảy mầm để diệt cỏ lồng vực nhưng trên ruộng vẫn còn thì sử dụng loại thuốc hậu nảy mầm có hoạt chất Bispyribac – Sodium: Cỏ cặp Nominee 10SC phun khi cỏ mọc 2- 4lá; Hoạt chất Pyrazosulfuron Ethyl + Quinclorac: Sifa 28WP phun sau gieo cấy từ 10-25 ngày; Hoạt chất Cyhalofop – butyl: Clincher 10EC phun sau 10-18 ngày sau sạ.
* Ruộng nhiều cỏ chác, lác: Cỏ đã lên sau gieo cấy 10 – 30 ngày: Dùng hoạt chất Bentazone (Basagran 480 SL,…).

2.5. Ngoài các đối tượng chính trên, đầu vụ Hè thu – mùa còn có một số đối tượng như: Bọ trĩ, Sâu keo, Tuyến trùng rễ, Sâu cuốn lá nhỏ,…Cũng cần giám sát để chủ động phòng trừ khi cần thiết.
 

Nguyễn Đình Hương

(Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay18,923
  • Tháng hiện tại469,805
  • Tổng lượt truy cập15,610,687
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây