NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Giải pháp nào để “cấp cứu” cây cam hiện nay ở tỉnh
Chủ nhật - 13/02/2022 20:442.0230
(Hội NDNA) - Gần đây (ngày 5/2/2022) theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An, hiện tại ở các vùng trồng cam trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh hay còn gọi là bệnh greening trên diện tích 439 ha và bệnh vàng lá thối rễ 142 ha.
Vừa qua Báo Nghệ An đăng bài “cấp cứu” cây cam của tác giả Tiến Đông, tôi thấy cần làm rõ hơn sự thật về cây cam hiện nay ở tỉnh ta đang bị bệnh gì, nguyên nhân vì sao và từ đó cần có biện pháp phòng trừ quyết liệt, để không còn tình trạng cây cam “thoái hóa” như hiện nay.
Thứ nhất: Xác định đúng bệnh để có biện pháp cứu chữa triệt để. Nếu cho rằng, nguyên nhân do cam bị thoái hóa và chỉ cần biện pháp cứu chữa bằng cách: Cải tạo bộ rễ, tạo tán cành, bón phân … giúp cây phục hồi trở lại, thì quá đơn giản và sẽ không còn tình trạng “thoái hóa” kéo dài năm này qua năm khác đến mức phải chặt bỏ. Đầu năm 2021, Viện Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã cử một số chuyên gia về bệnh cây vào Nghệ An để quan sát tại các vườn cam có các hiện tượng vàng lá, còi cọc, quả nhỏ, rụng quả nhiều… để xác định cây cam đang bị bệnh gì và được tiến hành bằng 2 phương pháp: vừa quan sát các triệu chứng xuất hiện trên cây cam và vừa lấy mẫu bệnh phẩm test nhanh để biết được đó là loại bệnh gì. Kết quả cho thấy, một số vườn cam ở Nghệ An đang bị 2 loại bệnh, đó là bệnh vàng lá gân xanh (greening) và bệnh vàng lá thối rễ. Cả 2 loại bệnh này đều là bệnh rất dễ lây lan từ cây này sang cây khác, từ vườn này qua vườn khác.
Thứ hai: Để dễ dàng nhận biết 2 loại bệnh này, chúng tôi xin được giới thiệu tóm tắt triệu chứng của 2 bệnh nói trên ở cây cam như sau:
- Nếu cây cam bị bệnh vàng lá gân xanh (greening) có các triệu chứng như: Phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng, gân lá có màu xanh, lá thường mọc thẳng đứng như tai thỏ, nên người ta gọi là bệnh vàng lá gân xanh.
Ở hoa, ta thường thấy có lúc ra hoa trái mùa, hoa ít, hay rụng.
Ở quả, quả nhỏ hơn bình thường, hình quả méo mó, khi bổ dọc quả ra sẽ thấy tâm quả lệch sang một bên. Thông thường quả có quầng đỏ từ dưới đít quả lên. Hạt quả thường có màu nâu và dễ bị thối.
Ở rễ, rễ bị thối nhiều, nhất là rễ tơ bị thối hết, chỉ còn lại rễ chính. Nếu bệnh nặng rễ chính cũng thối.
- Nếu cây cam bị bệnh vàng lá thối rễ, có các triệu chứng như: gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá có màu vàng cam và rất dễ bị rụng. Chất lượng quả kém, ăn không ngon và bị rụng sớm từ khi quả còn xanh. Cây sinh trưởng kém, có dấu hiệu tàn lụi dần. Nếu bị bệnh nặng sẽ dẫn đến chết cây.
Ở rễ cây bị bệnh, nếu thấy nhánh cây bị bệnh hướng về phía nào thì rễ cây cũng bị hư thối ở phía đó. Rễ bị thối bắt đầu từ rễ nhỏ lan dần sang rễ lớn. Rễ thối có màu nâu và vỏ rễ rất dễ tuột ra khỏi phần gỗ và từ đó làm cho rễ không có khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng nuôi cây, từ đó dẫn đến cây chết khô dần.
Thứ ba: Nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá gân xanh và bệnh vàng lá thối rễ ở cây cam hiện nay.
Nguyên nhân gây bệnh vàng lá gân xanh và bệnh vàng lá thối rễ ở cây cam hiện nay hoàn toàn không phải do thời tiết gây ra như nhiều người lầm tưởng là không đúng.
- Nguyên nhân chính gây ra bệnh vàng lá gân xanh (greening, là do chủng vi khuẩn Candidatus, loài Liberibacter asicticus (Las) Châu Á. Loài vi khuẩn này tấn công vào mạch dẫn của cây rồi bệnh được lây truyền do rầy chổng cánh truyền vi khuẩn từ cây bị bệnh sang cây chưa bị bệnh và lan truyền cả bằng cách lấy mắt ghép ở cây đã bị bệnh để ghép khi ta nhân giống cam.
- Nguyên nhân chính gây ra bệnh vàng lá thối rễ ở cây cam hiện nay do nhiều tác nhân gây ra, gồm nấm Fusarium, phytophthora và tuyến trùng gây ra. Trong đó tương tác giữa nấm Fusarium và tuyến trùng là quan trọng nhất. Bệnh này ít xuất hiện vào mùa mưa, xuất hiện chủ yếu vào đầu mùa nắng.
Thứ tư: Biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả, lâu dài.
Một: Chỉ nên trồng cam ở những vùng đất cao ráo, có tầng đất canh tác dày từ 50cm trở lên, nhất là vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ có tầng đất canh tác sâu và các vùng đất chung quanh các núi đá vôi rất thích hợp để trồng cam, vừa ít bị bệnh, vừa có chất lượng cam ngon, thơm do loại đất này giàu can xi và phốt pho ríc.
Hai: Ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống các huyện, thành, thị phải kiểm tra và chỉ cấp phép những tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật, về trang trại, về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác chiết, ghép, trang thiết bị cách ly (nhà lưới) và đội ngũ lao động có kỹ thuật mới được phép hành nghề sản xuất và kinh doanh giống cam, chanh, quýt, bưởi. Nhất thiết không để tình trạng “nhà, nhà, người, người” đua nhau chiết, ghép nhân giống cam ồ ạt, bán cây giống tràn lan khắp mọi nơi như cả mấy năm qua và cả hiện nay, đã gây ra tình trạng hàng trăm ha cam bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh (greening) và bệnh vàng lá thối rễ kéo dài nhiều năm nay, cho dù phải chặt bỏ cũng không thể chấm dứt 2 loại bệnh nói trên.
Ba: Các cơ sở nhân giống cam, chanh, quýt, bưởi được cấp phép hoạt động phải nghiêm túc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chiết, ghép. Cụ thể là:
- Phải có cây giống gốc (cây mẹ) là cây được chọn lọc kỹ đạt tiêu chuẩn làm cây giống: cây khỏe, chưa hề bị một loại sâu bệnh gì, quả nhiều, quả to, ngon, thơm, nhiều nước, vỏ quả sáng đẹp… Cây giống gốc phải được đem trồng riêng ở trong nhà lưới để vừa bảo vệ, vừa ngăn ngừa các loại sâu bệnh gây hại.
- Tuyệt đối không lấy mắt ghép hoặc chiết cành ở những cây cam, vườn cam được trồng tự do ngoài trời. Nếu cần thiết phải lấy mắt ghép thì chỉ lấy ở những cây cam ở trong các vườn hoàn toàn sạch bệnh.
- Cây giống sau khi được ghép xong mắt ghép phải đưa vào trong nhà lưới cho đến khi trưởng thành mới đem ra vườn trồng hoặc bán cho các trang trại và hộ gia đình có nhu cầu mua để trồng.
Bốn: Đất trước khi trồng phải được chuẩn bị trước 1-2 tháng, vệ sinh sạch sẽ cỏ dại, đào hố sâu 30 – 40cm, rộng 30 - 40cm, xử lý bằng vôi bột để diệt khuẩn và nấm trong đất, bón nhiều phân hữu cơ hoặc phân xanh đã ủ hoai cộng với 1 - 2 kg lân trộn đều với phân và đất. Khi trồng đặt bầu giống xuống sâu vào lớp phân 5 - 7 cm, lấp khỏa đất lại thấp hơn mặt bằng đất 2 - 3 cm, xong tốt nhất phủ kín gốc bằng rơm rạ, lá cây khô để giữ ẩm, phòng chống hạn…
Năm: Mật độ trồng không nên trồng dày, chỉ trồng khoảng 500 cây/ha, trồng thành băng lớn. Xung quanh vườn cam và giữa các băng nên trồng cây ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa có tác dụng ngăn cản con rầy chổng cánh xâm nhập chích hút để truyền bệnh vàng lá gân xanh ở cây cam.
Sáu: Thỉnh thoảng quan sát cây cam, bưởi, chanh, quýt, nếu thấy cành lá nhiều, rậm rạp quá thì dùng dao, kéo cắt tỉa cành tạo tán cân đối, để cây vừa phát triển tốt, vừa hạn chế sâu, bệnh có cơ hội phát triển.
Bảy: Thường xuyên thăm, quan sát trồng cây cam trong cả vườn cam. Nếu phát hiện có rầy chổng cánh trên cành, lá cam thì ngay lập tức sử dụng thuốc đặc hiệu như Bassa để phun trừ ngay theo chỉ dẫn có ghi ở ngoài bao bì thuốc. Nếu phát hiện trong vườn cam, chanh, quýt, bưởi có 1,2 hay 3 cây đã bị bệnh vàng lá gân xanh thì phải tiêu hủy cây đó cả thân, lá, gốc, rễ bằng cách chặt đốt cháy hết hoặc đào hố sâu, rắc vôi, chôn chặt. Vì loại bệnh này chưa có thuốc phòng trị và lại lây lan nhanh. Do đó khi bệnh phát triển nhiều, thấy không còn khả năng khôi phục lại được thì buộc phải tiêu hủy cả vườn cam và chuyển sang luân canh cây trồng khác tối thiểu 1 - 2 năm, sau đó mới trồng lại cam.
Riêng bệnh vàng lá thối rễ, nếu phát hiện có cây bị bệnh thì nên sử dụng một trong các sản phẩm thuốc sau đây để tưới vào gốc rễ như: Alpine 80WG, Treppach Bul 607SL, Mexyl MZ 72WP… nên tưới ít nhất 3 lần theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì để tiêu diệt tuyến trùng, sâu, bệnh, nấm… ở trong đất.
Tám: Trong vườn cây cam, chanh, quýt, bưởi (họ cây có múi) tuyệt đối không để nước ứ đọng, nước thừa trên mặt đất, xung quanh gốc cây. Vì vậy trong và quanh vườn phải có hệ thống mương thoát nước nhanh khi có mưa to.
Chín: Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN & PTNT, Sở KHCN có kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện triệt để các biện pháp phục hồi và phát triển cây cam ở Nghệ An hiện nay để không còn tình trạng những vườn cam cằn cỗi do sâu bệnh phá hoại buộc phải chặt phá như hiện nay.