NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Bệnh mới: Khảm lá sắn và cách phòng trừ
Thứ tư - 08/04/2020 23:373.1410
(Hội NDNA) - Tính đến năm 2019 Nghệ An có diện tích trồng sắn đạt 14.718 ha, sản lượng 331.853 tấn phục vụ nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn. Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, bệnh khảm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh tại 2 huyện với diện tích 2,25ha (Anh Sơn 2ha, Nghĩa Đàn 0,25ha), đây là bệnh mới rất nguy hiểm mới xâm nhập vào nước ta và đã lây lan đến Nghệ An. Để kịp thời ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng, chúng tôi xin giới thiệu một số đặc điểm về bệnh và cách phòng trừ để người trồng sắn áp dụng.
1. Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra. Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là loại bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Genn) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Bọ phấn trắng gây hại trên nhiều loại cây trồng như: Thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt,…
2. Triệu chứng và tác hại của bệnh khảm lá sắn
Triệu chứng của bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của sắn. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ nhẹ thì không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ nặng làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới bị nhiễm virus vẫn biểu hiện triệu chứng bệnh nhưng nhẹ hơn, làm giảm năng suất, chất lượng sắn.
3. Cơ chế lan truyền bệnh:
Virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) lan truyền qua 2 con đường.
- Qua hom giống: Virus tồn tại trong thân, lá, củ sắn nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau, nhập giống nhiễm bệnh từ nơi khác về trồng thì virus tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm. Củ sắn còn sót lại trên ruộng mà nhiễm virus thì khi mọc mầm cũng bị xoăn lá đây là nguồn bệnh nguy hiểm trên đồng.
- Qua môi giới truyền bệnh: Virus (SLCMV) lan truyền qua bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), bọ phấn trắng chính hút trên cây sắn bị bệnh sẽ hút cả virus vào cơ thể, khi chính hút lên cây khỏe sẽ truyền virus sang làm cây sắn bị bệnh.
4. Cách phòng trừ:
Sản xuất sắn nguyên liệu hiện nay ở Nghệ An chủ yếu phải nhập, mua giống từ bên ngoài (trong và ngoài nước) do đó nguy cơ lây bệnh là rất lớn và khó tránh khỏi vì vậy để hạn chế bệnh lây lan giảm thiểu thiệt hại chúng ta cần thực hiện tốt cách phòng trừ sau:
- Kiểm soát nguồn bệnh:
+ Các địa phương, nhà máy sắn không mua giống từ những nơi đã có bệnh (Trong nước gồm: các tỉnh phía nam; Trung tâm cây có củ; tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,…; Nước Ngoài: Campuchia, Lào,…); Khi mua giống phải khảo sát thật kỹ để mua được giống sạch bệnh. Không thu mua vận chuyển sắn củ từ những nơi có bệnh vào địa bàn tỉnh.
+ Đối với vùng trong tỉnh đã bị bệnh (nay diện tích còn ít 2,25ha) cần tiến hành ngay việc khoanh vùng vận động người trồng sắn và có cơ chế để tiêu hủy toàn bộ diện tích đã nhiễm bệnh bằng cách (chặt, đào, thu gom triệt để để chôn, đốt,…) nhằm cắt nguồn bệnh trên đồng. Không vận chuyển củ, thân lá cây bị bệnh ra địa phương khác chưa có bệnh.
- Biện pháp lâu dài:
+ Không trồng các giống nhiễm bệnh như HLS11,…tham khảo các tỉnh đã có bệnh để lựa chọn các giống kháng hoặc nhiễm bệnh nhẹ để mua giống về trồng.
+ Trong vùng trồng sắn không trồng các loại cây là ký chủ của bọ phấn trắng như: Cây thuốc lá, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, chanh leo,… nếu có trồng thì phải phòng trừ tốt bọ phấn trắng (nếu có) để hạn chế môi giới truyền bệnh.
+ Thường xuyên kiểm tra ruộng sắn để phát hiện kịp thời triệu chứng bệnh và bọ phấn để có cách phòng trừ thích hợp không để lây lan ra diện rộng.
+ Đối với Bọ phấn trắng theo khuyến cáo và kinh nghiệm của các tỉnh miền nam thì phải phát hiện sớm và phun trừ kịp thời vào giai đoạn ấu trùng mới cho hiệu quả cao bằng một số loại thuốc có hoạt chất như (Dinotefuran; Pymetrozine;…) theo liều khuyến cáo./.