NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Tập trung phòng chống sâu bệnh trước khi lúa trổ
Thứ tư - 28/07/2021 22:281.7320
(Hội NDNA) - Vụ lúa hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy được trên 66.000 ha lúa. Tại thời điểm này lúa đã vào giai đoạn làm đòng, riêng vùng trọng điểm lúa Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu có gần 30.000 ha lúa đòng già và nhiều nơi lúa đã bước vào giai đoạn trổ bông.
Năm nào cũng vậy, vụ lú hè thu ở Nghệ An cứ vào giai đoạn lúa làm đòng và chuẩn bị trổ bông là thời điểm có nhiều loại sâu bệnh phá hoại. Điển hình nhất hiện nay là sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá và bệnh thối thân, thối bẹ… Với tổng diện tích lên đến hơn 1000 ha, trong số các loại sâu bệnh nói trên, bà con nông dân rất lo sợ sâu cuốn lá và bệnh bạc lá đang có nguy cơ phát triển mạnh trên diện rộng.
Bà Nguyễn Thị Tình cán bộ nông nghiệp xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu cho biết, vụ lúa hè thu năm nay toàn xã gieo cấy được 390 ha lúa, trong số này đã có trên 200 ha lúa đã bị sâu cuốn lá phá hoại với nhiều mức độ khác nhau. Đặc biệt sự xuất hiện của sâu cuốn lá vụ hè thu năm nay do nhiệt độ không khí cao, nắng nóng kéo dài nhiều ngày. Vì vậy vòng đời của sâu cuốn lá ngắn và xuất hiện liên tục từ sau gieo cấy lại nay và bây giờ đang xuất hiện lúa sâu thứ 5. Sau sâu cuốn lá lúa là bệnh bạc lá đang có nguy cơ phát triển mạnh, gây hại lớn. Do nắng, mưa xen kẽ vào thời điểm lúa làm đòng và trổ bông. Những đợt mưa to xuất hiện hiện nay thường đi kèm với gió mạnh làm tổn thương lá lúa là cơ hội cho bệnh bạc lá lúa xuất hiện nhanh, mạnh.
Trước tình hình diễn biễn của sâu bệnh hiện nay, UBND xã Diễn Nguyên đã phát động phong trào toàn dân ra đồng vừa chăm sóc lúa, vừa sử dụng các loại thuốc đặc trị như Padan 95SP, Rogant 2,5EC để phun trừ các loại sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu, bọ xít… Đối với bệnh bạc lá lúa UBND xã khuyến cáo bà con nông dân hạn chế bón phân đạm tăng cường bón thêm phân kali và sử dụng thuốc đặc trị Xanthomix 20WP để phun phòng càng sớm, càng tốt.
Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Hiện nay trên 9000 ha lúa hè thu ở huyện Diễn Châu chuẩn bị bước vào giai đoạn trổ bông. Những ngày vừa qua do ảnh hưởng của ATNĐ mạnh lên thành cơn bão số 3 ở ngoài biển Đông đã gây mưa to, gió lớn ở Nghệ An và đây sẽ là nguyên nhân rất dễ gây ra bệnh bạc lá lúa trên diện rộng. Vì vậy, UBND huyện đã có thông báo khẩn đến UBND các xã, HTXNN và cử cán bộ xuống các địa phương, cùng với cán bộ địa phương tổ chức thăm đồng, phân loại lúa, đánh giá mức độ nhiễm bệnh của từng cánh đồng để hướng dẫn bà con nông dân tiến hành chăm sóc và phun thuốc phòng chống bệnh bạc lá lúa xong trước khi lúa trổ.
Tại huyện Yên Thành, với diện tích gieo cấy lúa hè thu 11.300 ha, nhiều nhất tỉnh. Đến thời điểm này lúa đã và đang chuẩn bị vào giai đoạn trổ bông. Do được đầu tư chăm sóc tốt nên vụ lúa hè thu năm nay được UBND huyện đánh giá là một vụ lúa tốt, ít sâu bệnh hơn các vụ lúa hè thu trước đây. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 3 hoạt động sát bờ biển nước ta từ Móng Cái đến Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa rất to, gió rất mạnh làm cho nhiều diện tích lúa xơ xác lá và chính đây là nguyên nhân rất dễ gây ra bệnh bạc lá lúa phát sinh làm giảm năng suất lúa. Cũng sau đợt mưa lớn này lại xuất hiện thêm rầy nâu với mật độ khá cao từ 1000 - 2000 con/m2. Quyết tâm không dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa hè thu năm nay, UBND huyện Yên Thành đã phân công cán bộ xuống từng cụm nhỏ, mỗi cụm 3 - 4 xã để tổ chức họp khẩn với thành phần Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã chỉ bàn biện pháp triển khai ngay việc phòng chống rầy nâu, bệnh bạc lá lúa trước khi lúa trổ bông. Riêng cán bộ kỹ thuật của Phòng NN & PTNT của huyện và của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện được phân công về từng xã cùng với cán bộ nông nghiệp xã trực tiếp kiểm tra thăm đồng và chỉ đạo bà con nông dân phun thuốc phòng chống các loại sâu bệnh kịp thời nhất, triệt để nhất.
Theo thông tin từ Chi cục trồng trọt và BVTV Nghệ An cho biết: Hiện tại trên đồng ruộng toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha lúa ở một số địa phương vùng ven biển như: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc… bị nhiễm một số loại sâu bệnh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh thối thân, thối bẹ, bạc lá, rầy nâu… Nhưng đáng quan tâm nhất hiện nay là rầy nâu và bệnh bạc lá phát sinh mạnh do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua gây ra mưa to, gió lớn. Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật đi xuống tận từng huyện vùng trọng điểm sâu bệnh để chỉ đạo bà con nông dân phun thuốc phòng trừ ngay trước khi lúa trổ.
Do toàn tỉnh đang phải tập trung phòng chống dịch bệnh CoVid-19 hiện nay nên không thể tổ chức hội nghị đông người để triển khai phòng chống sâu bệnh lúc này được. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Sở trực tiếp giao Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh cử cán bộ xuống các huyện trọng điểm lúa, nơi nào có nhiều sâu bệnh phát sinh để chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân tiến hành phòng trừ sâu bệnh hại tốt nhất. Đồng thời Sở NN & PTNT đã trực tiếp làm việc và phối hợp với Báo Nghệ An, Đài Phát truyền và Truyền hình Nghệ An để tuyên truyền và hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con nông dân biết cách phòng chống sâu bệnh kịp thời nhất, tốt nhất.