10 nguyên nhân chủ yếu gây tái phát dịch tả lợn châu Phi

Thứ năm - 01/10/2020 04:50
(Hội NDNA) - Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi Thú y, tính đến nay toàn tỉnh đã và đang có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái bùng phát trở lại ở 37 xã thuộc 12 huyện, thành, thị với tổng số lợn bị bệnh lên đến 1244 con phải tiêu hủy để ngăn ngừa bệnh lây lan ra diện rộng. Câu hỏi đặt ra là tại sao bệnh DTLCP cứ liên tục tái phát hết đợt này qua đợt khác? Vậy bằng cách nào để ngăn chặn dịch bệnh tái phát được không?
Bệnh DTLCP có ở Nghệ An từ đầu năm 2019 lại nay và đã trải qua 2 năm nay bệnh dịch này cứ tạm dừng rồi lại tiếp tục tái phát trở lại đã gây hoang mang và thất thiệt cho cả người chăn nuôi và cả người tiêu dùng hiện nay. Một trong những địa phương bị DTLCP nặng nhất hiện nay ở tỉnh ta là xã Châu Thôn thuộc huyện Quế Phong. Theo ông Nông Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã cho biết: Bệnh DTLCP tái bùng phát trên địa bàn xã từ ngày 7/9, đến nay dịch đã lây lan ra cả xã, số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy trên 100 con lợn thịt với tổng trọng lượng gần 5000kg. Châu Thôn là xã có tổng đàn lợn lên đến 2.072 con, nhiều nhất huyện. Nếu không có biện pháp chỉ đạo tích cực và triệt để về việc phòng chống bệnh DTLCP hiện nay thì nguy cơ cả đàn lợn sẽ khó tồn tại và thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
 
tieu huy lon bi dich o xa nam
Tiêu hủy lợn bị dịch ở xã Nậm Nhoóng - Quế Phong
Theo BS Thú y Ngô Đức Quỳnh -  Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nghệ An và một số chuyên gia trong ngành Thú y cho biết: Sở dĩ bệnh DTLCP ở Nghệ An cứ liên tục tái phát chưa có hồi kết, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

Một: Tình trạng giết mổ lợn tự do, tự phát trong dân đang phổ biến dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng tái phát DTLCP là tất yếu. Trong khi đó, từ năm 2003 lại nay với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã xây dựng hàng loạt lò giết mổ tập trung ở các huyện, thành, thị. Nhưng hoạt động của các lò giết mổ tập trung rất èo uột, thậm chí đóng cửa. Điển hình như lò giết mổ tập trung ở xã Hưng Xá (cũ) nay là xã Long Xá huyện Hưng Nguyên được đầu tư 1,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng. Nhưng từ tháng 4/2019 lại nay, lò ngừng hoạt động do vắng khách hàng. Không riêng gì lò giết mổ Long Xá và các lò giết mổ khác ở các huyện, thành, thị cũng tương tự như vậy.

Hai: Công tác tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm chưa được tiến hành triệt để. Tính đến hôm nay, toàn tỉnh mới tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt từ 15 – 60% tổng đàn tùy địa phương, giảm từ 10 – 35% so với năm 2019 cùng kỳ. Trong đó có 84 phường, xã không tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho gia súc và 237 phường, xã không tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm.

Ba: Tình trạng buôn, bán thịt lợn trên thị trường diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Thịt lợn được bày bán tràn lan, trong chợ, ngoài chợ, dọc đường, thị tam, thị tứ, thậm chí trong các ngõ ngách của các khu chung cư, v.v…

Bốn: Không ít người dân khi lợn đã bị nhiễm bệnh vẫn không khai báo với cán bộ thú y và chính quyền địa phương biết để tiêu hủy và có biện pháp cách ly phòng chống nhằm ngăn ngừa dịch bệnh không lây lan ra diện rộng. Thậm chí còn giết lợn để bán với hy vọng thu lại phần chi phí đã đầu tư vào chăn nuôi.

Năm: Vệ sinh chuồng trại trước và sau bệnh dịch thực hiện chưa triệt để. Điều đặc biệt lưu ý là vi rút bệnh DTLCP có khả năng tồn tại khắp mọi nơi từ dưới nền đất, vách tường chuồng trại, bám vào bụi bặm, trong nước , v.v… Nếu không vệ sinh chuồng trại tốt, không thường xuyên rải vôi khử trùng, không phun hóa chất tiêu độc khử trùng… thì mầm mống dịch bệnh có cơ hội tái phát lại dịch.

Sáu: Chưa khắc phục được tình trạng chăn nuôi lợn thả rông, nhất là ở các huyện miền núi, tập quán chăn nuôi lợn thả rông vẫn đang duy trì. Càng thả rông lợn thì không bao giờ ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng DTLCP bùng tái phát nhiều ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn… hiện nay.

Bảy: Thời tiết từ nắng nóng của mùa hè chuyển sang thời tiết mát mẻ của mùa thu và sắp tới là mùa đông giá lạnh. Sự thay đổi thời tiết làm giảm khả năng đề kháng bệnh của vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tái phát như hiện nay.

Tám: Trách nhiệm của các chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnhDTLCP vừa qua và cả hiện nay thực sự chưa tốt, chưa triệt để, không liên tục, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để chống dịch có hiệu quả hơn.

Chín: Hiện tại ở các xóm, bản, làng, xã đang thiếu nhân lực cán bộ chuyên môn về thú y để giám sát dịch bệnh. Vì vậy cả người chăn nuôi và lãnh đạo địa phương rất lúng túng xác định bệnh dịch gì khi con gia súc bị ốm để có biện pháp phòng chống, chữa trị.

Mười: Không ít địa phương, người dân nóng vội tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học về dịch bệnh và dịch bệnh chưa qua 21 ngày không tái phát trở lại. Do vội vã tái đàn nên con giống lợn mua về nuôi rất tùy tiện không biết rõ nguồn gốc, không biết có an toàn bệnh dịch hay không và cuối cùng lại mắc phải dịch bệnh.

Trước mắt khi dịch bệnh đang tái bùng phát ở nhiều nơi như hiện nay, các địa phương và bà con nông dân có chăn nuôi lợn hãy làm tốt các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP như hướng dẫn của ngành Chăn nuôi – Thú y.

Đối với những địa phương chưa có dịch bệnh phát sinh phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trên cơ sở từ những nguyên nhân gây ra tình trạng bùng phát bệnh DTLCP nói trên, các địa phương và bà con chăn nuôi lợn rà soát, đối chiếu lại, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được thì tiếp tục áp dụng thực hiện thật tốt, thật triệt để, để phòng tránh dịch bệnh tốt nhất.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay24,682
  • Tháng hiện tại138,180
  • Tổng lượt truy cập16,012,770
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây