Học Bác để đồng hành hiệu quả với nông dân

Thứ ba - 16/05/2023 05:28
(Hội NDNA) - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên Chi bộ cơ quan Hội Nông dân tỉnh đã hành động bằng cả tấm lòng tự giác, tự tâm. Nhiều mô hình, điển hình được Hội Nông dân tỉnh phát động và nhân rộng, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đề cao trách nhiệm nêu gương

Để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ trở thành nếp nghĩ, cách làm thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên, Hội Nông dân tỉnh xây dựng “Quy định, chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ Hội Nông dân tỉnh” với 5 nội dung dễ nhớ, dễ thực hiện. Hàng năm, tất cả các cán bộ, đảng viên cơ quan Tỉnh hội đều xây dựng kế hoạch học tập và làm theo Bác gắn với đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương sát với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng vị trí, chức danh. Từ đó làm lan tỏa tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cán bộ nông hội cùng cán bộ chuyên môn phải đi sát với nông dân để tuyên truyền, giải thích đôn đốc, giúp đỡ họ”, cán bộ cơ quan Hội Nông dân tỉnh đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát tình hình hội viên nông dân, xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều phong trào có ý nghĩa, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực công tác.

Hội Nông dân tỉnh thường xuyên cụ thể hóa nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ, nếp sinh hoạt của nông dân. Tuyên truyền cho nông dân chủ yếu thông qua hoạt động, qua mô hình điển hình và thông qua các hình thức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề về sản xuất, đời sống của nông dân, chủ trương chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phòng trừ dịch bệnh, quy trình sản xuất, thông tin thị trường…

Trước xu hướng cơ cấu sản xuất trong khu vực nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn có nhiều thay đổi, nên nếp sản xuất, nếp sinh hoạt của nông dân cũng từng bước thay đổi theo. Để phù hợp tình hình đó, các cấp hội đẩy mạnh xây dựng, phát triển chi hội, tổ hội nông dân theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 52 chi hội nông dân nghề nghiệp, 869 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 14.535 hội viên tham gia, vừa khắc phục hạn chế về nội dung sinh hoạt hội, vừa nâng nhận thức, kiến thức liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân. Từ những thành viên nòng cốt trong các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp đã góp phần thúc đẩy thành lập được 408 tổ hợp tác, 19 hợp tác xã với hàng ngàn hội viên tham gia. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm thực hiện chủ trương của Đảng cũng như tư tưởng, mong muốn của Bác Hồ về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.
 
image 20230516162600 1
Chi bộ Hội Nông dân tỉnh sinh hoạt chuyên đề Thực hiện bài báo “Dân vận” của Bác Hồ gắn với công tác vận động nông dân trong giai đoạn hiện nay

Làm theo Bác bằng những hành động thiết thực

Đồng hành với nông dân, cán bộ, đảng viên cơ quan Hội Nông dân tỉnh vận động nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất quy mô tập trung, thúc đẩy liên kết hợp tác, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai xây dựng nhiều mô hình hiệu quả cao như mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu; trồng cam an toàn ở huyện Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành; chế biến hải sản ở thị xã Cửa Lò; Nuôi gà đen tại xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn, HTX chăn nuôi gà tại huyện Thanh Chương; Chi hội nông dân chăn nuôi lợn và thuỷ sản ở Hưng Nguyên; mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt 3B tại Anh Sơn…

Để cụ thể, rõ việc trong tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào xây dựng “Vườn mẫu nông dân”, “Vườn chuẩn nông thôn mới”, phong trào xây dựng “Hàng cây nông dân ơn Bác”; “Vườn cây nông dân ơn Bác”. Đến nay, trải qua hơn 3 năm phát động, các cấp hội trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng được 983.081 cây xanh các loại ở 1.931 hàng cây, 163 vườn cây; xây dựng được 2.125 vườn mẫu nông dân theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới; 880 vườn chuẩn nông thôn mới; 700 vườn chuẩn đã và đang hoàn thiện để cấp giấy chứng nhận.
 
image 20230516162600 2
Hội Nông dân tỉnh phát động trồng “Hàng cây nông dân ơn Bác” tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, bình quân mỗi năm các cấp hội trực tiếp mở và phối hợp mở hơn 200 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 7.000 lao động nông thôn; phối hợp mở khoảng hơn 1.100 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; cung ứng cho nông dân gần 18.000 tấn phân bón theo hình thức cho vay trả chậm... Trong thời điểm các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly phòng chống covid-19, nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả phong trào giúp gia đình cách ly chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch nông sản, đi chợ giúp dân, nấu ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch… Trong những đợt rét đậm rét hại có nguy cơ ảnh hưởng tới đàn gia súc, nhất là ở các vùng miền núi cao, Hội Nông dân tỉnh phát động chiến dịch may “áo ấm” chống rét cho trâu bò. Chỉ riêng đợt rét đậm vào cuối năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ hơn 4.000 chiếc “áo ấm” cho các hộ chăn nuôi đại gia súc có hoàn cảnh khó khăn ở 5 huyện miền núi cao, từ đó làm lan tỏa phong trào che chắn rét cho đàn gia súc ở các địa phương.
 
 
 
image 20230516162600 3
Cán bộ, đảng viên cơ quan Hội Nông dân tỉnh đăng ký ủng hộ 75.000 viên gạch, trị giá 150 triệu đồng giúp hội viên nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở

Để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững tại 02 huyện Anh Sơn và Tân Kỳ, đầu tư hỗ trợ 160 con dê giống sinh sản cho 32 hộ nghèo và cận nghèo. Chỉ đạo các cấp hội thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ hội viên nông dân nghèo như: Mô hình hỗ trợ giống gà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của Hội Nông dân thành phố Vinh; mô hình hỗ trợ con giống (lợn, gà), vật tư, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ hội viên nông dân nghèo của Hội Nông dân huyện Đô Lương; đề án “ngân hàng bò” của huyện Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, phong trào “góp gạch xây nhà cho hộ nghèo của huyện Đô Lương, Quỳ Châu; hỗ trợ giống cây, hỗ trợ cải tạo vườn của huyện Thanh Chương... Hưởng ứng chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 21, ngày 10/2/2023, về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo tại tỉnh Nghệ An, Hội Nông dân tỉnh triển khai cuộc vận động “Viên gạch nghĩa tình” hỗ trợ hội viên nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở và nhanh chóng nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ hội viên. Ngay tại lễ phát động, các đơn vị đã đăng ký ủng hộ hơn 4 tỷ đồng (trong 3 năm từ 2023 đến 2025).

Những cách làm hiệu quả của cán bộ, đảng viên cơ quan Hội Nông dân tỉnh đã khơi dậy và nhân rộng hành động, việc làm trong hệ thống tổ chức Hội trên địa bàn toàn tỉnh hướng tới chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân, thể hiện trách nhiệm “hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua, để làm mẫu cho dân, giúp dân” như lời Bác Hồ dạy trong Bài báo Dân vận của Người.

Ngọc Lữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm216
  • Hôm nay45,058
  • Tháng hiện tại524,632
  • Tổng lượt truy cập12,088,277
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây