Bệnh cháy lá sinh lý, bệnh teo rụng nụ hoa lyly, cách nhận biết và phòng trừ

Thứ ba - 09/11/2021 20:35
(Hội NDNA) - Qua theo dõi tại một số hộ trồng hoa LyLy ở TP Vinh, Nghi Lộc và Cửa Lò trong những năm trở lại đây thì bệnh cháy lá sinh lý, bệnh teo rụng nụ hoa lyly là những bệnh khá phổ biến và gây thiệt hại khá lớn cho các hộ trồng, điển hình như vụ hoa năm 2020 tại xã Nghi Long huyện Nghi Lộc, đã có nhiều hộ phải nhổ bỏ khi hoa ly nhiễm bệnh cháy lá. Để chuẩn bị cho vụ hoa Ly năm 2021-2022 bà con cần chú ý phòng trừ 2 bệnh này ngay từ khâu đầu tiên.
1. Bệnh cháy lá sinh lý:
a, Triệu chứng: Bệnh xuất hiện khi nụ hoa chưa nở. Trước tiên, đầu lá non cuốn vào bên trong, sau mấy ngày trên phiến lá xuất hiện các vết ban từ màu xanh vàng sang màu trắng. Ở mức độ nặng, các vết ban trắng chuyển sang màu nâu, làm tổn thương đến chỗ phát sinh, phiến lá cong lại, ở mức độ nghiêm trọng, tất cả các phiến lá và mầm còn non đều rụng, cây không thể tiếp tục phát triển.

Bệnh thường phát sinh gây hại nặng ở giai đoạn cây hình thành nụ hoa, thông thường sau trồng từ 20 - 35 ngày, tùy theo giống có thời gian sinh trưởng dài hay ngắn.

b, Nguyên nhân: Do mất cân bằng giữa hấp thu nước và thoát hơi nước của cây; thời kỳ phân hóa nụ gặp phải nhiệt độ và ẩm độ không khí cao, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao, thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.

+ Trồng các giống mẫn cảm với bệnh (Lesotho, Sorbonne), trồng củ giống có kích thước lớn (chu vi củ > 20cm).

+ Thiếu hụt dinh dưỡng cũng là nguyên nhân quan trọng làm bệnh nặng thêm, trong đó thiếu hụt các nguyên tố trung, vi lượng như Canxi, Bo, Zn …

+ Đất nghèo dinh dưỡng, trồng cạn và tưới nước quá nhiều cũng là nguyên nhân gây nên bệnh cháy lá sinh lý
                           
1 3
Triệu chứng bệnh cháy lá sinh lý
c, Phòng trừ :  Làm đất kỹ, tơi xốp.

- Chọn những giống ít mẫn cảm với bệnh cháy lá như Belladona, Yelloween, Manissa, Concador…, không nên trồng củ có kích thước lớn (chu vi > 20cm).

- Đảm bảo độ ẩm đất, trồng đúng mật độ, trồng sâu vừa phải (mặt trên củ giống nên cách mặt đất 8-10cm). 

- Ở giai đoạn phân hoá hoa, giai đoạn mẫn cảm nhất, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm không bến động lớn, tốt nhất là duy trì độ ẩm khoảng 75%, che nắng để giảm bớt bốc hơi nước.

- Điều tiết ánh sáng hợp lý; cải thiện điều kiện thông gió trong vườn để tạo sự thông thoáng, tăng cường sự hấp thu các chất dinh dưỡng của cây.

- Điều chỉnh độ pH đất phù hợp với sinh trưởng phát triển của cây hoa Lily (Độ pH thích hợp cho Lily thơm khoảng từ 5,5 - 6,5 ly không thơm từ 6,0-7,0).

- Bổ sung phân bón lá để giúp cây sinh trưởng mạnh ngay ở giai đoạn đầu. Sử dụng phân bón trung lượng có hàm lượng Canxi cao để bón lót và sau trồng 10, 20, 30 ngày. Với phân bón vào gốc khuyến cáo bón 2kg phân Calcium nitrate 26,5% cho 1.000 chậu (cây) hoa Lily/lần bón. Hoặc phun trực tiếp vào 2 mặt lá, không phun hoặc tưới nước vào đọt hoa.

- Khi phát hiện các lá ngọn dính chùm, nên dùng tay tách các lá ra để tạo sự thông thoáng, hạn chế bệnh gây hại nặng.

2. Bệnh teo, rụng nụ

a, Triệu chứng:  Bệnh xuất hiện khi nụ dài khoảng 0,5-1,0 cm. Nụ có màu xanh nhạt, dần dần chuyển màu vàng, lúc này tại cuống nụ xuất hiện tầng rời và làm rụng nụ hoa. Bệnh làm cho cành hoa bị mất hoa ảnh hưởng đến vẻ đẹp và chất lượng của cành hoa.
 
2 2
Hoa ly trồng trên đất cát ven biển tại thị xã Cửa Lò.
b, Nguyên nhân: Do thiếu nước,  thiếu dinh dưỡng vi lượng (Bo) và thiếu ánh sáng (là nguyên nhân chính) Bệnh xẩy ra trên chân đất nghèo dinh dưỡng và thường xẩy ra đối với ly trồng trong chậu do giá thể không đảm bảo.

c, Phòng trừ: + Điều chỉnh chiếu sáng đầy đủ, che bớt ánh sáng giai đoạn từ trồng đến lúc có nụ hoa, sau bỏ lưới che nắng ra, nếu trời quá nắng thì kéo lưới che bớt nắng.  Nếu điều kiện ánh sáng không đủ để cây phát triển, có thể sử dụng biện pháp chiếu sáng bổ sung 3 tiếng (18 - 21h) mỗi ngày, liên tục trong 20 ngày sau khi đã trồng được 35 - 45 ngày, để giảm tỷ lệ thui nụ, nụ biến dạng.

- Từ khi nụ hoa xuất hiện đến khi thu hoạch hoa luôn theo dõi và kiểm tra cường độ ánh sáng nhà trồng lily để có chế độ che hợp lý.

+ Tưới nước: Tưới đủ nước cho cây, đặc biệt đối với ly trồng trong chậu. Khi tưới chú ý không tưới nước vào đọt hoa. Nếu có thể nên sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cho ly. Không được để cho hoa ly bị khô hạn.

+ Bổ sung dinh dưỡng bón phân qua lá: Muốn nâng cao chất lượng hoa, hạn chế bệnh teo rụng nụ cần phun cho cây lily một số phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng như: Antonix, Komix, Đầu Trâu (502, 901, 902), Ca(NO3)2, Caxibo, NPK tổng hợp... Phun sau trồng 15 - 20 ngày, phun định kỳ 5 - 7 ngày/lần, nồng độ theo hướng dẫn cụ thể từng loại phân ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Phun đều vào cả 2 mặt lá cây, không được phun vào nõn cây.

Trần Nguyễn Minh Thư

(Trung tâm DVNN thị xã Cửa Lò)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập166
  • Hôm nay7,888
  • Tháng hiện tại324,921
  • Tổng lượt truy cập14,978,815
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây