Kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông đạt năng suất cao

Thứ tư - 25/08/2021 21:26
(Hội NDNA) - Trồng khoai tây trong vụ đông đem lại giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần so với tất cả các loại rau củ khác. Cái ưu điểm quý giá của khoai tây là sau thu hoạch, nếu chưa bán được, bán chưa hết hoặc cần để lại ăn thì bảo quản ngay tại nhà vẫn để được rất lâu mà không hư hỏng (nếu không làm xây xát vỏ củ). Khoai tây là loại cây rất dễ trồng, yêu cầu thâm canh không cao, ai cũng trồng được.
Để có được năng suất cao cần áp dụng thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau đây:

Chọn và làm đất trồng:

Thời vụ trồng vụ đông nên tập trung trồng khoai tây từ 05/10 - 10/11 là tốt nhất. Khoai tây trồng thích hợp trên các loại đất cát pha, thịt nhẹ, tốt nhất là trên đất cát pha thịt nhẹ ở vùng ven biển từ Thị xã Cửa Lò, vùng đất bãi ngang từ huyện Nghi Lộc ra Diễn Châu đến Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai. Ngoài đất ven biển ra còn có hơn 8000 ha đất bãi phù sa ven sông Lam, sông Con và sông Hiếu. Nếu sử dụng đất cấy lúa sau thu hoạch vụ lúa hè thu để trồng khoai tây thì phải cắt rạ sát gốc, thoát nước khô trong ruộng, sau đó tiến hành cày bừa làm đất để trồng.

Đất trồng phải được cày bừa kỹ, nhỏ và làm sạch cỏ dại. Lên luống để trồng nên lên luống đôi trồng 2 hàng, luống rộng 120 - 140cm, rãnh luống rộng 25 - 30cm, sâu 15 - 20cm để thoát nước nhanh khi có mưa to.
canh dong khoai tay vu dong o dien thanh huyen dien chau 2
Cánh đồng khoai tây vụ đông ở Diễn Thành, huyện DIễn Châu.

Giống khoai tây nên trồng:

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống khoai tây đang được trồng phổ biến ở nước ta như: giống khoai tây Atlatic, Diamont, Marabel, Solana… Nhưng tốt nhất nên trồng 2 giống Solara và giống Marabel của cộng hòa dân chủ Đức. Bởi 2 giống khoai tây này có thời gian sinh trưởng không quá 90 ngày, năng suất cao (có thể đạt trên 22 - 25 tấn/ha), chất lượng củ ăn ngon, thơm, dẻo…

Chọn và xử lý củ giống để trồng:

Nếu củ nhỏ 20 - 30 gam thì để nguyên củ để trồng. Trường hợp củ giống to, nặng trên 40 gam thì nên bổ củ khoai ra thành nhiều miếng như bà con nông dân bửa cau ăn trầu để tiết kiệm giống và khi bổ cần lưu ý đảm bảo miếng nào cũng có mầm và phải bổ dọc củ khoai. Khi bổ nhớ phải sát trùng dao bằng nước vôi hoặc cồn, rượu cao độ, xà phòng… Có thể bổ tách rời từng miếng hoặc để dính tạm thời cũng được. Nếu bổ củ tách rời từng miếng thì bổ xong chấm tro bếp hoặc bột xi măng và để vậy, sau 3-4 ngày đem trồng. Nếu khi bổ để dính các miếng với nhau thì sau đó 7-10 ngày phải tách rời từng miếng ra để đem đi trồng. Khi trồng củ giống đã bổ thành mảnh cần lưu ý: Đặt nghiêng mặt cắt, không úp mặt cắt xuống dưới đất, đặt củ nổi trên mặt luống. Khi tưới nước chỉ tưới vừa đủ ẩm, không tưới thừa nước dễ gây thối củ.

Mật độ trồng:
Trồng luống đôi (luống trồng 2 hàng) trồng hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 35 - 40cm.
Trồng luống đơn (trồng 1 hàng trên luống) trồng cây cách cây 35 - 40cm.

Phân bón:

Nên bón phân chuồng hoại càng nhiều càng tốt, nếu không hoặc ít phân chuồng thì sử dụng phân vi sinh Azotobactrin để bón khoảng 25 - 30 kg/sào.
Loại phân và lượng phân bón cho 1 sào (500 m2).
Bón lót trước khi trồng bằng phân chuồng càng nhiều càng tốt hoặc bằng phân vi sinh khoảng 25 - 30 kg/sào + 2-3 kg đạm Urê + 10 - 15 kg lân Supe + 2 kg Kali Clorua. Toàn bộ phân bón lót, bón vào giữa 2 hàng khoai, bón xong lấp đất lại rồi mới trồng mầm khoai xuống.
Bón thúc lần 1, bón khi cây cao từ 15 - 20 cm, bón 2-3 kg đạm Urê và 2-3 kg Kali, bón vào mép luống hoặc bón ở giữa 2 hàng khoai, bón xong kết hợp vun kín và cao đất vào gốc.
Bón thúc lần 2, bón sau lần bón thúc lần 1 từ 15-20 ngày, lượng phân cần bón từ 2-3 kg đạm Urê + 1,5 - 2kg Kali Clorua.
Chú ý: Bón nhiều Kali khoai vừa có củ to, vừa có màu sắc đẹp, vừa có hương vị thơm, ngon, đậm đà khi ăn.

Chăm sóc:

Chăm sóc lần 1: Khi cây mọc lên khỏi mặt đất được 7 - 10 ngày, cao khoảng 15 - 20cm thì xới nhẹ, làm sạch cỏ bón thúc đợt 1 và vun luống. Khi bón phân thì bón vào mép luống hoặc bón giữa 2 khóm khoai, tuyệt đối không bón trực tiếp vào gốc làm khoai chết và kết hợp tỉa cây, chỉ cần để lại từ 2-3 mầm chính ở mỗi khóm khoai.
Chăm sóc lần 2: Sau chăm sóc lần 1 khoảng 15 - 20 ngày thì tiến hành xới nhẹ tay, làm sạch cỏ và vun luống lần cuối. Vun luống phủ kín gốc để tránh tình trạng để ủ khoai không có đủ đất lấp kín, làm vỏ củ có màu xanh và có thể mọc thành cây thì hoàn toàn không tốt.

Phòng trừ sâu bệnh:

Khoai tây thường bị các loại sâu bệnh như: sâu xám, nhện trắng, bọ trĩ, rệp, sâu hà củ khoai, bệnh xoắn lá, xoắn lùn, bệnh héo xanh… nhưng biện pháp chủ yếu để phòng trừ các loại bệnh trên là: Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, nếu gặp một trong các loại sâu bệnh đó thì liên hệ ngay với bộ phận bảo vệ thực vật thuộc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện để có hướng dẫn cách phòng trừ có hiệu quả nhất.

Thu hoạch và bảo quản:

Sau khi trồng được 85 - 90 ngày thì thu được. Khi thu hoạch nên phân loại củ to, nhỏ để riêng từng loại ra và nhẹ nhàng cho vào sọt. Tất cả các củ khoai còn nguyên vẹn không xây xát vỏ cho vào sọt riêng để vào nơi khô ráo, chỗ tối không có ánh sáng và thoáng mát để bảo quản được lâu.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập208
  • Hôm nay28,585
  • Tháng hiện tại203,448
  • Tổng lượt truy cập16,078,038
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây