Một số lưu ý về vụ sản xuất hè thu hiện nay

Thứ ba - 04/07/2023 04:41
Đến hôm nay theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thì toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 55.000 ha/58.000 ha chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt gần 95% kế hoạch. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, hạn hán nghiêm trọng, vừa thiếu nước, vừa thiếu điện xảy ra trong suốt thời gian vừa qua. Nhưng, với số diện tích lúa được gieo cấy nói trên là một kết quả đáng ghi nhận của tất cả các địa phương và bà con nông dân tỉnh ta.
Nhiều hệ lụy dễ xẩy ra

Đến hôm nay thời vụ gieo cấy lúa hè thu đã kết thúc. Nhưng, những khó khăn, bất lợi đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra đối với vụ sản xuất hè thu hiện nay, đó là:
 
dtt ba con nong dan huyen hung nguyen hoan thanh gieo cay lua he thu truoc ngay 20 6
Bà con nông dân huyện Hưng Nguyên hoàn thành gieo cấy lúa hè thu trước ngày 20/6
Nắng nóng và hạn hán chưa có khả năng giảm về cường độ và chưa dừng lại trong tương lai gần.Theo dự báo của tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và của Trung tâm Khí tượng –Thuỷ văn Quốc gia, năm 2023 là năm xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, hạn hán nghiêm trọng nhất so với các năm trước đây. Tất cả là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do hoạt động của hiện tượng El Nino quay trở lại, xuất hiện sớm hơn so với các năm trước đây và với cường độ hoạt động mạnh, mang tính cực đoan, ít có sự giao thoa, chuyển mùa thường gặp như trước đây.

Cũng theo dự báo của ngành Khí tượng – Thuỷ văn cho biết, khả năng nắng nóng và hạn hán còn kéo dài đến hết tháng 8, đầu tháng 9 và cũng có thể kéo dài hơn nữa, nhưng mức độ có thể giảm hơn.
Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài nhiệt độ không khí cao sẽ gây ra những hệ luỵ sau đây:

Thứ nhất: Do nắng nóng và hạn hán xẩy ra nghiêm trọng, nên nhiều địa phương chưa gieo cấy hết diện tích lúa hè thu phải chờ có nước để chuyển sang gieo cấy lúa mùa hoặc phải bỏ hoang, trong đó khả năng bỏ hoang là chủ yếu. Điển hình ở một số huyện, như: Nghi Lộc chỉ gieo cấy được 5000/6500 ha kế hoạch, Diễn Châu 6800/8000 ha kế hoạch, Quỳnh Lưu 4000/5000 ha kế hoạch…Riêng tại huyện Diễn Châu, theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Chưa có vụ lúa hè thu năm nào ở Diễn Châu có diện tích lúa hè thu được gieo cấy ít như năm nay. Diện tích lúa chưa gieo cấy còn 700 ha. Số diện tích này tập trung ở các xã: Diễn Đoài, Diễn Trường, Diễn Lâm, Diễn Tháp, Diễn Hồng. Trong đó có 2 xã: Diễn Tháp hơn 100 ha, Diễn Hồng 120 ha khả năng chắc chắn sẽ bỏ hoang. Lý do bỏ hoang, theo ông Lê Thế Hiếu có 3 nguyên nhân chủ yếu, đó là: Thiếu nước để gieo cấy; thiếu lao động trẻ khoẻ; hiệu quả sản xuất vụ lúa này rất thấp. Trong khi đó giá thuê cày, cấy, thu hoạch, mua phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh… tất cả đều cao.
 
dtt nong dan dien chau phun thuoc phong chong sau benh lua he thu
Nông dân Diễn Châu phun thuốc phòng chống sâu bệnh lúa hè thu
Thứ hai: Nắng nóng và hạn hán kéo dài là điều kiện để thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển nhanh, nhất là sâu đục thân lúa, rầy nâu dễ gây hại trên diện rộng, nếu không có biên pháp phòng trừ tốt và kịp thời.

Thứ ba: Nắng nóng và hạn hán, cộng thêm gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh sẽ làm giảm hiệu quả phân bón đối với cây lúa, nhất là phân đậm, do phân hoà tan nhanh trong nước, lượng nước bốc hơi lại xẩy ra nhanh, mạnh, càng làm tiêu hao mất nhiêu phân bón.

Giải pháp hạn chế và khắc phục

Ngay từ đầu vụ sản xuất hè thu năm nay, ngành nông nghiệp Nghệ An đã dự kiến sẽ là một vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do nắng nóng và hạn hán xuất hiện sớm, kéo dài và nguy cơ có thể không gieo cấy hết diện tích kế hoạch đề ra.
Mặc dù vậy, đến hôm nay cơ bản diện tích lúa hè thu đã được gieo cấy đạt trên 95% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nhưng, khó khăn lớn ở phía trước của vụ sản xuất hè thu năm nay như đã nói ở trên vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, để có được một vụ sản xuất hè thu đạt được kết quả tốt, đề nghị ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp và bà con nông dân cần chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một: Tiếp tục chủ động bằng mọi biện pháp phòng chống hạn như đã làm trong cả thời gian qua. Tuyệt đối không chủ quan và cho rằng nắng nóng và hạn hán đến sớm sẽ chấm dứt sớm là hoàn toàn sai lầm và không có cơ sở khoa học. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn Quốc gia thì tháng 7 và tháng 8 năm nay là 2 tháng nắng nóng và nhiệt độ không khí cao nhất trong năm. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là tích trữ nước dự phòng trong ao hồ, đầm đìa, sông suối, kênh mương, sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Từ hạ tuần tháng 6 đến thượng tuần tháng 7 cây lúa đẻ nhánh, từ trung tuần tháng 7 trở đi cây lúa đứng cái làm đòng, sang đầu tháng 8 cây lúa bắt đầu trổ bông. Cả thời gian từ đẻ nhánh đến trổ bông và chín, nếu thiếu nước ở bất cứ giai đoạn nào đều gây ra hậu quả khôn lường đến kết quả sản xuất.
 
dtt nong dan yen thanh kiem tra tham dong phat hien sau benh
Nông dân Yên Thành kiểm tra thăm đồng phát hiện sâu bệnh
Hai: Sử dụng phân đạm bón thúc cho cây lúa phải phù hợp với đặc thù thời tiết hiện nay, bằng cách: Chia nhỏ phân ra bón 2 hoặc 3 lần, mỗi lần bón cách nhau 5 – 6 ngày để hạn chế mất đạm tự nhiên, do đạm hoà tan nhanh trong nước được bốc bay theo hơi nước do nắng nóng và gió Lào thổi mạnh.

Ba: Luôn luôn chủ động và cảnh giác phòng chống các loại sâu bệnh gây hại. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay vòng đời của các loại sâu rút ngắn lại từ bình quân 24 – 26 ngày xuống còn 20 – 24 ngày. Trong vụ hè thu năm nay phải đặc biệt lưu ý và quan tâm 2 loại sâu hại, đó là sâu đục thân và rầy nâu. Thời tiết càng nắng nóng và hạn hán kéo dài thì hai loại sâu nay rất dễ phát sinh, phát triển gây hại trên quy mô lớn.

Vì vậy cần thường xuyên thăm đồng và lắng nghe thông báo của Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh và của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị về việc “dự tính, dự báo sự xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng và biện pháp phòng trừ”.

Bốn: Những diện tích lúa hè thu do thiếu nước không gieo cấy được. Nếu cứ tiếp tục chờ trời mưa để gieo cấy lùa mùa thì khả năng mất nhiều hơn được, vì đã là đất gieo cấy lúa hè thu đa phần là thuộc diện thấp trũng rất dễ bị ngập úng trong mùa mưa to, gió lớn kể từ sau ngày 10 hoặc 15 tháng 9 trở đi ở vùng Nghệ Tĩnh. Nếu có địa phương nào đó giữ lại diện tích này để làm lúa chết (lúa tái sinh) thì lại càng không nên. Thực sự việc thu hoạch lúa hiện nay hầu hết thu hoạch bằng máy, gặt đập liên hoàn, phần lớn thân và gốc rạ bị máy vùi dập nát. Nếu để lại làm lúa chét thì chẳng cho thu nhập được bao nhiêu. Nhưng, nếu thực sự để lại làm lúa chét thì lợi bất cập hại. Bình quân 1 sào lúa chét cho thu nhập cao nhất cũng chỉ ở mức 30 – 35 kg lúa. Trong khi đó chính lúa chét là nơi trú ngụ, nơi sinh tồn của hầu hết các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng từ vụ này qua vụ khác. Cho nên tốt nhất trên diện tích này không nên để lúa chét, mà cần được cày vùi sớm thân và gốc rạ, kết hợp ngâm ngấu đất, tiêu diệt hết nơi cư trú của sâu bệnh, để góp phần thâm canh tốt vụ lúa xuân năm sau.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập234
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm231
  • Hôm nay29,720
  • Tháng hiện tại111,017
  • Tổng lượt truy cập15,251,899
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây