NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Giá phân bón tăng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và giải pháp hạn chế
Thứ tư - 07/07/2021 03:382.2680
(Hội NDNA) - Sáu tháng đầu năm 2021 giá phân bón các loại liên tục tăng và tăng nhảy vọt. Theo ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó cục trưởng Cục hóa chất (Bộ Công thương) cho biết: Phân Urê sản xuất tại Việt Nam đồng loạt tăng từ 15 - 20%, phân DAP, Kali cũng tăng theo.
Cụ thể giá thị trường phân bón các loại tại Nghệ An như sau: Giá phân đạm Urê từ 9.600 - 9.800 đ/kg, nay tăng lên 11.500 - 12.000 đ/kg. Giá phân Kali Clorua (Kali có màu đỏ) từ 8300 - 8500 đ/kg, nay tăng lên 10.000 - 10.500 đ/kg. Giá phân DAP (Diamon phosphate) từ 13.000 đ/kg, nay tăng lên 15.000 đ/kg. Giá phân NPK loại 16-16-8 và NPK loại 15-5-20 từ 9.800 đ/kg, nay tăng lên 12.000 đ/kg. Loại NPK 8-10-3 từ 5.600 đ/kg, nay tăng lên 8.500 đ/kg…
Giá phân bón các loại tăng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón vui, nhưng người sản xuất nông nghiệp thì buồn và từ đó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như: đầu tư phân bón cho yêu cầu sản xuất thâm canh giảm đi từ đó năng suất cây trồng cũng giảm theo. Khi năng suất và sản lượng cây trồng giảm sẽ kéo theo mức thu nhập của người sản xuất cũng giảm và không loại trừ khả năng làm tăng giá cả các loại mặt hàng nông sản gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và an sinh xã hội, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người.
Ông Võ Giáp, giám đốc HTXNN xã Diễn Liên cho biết: Bà con nông dân ở Diễn Liên vốn có truyền thống đầu tư thâm canh cao cho cây trồng vào loại nhất huyện Diễn Châu. Nhưng trước tình trạng giá phân bón các loại tăng cao đột biến như hiện nay, nếu duy trì đầu tư phân bón như trước đây thì người sản xuất không có lãi. Bởi không những chỉ có phân bón tăng giá mà vừa qua giá thuê máy làm đất, thuê cấy… tất cả đều tăng giá từ 20 - 30% so với các vụ sản xuất trước đây. Chính vì vậy ngay từ vụ sản xuất này bà con nông dân đã giảm số lượng phân bón cho cây trồng từ 20 - 30% so với nhu cầu cần bán. Tất nhiên giảm số lượng phân bón thì không thể có năng suất lúa cao là điều chắc chắn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ất một lão nông ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành là người có kinh nghiệm trong sản xuất thâm canh cày lúa cho biết: nông dân bây giờ đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, do giá cả phân bón các loại tăng thêm từ 2.000 - 2.500 đ/kg tùy loại, giá ngày công làm đất để cấy lúa trước đây 150.000 đ/sào, nay lên 200.000 - 220.000 đ/sào, giá thuê nhân công cấy 1 sào lúa trước đây 200.000 - 250.000đ, nay lên 300.000đ, thậm chí phải thuê đến 350.000đ họ mới cấy cho. Từ đó vụ lúa hè thu năm nay có một số ít hộ dân không gieo cấy hết diện tích và hôm nay lúa đã vào giai đoạn bón thúc phân, lượng phân cần bón cho cây lúa cũng giảm để tránh đầu tư nhiều, nhưng hiệu quả thấp, nhất là vụ sản xuất hè thu là vụ sản xuất khá bấp bênh do thời tiết bất lợi.
Trước thực trạng giá cả phân bón ngày càng tăng và khả năng giá cả phân bón chưa chững lại hoặc giảm xuống đang khó xẩy ra. Vì vậy, để không vì giá cả phân bón tăng cao mà gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất. Đề nghị các cơ sở sản xuất và bà con nông dân nên áp dụng và thực hiện các biện pháp sau đây để không làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất.
Một: Sử dụng phân bón hết sức tiết kiệm bằng cách: trừ trường hợp bón lót trước khi trồng phải bón một lần, còn lại các lần bón thúc tùy loại cây trồng để bón cho hợp lý. Nếu là cây lúa thì mỗi lần bón thúc lúa đẻ nhánh chỉ cần bón ít số lượng phân bón và bón làm 2 lần, bón cách nhau 7 - 8 ngày. Sang thời kỳ bón đón đòng, tùy đất tốt hay xấu mà bón cho phù hợp. Nếu thấy cây lúa tốt thì chỉ bón 1 - 2 kg đạm + 2 - 3 kg kali là được. Khi bón phân bón vào buổi chiều và không nên để nước trong ruộng lớn quá. Nếu là cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày như cao su, cà phê, chè, cam, quýt v.v… thì khi bón thúc phải bón thật đúng lúc khi cây cần bón như bón thúc trước khi cây ra lộc mới, ra hoa quả… bón trước đó 10 đến 15 ngày, bón xa rễ, bón sâu vào đất trên dưới 20 phân, bón xong lấp đất lại và tưới nước vào càng tốt hoặc tấp tủ gốc cây lại.
Hai: Khi bón phân cho bất cứ một loại cây trồng nào cũng cần nhìn đất, nhìn cây, nhìn thời tiết để bón đúng, bón đủ, bón hợp lý, tránh bón thừa, bón lãng phí, nhất là phân đạm. Nguyên tắc khi bón phân: Đất tốt, cây tốt bón ít, trời nắng to, bón vào buổi chiều tối, trời âm u có thể có mưa dừng bón phân.
Ba: Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất xấu, đất kém màu, nguồn nước tưới không chủ động chuyển sang gieo trồng nhóm cây họ đậu, vừng, lạc… là những cây trồng vừa sử dụng phân bón ít, vừa chịu hạn tốt và vừa là cây trồng tự thân nó "tự túc" được đạm nhờ có vi khuẩn sống cộng sinh ở bộ rễ gọi là vi khuẩn cố định đạm Rhizobium Azobacter. Loại vi khuẩn này ở trong các nốt sần rễ cây đậu, lạc, vừng… nó tổng hợp đạm tự nhiên trong khí quyển thành amoniac và sau đó cung cấp hợp chất đạm hữu cơ cho cây trồng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất và bà con nông dân cần mạnh dạn chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây trồng nói trên vừa giảm chi phí phân bón, vừa cải tạo làm tốt đất, vừa cho thu nhập có giá trị không thua kém các loại cây trồng khác.
Bốn: Nên sử dụng các loại phân viên, phân nén bón dúi gốc cho cây lúa hoặc phân NPK dạng hạt lớn để bón và khi bón cần lưu ý ném mạnh tay để hạt phân chìm sâu vào đất. Sử dụng các loại phân dạng viên, dạng nén, dạng hạt to phân chậm hòa tan và được đất giữ lại cung cấp dần cho cây trồng.
Năm: Tăng cường sản xuất và sử dụng các loại phân hữu cơ, phân xanh càng nhiều càng tốt. Sử dụng các loại phân này sẽ cho ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ (organic) rất tốt cho con người, lại cải tạo được đất, không gây ô nhiễm môi trường nước, đất… và được bán với giá cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nhất hiện nay. Để có nhiều phân hữu cơ thì mỗi gia đình nông dân cần duy trì chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt… vừa tăng thêm thu nhập, vừa có nhiều phân bón phục vụ sản xuất mà từ xưa ông cha ta đã thực hiện. Ngày nay do được cơ giới hóa, hóa học hóa, bà con nông dân đã giảm chăn nuôi gia súc lớn, đã sử dụng quá nhiều phân hóa học cần phải được hạn chế càng nhanh càng tốt.
Riêng về nguồn phân xanh nên tận dụng các loại cây lá xanh ở rừng, bèo tây ở các ao, hồ, sông suối được vớt về đem ủ lẫn với phân chuồng, vôi, lân… thì sẽ cho ta một loại phân hữu cơ từ lá cây xanh được ủ rất tốt. Nơi nào có điều kiện nên nuôi bèo hoa dâu làm phân bón rất tốt, việc làm này từ những năm 1960 - 1980 bà con nông dân ở Nghệ An đã có phong trào nuôi bèo hoa dâu làm phân bón ruộng thay cho phân chuồng./