NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nghệ An: 330 hội viên nông dân được tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường
Thứ bảy - 01/04/2023 11:271.2010
(Hội NDNA) - Từ ngày 9/3 – 31/3, Ban Quản lý Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" - Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức 11 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cho 330 học viên là hội viên nông dân của 11 xã tham gia dự án: xã Hòa Sơn, Xuân Sơn, Thịnh Sơn, Tân Sơn (huyện Đô Lương); xã Kim Liên, Thượng Tân Lộc, thị trấn, Xuân Lâm (huyện Nam Đàn); xã Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Đông Hiếu (thị xã Thái Hoà).
Tại lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ theo hướng thân thiện với môi trường; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, thay vì việc đốt phụ phẩm cây trồng gây ô nhiễm môi trường làm mất đi chất hữu cơ và chất dinh dưỡng trong đất, bà con nông dân có thể tận dụng rơm và các phụ phẩm cây trồng khác cùng với chế phẩm sinh học để biến phụ phẩm thành phân bón.
Việc ủ phân hữu cơ tại ruộng mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân, như: Giảm công vận chuyển rơm hoặc các phụ phẩm cây trồng khác; năng suất tăng cao hơn so với năng suất của diện tích được sử dụng để ủ phân hữu cơ; ngay cả khi không bổ sung phân chuồng thì vẫn có phân ủ sau 2,5 tháng; giảm việc sử dụng phân bón hóa học, do đó giảm chi phí sản xuất; đất trở nên màu mỡ, cây lúa đẻ nhánh tốt hơn, năng suất cao hơn; cây trồng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn và từ đó, giảm thiểu rủi ro mất mùa.
Sau khi tham gia khóa tập huấn về kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, các học viên cam kết sẽ áp dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng đối với rác thải từ nông nghiệp và hộ gia đình, đồng thời sẽ vận động những nông dân khác tới thăm quan mô hình của mình, tích cực tuyên truyền các kỹ thuật của dự án góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ cộng đồng của mình bằng cách tận dụng rơm rạ, ủ phân hữu cơ để cải thiện đất và năng suất cây trồng của mình và trở thành một nông dân văn minh!