Để cây gừng Kỳ Sơn phát triển bền vững hiệu quả

Thứ tư - 19/04/2023 20:52
(Hội NDNA) - Gừng là cây trồng có từ lâu đời ở huyện Kỳ Sơn, được đồng bào người Mông trồng để làm gia vị, làm thuốc chữa bệnh và những năm gần đây sản phẩm gừng Kỳ Sơn được người tiêu dùng trong cả nước biết đến, nên việc tiêu thụ ngày càng nhiều. Chính vì vậy, diện tích gừng ngày càng được mở rộng nhiều hơn và cũng từ đó Kỳ Sơn xác định gừng là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện hiện nay.
Lợi thế cây gừng Kỳ Sơn:

Kỳ Sơn có địa hình núi cao nhất tỉnh Nghệ An, độ cao ở Kỳ Sơn từ 700 mét trở lên so với mặt biển. Cây gừng trồng ở độ cao càng lớn, chất lượng gừng càng tốt. Thứ hai, có nền nhiệt phù hợp, nhiệt độ trung bình 20 – 250C, độ ẩm lớn, có 2 mùa khô và mưa, lượng mưa trung bình từ 1.800 – 2.000mm. Thứ ba, có lớp đất canh tác khá dày, độ chua đất rất thích hợp cho cây rừng (pH KCl 4,5 – 5,1); độ giàu mùn, hàm lượng các bon hữu cơ tổng số khá (từ 2,48 – 3,40%), các chất dinh dưỡng khác như: Đạm, lân, kali cả tổng số và dễ tiêu khá cáo. Đặc biệt hàm lượng Kali cao sẽ hình thành chất cay Gingerol và hàm lượng tinh dầu trong củ gừng rất tốt.Thứ tư, ở Kỳ Sơn có trồng 2 giống gừng bản địa, gừng dé và gừng sừng trâu. Cả 2 giống gừng này đều có hàm lượng chất xơ (cellulose) thấp, từ 0,8 – 0,9%, hàm lượng Protein từ 1,52 - 1,87%, chất cay (gingerol) tính theo chất khô có từ 1,85 – 3,33%, cay và rất cay; hàm lượng tinh dầu tính theo chất khô có từ 3,52 – 4,12%. Thứ năm, gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 558/QĐ SHTT ngày 15/11/2019 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Thứ sáu, nhu cầu thị trường  tiêu thụ sản phẩm gừng củ, gừng sau chế biến (tinh dầu gừng, bột gừng…) trong đời sống hàng ngày (cả làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh)… ngày càng nhiều cả trong và ngoài nước.
Từ những lợi thế nói trên sản phẩm gừng Kỳ Sơn rất có điều kiện để phát triển trên quy mô lớn, sản phẩm hàng hoá nhiều phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu… nhằm đem lại hiệu quả cho địa phương.
 
gung ky son 4 16470828459841369755080
Người dân Kỳ Sơn thu hoạch gừng
Vì sao khó tiêu thụ:

Sản phẩm gừng Kỳ Sơn khó tiêu thụ không phải bây giờ trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác nói đến, nhất là vài năm gần đây khi người dân mở rộng diện tích trồng, sản phẩm thu hoạch về càng nhiều thì nhu cầu tiêu thụ càng gặp khó khăn, có năm còn kêu gọi giải cứu để giúp đỡ bà con nông dân trồng gừng ở huyện vùng cao Kỳ Sơn.

Sản phẩm gừng Kỳ Sơn khó tiêu thụ, chủ yếu do mấy nguyên nhân sau đây:
Một: Chất lượng sản phẩm gừng chưa tốt. Chất lượng sản phẩm gừng được quyết định bởi: Thứ nhất là giống, thứ hai là đất trồng và thứ ba là chất cay Gingerol và hàm lượng tinh dầu. Nhưng tại các địa phương trồng gừng ở huyện Kỳ Sơn, như: Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huổi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý và Bảo Nam, xã nào cũng trồng cả 2 giống gừng (giống gừng dé và giống gừng sừng trâu), nhưng người dân không phân biệt được giống nào là gừng dé, giống nào là gừng sừng trâu, vì thân, lá, củ của các giống gừng giống nhau, chỉ có thể khác nhau củ to, củ nhỏ và màu sắc ruột củ vàng và vàng nhạt. Trồng lẫn lộn giữa 2 giống gừng này tất yếu sẽ cho ra sản phẩm củ gừng có sự khác nhau, trông không bắt mắt, người mua kén chọn, khó bán, chưa nói đến chất lượng cay và hàm lượng tinh dầu giữa 2 giống nhiều, ít khác nhau.

