Sớm có biện pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi dịp tết Nguyên Đán

Thứ sáu - 31/12/2021 04:31
(Hội NDNA) - Thông thường vào dịp cuối năm âm lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cẩm xẩy ra khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Vì vậy ngành nông nghiệp nói chung, chuyên ngành Chăn nuôi - Thú y nói riêng cần có sự kết hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống kịp thời, không để dịch bệnh lan truyền ra diện rộng.
Nguy cơ cao dịch bệnh dễ xẩy ra

Dự báo trong thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguy cơ xẩy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ta rất cao, khả năng dịch bệnh CoVid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như tiêm phòng, vệ sinh tẩy uế môi trường, chuồng trại. Đặc biệt là các hoạt động kiểm tra giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, nơi có nguy cơ cao dễ xẩy ra dịch bệnh. Ngoài ra còn vô số các thôn, xóm, bản, bà con nông dân chung đụng với nhau tự do giết mổ trâu, bò, lợn để ăn tết.

Cuối năm cũng là thời điểm thời tiết dễ xẩy ra mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí rất cao, rét đậm, rét hại kéo dài, cộng thêm môi trường bị ô nhiễm nặng, nhất là các khu chăn nuôi nhiều, các chợ đầu mối, các nơi buôn bán tập trung, các cơ sở giết mổ… do điều kiện thời tiết khí hậu như đã nói trên, là cơ hội để các loại vi khuẩn gây bệnh có điều kiện phát sinh, phát triển gây ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất khó tránh khỏi.

Những ngày cuối năm cũng là thời điểm các thương lái buôn bán gia súc, gia cầm hoạt động mạnh, di chuyển nhiều. Vì vậy cũng khó tránh khỏi mua bán động vật đã bị nhiễm bệnh từ vùng có dịch đưa về vùng không có dịch để bán kiếm lãi và từ đây làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Trong khi đó, ý thức của không ít người dân và một số chính quyền ở địa phương còn lơ là việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những ngày trước, trong và sau tết nguyên đán.

Hiện tại trên cả nước nói chung và ngay tại tỉnh Nghệ An nói riêng, bệnh dịch tả lợn Châu Phí vẫn còn tồn tại ở một số huyện, thành, thị chưa qua 21 ngày và khả năng bệnh dịch cúm gia cầm chủng mới (A/H5N8, A/H5N9… ) đã xẩy ra ở một số tỉnh trong nước, khó tránh khỏi ở tỉnh ta. Cả 2 loại bệnh dịch này hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Vì vậy công tác phòng chống phải thường xuyên để phòng ngừa là biện pháp tốt nhất.

Chủ động biện pháp phòng, chống kịp thời

Kinh nghiệm cho thấy, chủ động biện pháp phòng, chống và kịp thời là đối sách tốt nhất trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiện nay. Trong số nhiều biện pháp được áp dụng, cần lưu ý những biện pháp sau đây:

Một: Tuyên truyền mạnh mẽ đến tận từng người dân, bao gồm người chăn nuôi, người kinh doanh buôn bán các sản phẩm thịt động vật tại các siêu thị, chợ, thị tam, thị tứ… hiểu và nắm bắt đầy đủ các biện phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, trong buôn bán, trong giết mổ và cả trong việc tiêu thụ sản phẩm thịt động vật. Chừng nào chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền đến tận từng làng, thôn, bản và từng người dân thì việc phòng, chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm khó thành công.

Hai: Tổ chức một đợt tổng tẩy uế, tiêu độc trên phạm vi toàn tỉnh trước và sau tết nguyên đán. Trong đó tập trung mạnh vào các trang trại chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, khu vực bãi rác thải ở gần làng xóm và đường giao thông qua lại, nhằm hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan gây bệnh.

Ba: Củng cố và tăng cường nguồn nhân lực hệ thống Thú y từ tỉnh xuống tận phường, xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, vừa phải phòng chống dịch bệnh CoVid-19, vừa phải phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đặc biệt đối với lực lượng cán bộ Thú y phải thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến của dịch bệnh để thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương nơi dịch bệnh xẩy ra và báo cáo nhanh về cấp có thẩm quyền để tập trung mọi biện pháp dập dịch kịp thời. Đồng thời phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, ngăn ngừa giết mổ tự phát. Phối hợp với quản lý thị trường và công an để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật từ ngoài tỉnh vào Nghệ An hoặc đi qua đất Nghệ An và vận chuyển động vật từ vùng có dịch đến vùng không hoặc chưa có dịch. Đây là việc làm rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh tại Nghệ An trong những ngày sắp tới.

Bốn: Nên tiến hành một đợt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông này để tạo miễn dịch chủ động và là biện pháp tốt để đề phòng và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tái xẩy ra ở tỉnh ta như bệnh viêm da nổi cục ở bò, bệnh lở mồm long móng, bệnh lợn tai xanh, cúm gia cầm…

Năm: Thường xuyên tổ chức đoàn thanh kiểm tra để đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, kiểm soát giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh đề ra. Đặc biệt kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn Nghệ An vào những ngày giáp tết nguyên đán rất phức tạp.

Nội dung công việc nhiều, nguồn nhân lực trực tiếp chống dịch có hạn, lại diễn ra đúng vào những ngày cuối năm, những ngày dịch bệnh CoVid-19 đang bùng phát mạnh. Vì vậy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của sự cố gắng cao nhất của ngành nông nghiệp tỉnh, trong đó chủ lực là đội ngũ cán bộ chăn nuôi thú y từ tỉnh xuống xã đóng vai trò quan trọng, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh gia súc, gia cầm trong dịp tết nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập170
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm165
  • Hôm nay49,439
  • Tháng hiện tại397,085
  • Tổng lượt truy cập11,960,730
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây