NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Một số giải pháp chủ yếu để sản xuất Hè Thu – vụ Mùa năm 2020 dành thắng lợi lớn
Chủ nhật - 19/04/2020 22:511.6430
(Hội NDNA) - Triển khai đề án sản xuất hè thu - vụ mùa năm nay được xác định với mục tiêu cơ bản là phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất lương thực tại quyết định số 5296/QĐ ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao chỉ tiêu kế hoạch KT - XH tỉnh Nghệ An năm 2020 là 1.212.700 tấn.
Căn cứ vào tình hình sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 hiện nay, dự kiến sẽ đạt được kết quả sản xuất khoảng 784.412 tấn lương thực. Trong đó: Vụ ngô đông gieo trồng 17.630,05 ha, sản lượng thực thu đạt 87.629,4 tấn. Vụ lúa xuân 2020 gieo cấy 91.673,4 ha, sản lượng ước đạt 609.628,4 tấn và gieo trồng 17.200 ha ngô, sản lượng ước đạt 86.860 tấn. Như vậy nhiệm vụ còn lại của vụ sản xuất hè thu - vụ mùa phải phấn đấu đạt 427.800 tấn lương thực để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất lương thực cả năm 2020 như quyết định số 5296/QĐ ngày 20/12/2020 của UBND tỉnh giao.
Những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất hè thu - vụ mùa 2020:
Thuận lợi: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất đầy đủ, đồng bộ và sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu sản xuất như:
- Có cả một tập đoàn các giống lúa, hoa màu, rau, củ quả vừa ngắn ngày, vừa cho năng suất cao, vừa phù hợp trong điều kiện sản xuất hè thu - vụ mùa ở Nghệ An.
- Các loại vật tư kỹ thuật như phân bón, giống, thuốc BVTV luôn luôn sẵn sàng phục vụ đầy đủ, kịp thời đến tận người sản xuất theo yêu cầu.
- Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được xây dựng tốt nhất cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới.
- Chưa bao giờ cơ giới hóa được áp dụng vào sản xuất nhiều như bây giờ và được bắt đầu từ khâu làm đất, đến thu hoạch, trục đập… để giải phóng sức lao động và góp phần đảm bảo thời vụ từ gieo trồng đến thu hoạch.
- Vụ xuân 2020 lúa trổ sớm và sẽ cho thu hoạch sớm hơn năm bình thường từ 10 - 15 ngày. Đây cũng là cơ hội để tạo điều kiện cho vụ sản xuất hè thu - vụ mùa được gieo cấy sớm hơn, nhanh hơn nhằm tránh né được mùa mưa, lụt, bão cuối vụ.
- Ngoài ra Đảng và Nhà nước ta còn có chính sách khuyến khích phát triển SXNN như hỗ trợ thiên tai bão lụt, dịch hại, sâu bệnh, cơ giới hóa, liên kết sản xuất v.v…
Khó khăn:
- Nắng nóng, hạn hán, nước mặn dâng cao sẽ xẩy ra trên diện rộng. Khả năng nhiệt độ không khí trong mùa nắng nóng năm nay sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-20C. Trong khi đó dự báo lượng mưa trong các tháng 4, 5, 6, 7, 8 sẽ sụt giảm so với trung bình nhiều năm. Đây là một cảnh báo hạn hán sẽ xẩy ra nghiêm trọng chúng ta cần biết để có phương án phòng chống tốt nhất.
- Lưu lượng nước ở các sông suối trên địa bàn toàn tỉnh xuống thấp và chỉ bằng 35 - 45% cùng kỳ của TBNN, thậm chí có nơi giảm thấp xuống 60%.
- Nguồn nước dự trữ trong các hồ đập cũng giảm mạnh, cụ thể:
* 96 hồ đập lớn do các doanh nghiệp quản lý chỉ có 4 hồ đầy nước, 47 hồ đạt 70% dung tích thiết kế, số còn lại nước trong hồ chỉ ở mức trên dưới 50% dung tích thiết kế.
* 965 hồ đập vừa và nhỏ do xã và HTX DVNN quản lý, hầu hết các hồ này chỉ có từ 40 - 50% lượng nước dự trữ trong hồ, có những hồ chỉ còn lại 25 - 30% lượng nước được dự trữ.
Khó khăn nhất trong vụ sản xuất hè thu - vụ mùa 2020 là nắng nóng, hạn hán và thiếu nước tưới trầm trọng. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác cần được xác định đúng để có biện pháp khắc phục, như: sâu bệnh nhiều, nhất là sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, chuột, ốc bươu vàng… Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, giá cả nông sản, tiêu thụ sản phẩm v.v…
Mục tiêu kế hoạch sản xuất hè thu - vụ mùa 2020 phấn đấu đạt:
Vụ sản xuất hè thu - vụ mùa 2020 toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 90.000 ha lúa, năng suất bình quân 42,71 tạ/ha, sản lượng 384.400 tấn. Trong đó, vụ lúa hè thu gieo cấy 59.000 ha, năng suất bình quân 46,50 tạ/ha, sản lượng 274.350 tấn, vụ mùa gieo cấy 31.000 ha, năng suất bình quân 35,50 tạ/ha, sản lượng 110.050 tấn.
Ngoài cây lúa ra, trồng trỉa 12.000 ha ngô, năng suất phấn đấu đạt 37 tạ/ha, sản lượng 44.400 tấn và gieo trồng 800 ha lạc, 2.800 ha vừng, 2.800 ha đậu đỗ các loại, 11.000 ha rau - củ - quả các loại, trong đó 1.100 ha dưa hấu.
Giải pháp chủ yếu để dành thắng lợi vụ sản xuất Hè thu - Vụ mùa 2020
1. Gieo cấy, trồng trỉa các loại cây trồng trong vụ hè thu càng sớm, càng tót để thu hoạch an toàn và trọn vẹn trước mùa mưa bão lụt.
- Với cây lúa, tốt nhất gieo mạ khi lúa xuân chín vàng mơ, thu hoạch xong lúa xuân, làm đất gieo cấy ngay lúa hè thu. Nếu gieo sạ thì gặt lúa xuân đến đâu, làm đất ngày sau đó và tiến hành gieo sạ ngay. Riêng vùng thấp trũng thường bị ngập lụt khi có lượng mưa từ 80 - 120mm, toàn tỉnh loại ruộng thấp trũng này có từ 12.000 - 18.000 ha, tập trung ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, vùng hạ Thanh Chương, Đô Lương… loại ruộng này chỉ nên gieo cấy các giống lúa ngắn ngày (dưới 100 ngày) và phải gieo mạ để cấy là tốt nhất.
- Với các loại cây rau, màu, đậu đỗ các loại, vừng… thu hoạch cây trồng vụ xuân xong, làm đất gieo trồng ngay khi khi đất còn độ ẩm. Riêng cây lạc, dưa hấu cần phủ thêm ni lon để vừa chống hạn, vừa giữ ẩm cho đất để cây không tàn lụi nhanh.
2. Mỗi cơ sở sản xuất chỉ nên gieo cấy tối đa 2 - 3 giống lúa, 1-2 giống ngô và phải là những giống có TGST ngắn, năng suất khá, chất lượng cơm gạo ngon.
Trong vụ hè thu này, vùng thấp lụt (chạy lụt) nên gieo cấy 1 hoặc 2 trong số các giống lúa sau: PC6, HN6, TBR 279, khang dân cải tiến để thu hoạch trước ngày 30/8 là tốt nhất. Vùng đất ruộng vàn mưng, ít bị ngập lụt hơn, gieo cấy 2 - 3 giống trong số các giống lúa có TGST từ 95 - 105 ngày sau dây để thâm canh đạt được năng suất cao hơn, đó là các giống: VT-NA6, VT-NA2, Thiên ưu 8, Hương thơm 1, Sông lam 9, BT09. Nếu gieo cấy lúa lai thì dùng các giống: VT 404, Thái Xuyên 111, Kinh Sở ưu 1588.
3. Chủ động chuyển đổi cây trồng trên vùng đất không chủ động nước tưới. Tất cả các địa phương cần rà soát và tính toán kỹ khả năng nguồn nước tưới cung cấp cho vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm nay cho từng cánh đồng cụ thể, nhất là ở các vùng tưới nước cuối kênh, vùng tưới nước hồ đập, vùng bơm điện cuối nguồn. Nếu xét thấy nguồn nước tưới không có khả năng đảm bảo thì cần chủ động chuyển từ gieo cấy lúa sang trồng ngô, rau, đậu, lạc, vừng … càng sớm, càng tốt, nếu không dễ phải bỏ hoang.
4. Ngay từ bây giờ trở đi, phải tranh thủ nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương, ao hồ để tích trữ nước. Đắp bờ giữ nước tại ruộng (tuyệt đối không tháo nước khô để thu hoạch lúa xuân). Quản lý tốt nguồn nước ở các hồ đập, không xả nước khi chưa cần thiết. Thực hiện tưới nước thật tiết kiệm trong cả vụ sản xuất hè thu - vụ mùa.
5. Hạn chế tối đa gieo sạ lúa để tiết kiệm nước, do trước khi gieo sạ phải tháo xả nước trong ruộng để gieo sạ. Trung bình 1 sào ruộng (500 m2) trước khi gieo sạ đã làm lãng phí mất từ 20 - 25 m3 nước. Đây là một con số không nhỏ để góp phần hạn chế hạn hán trong vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm nay.
6. Đầu tư phân bón đầy đủ, kịp thời, bón lót đậm trước khi gieo cấy. Đặc điểm cơ bản của các giống lúa được gieo cấy trong vụ hè thu là ngắn ngày (trên dưới 100 ngày), thời gian từ khi gieo cấy đến lúc làm đòng chỉ có khoảng 35 - 40 ngày. Vì vậy, phân bón chỉ nên tập trung bón lót đậm trước khi gieo cấy để cây lúa phát triển mạnh, nhanh, tốt trước khi làm đòng mới cho năng suất cao. Phân bón, ngoài phân chuồng ra, chỉ nên dùng loại phân NPK 16-16-8 để bón lót và NPK 15-5-20 để bón thúc theo quy trình hướng dẫn.
7. Chủ động phòng chống các loại sâu bệnh khi mới xuất hiện, trong vụ sản xuất hè thu và vụ mùa cần đề phòng các loại sâu bệnh: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn. Ngoài ra còn có chuột, ốc bươu vàng. Phòng chống sâu bệnh khó, mà không khó. Khó là do phát hiện chậm, phòng trừ không kịp thời, sử dụng thuốc không đặc hiệu và phun không đúng lúc. Nhưng, nếu thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu theo chỉ dẫn của ngành chức năng (Chi cục TT & BVTV - Sở NN & PTNT) thì sẽ hạn chế hầu hết các loại sâu bệnh gây hại.