Không những trồng lẫn giống, việc chọn lọc giống gừng sau mỗi vụ thu hoạch để lấy giống tốt tiếp tục trồng cho vụ kế tiếp sau đó hầu như không được quan tâm thực hiện. Vì vậy chất lượng cây giống không tốt thì sẽ cho ra sản phẩm gừng kém chất lượng là hoàn toàn đúng.
Hai: Trong khi chưa có nhà máy chế biến, thị trường tiêu thụ hạn chế, lại mở rộng diện trồng nhiều, dẫn đến cung vượt cầu, khó tiêu thụ.

Những năm trước đây diện tích gừng trồng ở huyện Kỳ Sơn mỗi năm chỉ ở mức từ 320 – 350 ha. Do giá gừng năm 2019 tăng lên từ 25.000 – 30.000 đồng/kg gừng củ, nên năm 2000 diện tích gừng tăng lên 468 ha và năm sau giá gừng tiếp tục tăng lên trên dưới 30.000 đồng/kg, đẩy diện tích trồng gừng lên đến gần 1.000 ha. Diện tích nhiều, sản lượng lớn, khó tiêu thụ thì chắc chắn giá bán sẽ giảm mạnh. Năm trước Hội Nông dân tỉnh, huyện đã có lời kêu gọi “giải cứu gừng cho bà con nông dân huyện Kỳ Sơn” và năm nay diện tích gừng Kỳ Sơn vẫn trồng được trên 800 ha, năng suất bình quân khoảng 50 – 60 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt từ 4500 – 4800 tấn. Hiện tại chỉ mới thu hoạch gần 400 ha, còn lại hơn 400 ha chưa thu hoạch. Nếu tháng 4 này không thu hoạch hết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng củ gừng, do củ gừng bị xơ hoá, sản phẩm càng khó bán và thiệt hại sẽ rất lớn cho người trồng. Đây chính là hậu quả của việc mở rộng diện tích trồng chạy theo giá cả thị trường, trong khi đó trên địa bàn sản xuất chưa có nhà máy chế biến, chưa có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người sản xuất và việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm gừng Kỳ Sơn trên các phương tiện thông tin đai chúng, trên sàn thương mại điện tử… để khách hàng trong và ngoài nước biết, tìm đến giao dịch…làm chưa nhiều, chưa hấp dẫn.
Ba: Đa số người trồng gừng chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc, đầu tư thâm canh và thu hoạch. Vì vậy chất lượng giống kém, giống lẫn lộn, trồng quá dày, đầu tư thâm canh chưa có gì, nên năng suất thấp, củ nhỏ, màu sắc củ sần sùi, mẫu mã không đẹp… khó bán, khó tiêu thụ, phải bán với giá quá thấp.

Đặc biệt thu hoạch gừng, nếu thu hoạch non năng suất vừa thấp, chất lượng gừng lại vừa kém (ít cay và hàm lượng tinh dầu giảm). Tốt nhất sau trồng 10 – 11 tháng, lúc này gừng đã già có độ cay và hàm lượng tinh dầu cao nhất, nên thu hoạch ngay. Nếu thu hoạch muộn ngày nào thịt củ sẽ bị xơ hoá cao, năng suất giảm, chất lượng giảm.

Cần giải pháp gì cho cây gừng Kỳ Sơn:

Cho dù cây gừng ở Kỳ Sơn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhất là khó tiêu thụ. Nhưng, cả trước mắt và lâu dài vẫn là cây trồng không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của con người, vừa làm gia vị trong bữa ăn, vừa chữa bệnh, không những ở trong nước mà ở cả trên thế giới.
Vì vậy, hãy tin tưởng chắc chắn rằng, gừng sẽ là cây trồng được phát triển mạnh, nhất là ở những vùng đất có địa hình cao, có giống gừng bản địa cay, hàm lượng tinh dầu nhiều như ở Kỳ Sơn càng có cơ hội phát triển mạnh.

Để cây gừng Kỳ Sơn đi vào phát triển bền vững và hiệu quả, cần làm tốt mấy vấn đề sau đây:
Thứ nhất: Trong hai giống gừng đang trồng hiện nay ở huyện Kỳ Sơn (gừng dé và gừng sừng trâu) chỉ nên trồng giống gừng sừng trâu, năng suất cao, chất lượng củ tốt, dễ tiêu thụ. Loại bỏ hẳn giống gừng dé, do năng suất thấp, củ nhỏ, nhiều dé nhỏ, khó tiêu thụ và loại bỏ đi để không làm lẫn tạp giống, kéo theo làm chất lượng sản phẩm giảm.

Đồng thời hướng dẫn cho bà con nông dân biết cách chọn lọc cây giống tốt (cây phát triển khoẻ, lá có màu xanh kéo dài, tàn lụi chậm, ít bị sâu bệnh); củ tốt (củ to, thân củ tròn, màu sắc củ đẹp, da củ trơn tru…). Công việc này cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục sau mỗi vụ thu hoạch.

Thứ hai: Hàng năm cả huyện và một số xã trong vùng trồng gừng có kế hoạch trồng bao nhiêu diện tích gừng cần được cân nhắc và tính toán cụ thể về khả năng cho năng suất của cây gừng và khả năng tiêu thụ. Khả năng cho năng suất lấy năng suất bình quân liên tục từ 3 – 5 vụ. Khả năng tiêu thụ trên thị trường phải trên cơ sở có sự liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa các doanh nghiệp và người nông dân. Đồng thời tham khảo số liệu bán được hàng năm giữa người nông dân và các thương lái sau mỗi vụ thu hoạch.

Từ đó tính toán được khả năng sản phẩm gừng có thể tiêu thụ được bao nhiêu tấn và căn cứ năng suất bình quân của cây gừng có thể đạt được để quy ra diện tích gừng nên trồng trong năm bao nhiêu là vừa. Làm được như vậy để phòng tránh tình trạng mở rộng hay thu hẹp diện tích trồng chạy theo giá cả thị trường, cung vượt cầu, được mùa mất giá… gây thiệt hại cho nông dân.
Thứ ba: Liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có đủ khả năng, đủ điều kiện để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả mọi sự liên kết đều được ký kết hợp đồng cụ thể, ghi rõ các nội dung trong hợp đồng và trách nhiệm thực thi hợp đồng của mỗi bên.

Thứ tư: UBND tỉnh và các ngành có liên quan giúp UBND huyện Kỳ Sơn tuyên truyền, quảng cáo, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu gừng, bột gừng tại Nghệ An hoặc tốt nhất tại địa bàn huyện Kỳ Sơn để tạo điều kiện mở rộng diện tích, sản xuất ổn định lâu dài giải quyết việc làm, có thu nhập…

Thứ năm: Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn cùng với UBND các xã cần làm tốt công tác khuyến nông đối với bà con nông dân ở tất cả các xã có trồng gừng, bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất và thâm canh cây gừng cho năng suất cao. Trong đó lưu ý tận dụng hết mọi nguồn phân hữu cơ sẵn có ở địa phương, như: phân trâu, bò, phân xanh các loại… được ủ hoai bón cho gừng, vừa cho sản phẩm sạch, vừa bảo vệ đất trồng và không gây ô nhiễm môi trường nhất là ở các trang trại chăn nuôi trâu bò nhiều.

Thứ sáu: Sản phẩm gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đó là cơ sở để sản phẩm gừng Kỳ Sơn trở thành “Thương hiệu gừng Kỳ Sơn”, giống như thương hiệu cam xã Đoài. Từ đây việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gừng Kỳ Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng điện tử, nhất là trên sàn giao dịch thương mại điện tử… Cần được tiến hành thường xuyên để khách hàng trong và ngoài nước biết đến để mua bán và đầu tư vào sản xuất, chế biến…

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay8,506
  • Tháng hiện tại325,539
  • Tổng lượt truy cập14,979,433
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây