Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ của trạm khuyến nông, nên trong những năm qua, năng suất và hiệu quả kinh tế từ mô hình bưởi diễn của nông dân xã Nghĩa Liên huyện Nghĩa Đàn tăng cao, không còn hiện tượng mất mùa và tạo được niềm tin cho nông dân.
Gia đình anh anh Lương Quang Yên ở xóm Xuân Tầm xã Nghĩa Liên là một trong những người tiên phong đưa cây bưởi Diễn về trồng trên địa bàn xã Nghĩa Liên. Anh Yên chia sẻ: Trước đây trên diện tích gần 1ha trồng mía không hiệu quả, năm 2010, qua tìm hiểu và biết được giá trị kinh tế của cây bưởi Diễn nên anh đã quyết định đầu tư trồng 250 gốc. Sau gần 10 năm trồng cây bưởi Diễn cho thấy, bưởi sinh trưởng tốt, độ đồng đều cao, sâu bệnh hại nhẹ. Bưởi Diễn chỉ sau 3 năm là cho thu hoạch, những cây đã trồng từ 5 năm trở lên có thể đạt trên 50 đến 100 quả/cây, càng về sau, sản lượng có thể đạt 100-200 quả/cây, Bưởi Diễn đạt trọng lượng 1 -1,2 kg/quả và chuyển màu vàng tươi. Chất lượng bưởi không thua kém gì bưởi Diễn Hà Nội.
Để trồng bưởi Diễn có hiệu quả, theo anh Yên, khâu chăm sóc là quan trọng nhất, sau khi thu hái, người trồng phải làm cỏ, bón phân chuồng và các phân vô cơ. Thời kỳ cây đậu quả phải bón một đợt phân nữa. Để có quả bưởi Diễn ngon, không xử dụng thuốc BVTV, anh đã chịu khó học hỏi, tạo ra một chế phẩm sinh học bao gồm 1 số thảo mộc sẵn có ở địa phương, tỏi, ớt, gừng… đem đi xay nhỏ rồi ngâm với rượu trắng ủ trong vòng 10 -15 ngày sẽ cho ra ngay thành phẩm thuốc trừ sâu thảo dược. Thêm vào đó, gia đình anh đầu tư hệ thống bơm tưới hiện đại, quá trình tưới đảm bảo kỹ thuật sao cho côn trùng rớt. Khi cây đã bắt đầu cho quả, gia đình anh bọc kỹ tránh chích hút từ ruồi vàng.
"Bắt đầu từ năm 2015, tôi đã mạnh dạn thí điểm loại thuốc trừ sâu thảo dược tự chế này trên diện tích gần 1 ha bưởi của gia đình. Kết quả bưởi phát triển rất tốt, lá xanh và kháng được một số loại sâu bệnh thán thư, rỉ sắt, sâu đục trái... Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cứ 1,5 tháng, anh lấy nước cốt đó ra pha với nước sạch phun cho cây để phòng rầy và sâu ăn lá, ăn quả. So với những sản phẩm thuốc trừ sâu khác, loại thuốc trừ sâu thảo dược tự chế này có ưu điểm tuy không diệt được toàn bộ sâu bọ nhưng đuổi chúng đi thì cực kỳ hiệu quả, tỷ lệ đậu quả cao, giúp cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng, lá xanh. Đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và an toàn cho người sử dụng. Không những vậy, nhờ sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên nên chi phí cũng giảm 30 – 40% cho mỗi vụ sản xuất" - anh Yên trao đổi.
"Hiện nay, bưởi Diễn có giá mua tại vườn rất cao cứ đến mùa thu hoạch bưởi là các thương lái trong và ngoài huyện lên tận vườn thu mua. Nhất là vào thời điểm giáp Tết âm lịch, có nhiều khách hàng tin tưởng muốn mua làm quà biếu gọi điện cho tôi đặt hàng trước nhưng cũng không còn hàng. Nhờ vườn bưởi này, đến nay đời sống gia đình tôi khá giả hơn so với trước, con cái tôi đều được ăn học và có nghề nghiệp ổn định. Với 250 gốc cây đã cho quả, sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ vườn bưởi Diễn trên 100 triệu đồng" – anh Quang chia sẻ thêm.
Chị Lê Thị Ly, một trong những thương lái thu mua bưởi Diễn trên đất Nghĩa Đàn cho biết, mỗi năm cứ khoảng đầu tháng 10 là tôi đã vào các vườn bưởi ở đây để xem và đặt mua và đổ đi các đầu mối khác. "Bưởi ở đây vẫn cho trái đẹp, vị ngọt sắc, giòn không kém bưởi trồng trên đất Diễn" - chị Ly cho biết thêm.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, từ năm 2010 đến nay xã đã vận động bà con chuyển đổi được hơn 150ha cây ăn quả, chủ yếu là cây có múi như: cam, quýt, bưởi hồng Quang Tiến, Bưởi Diễn... Trao đổi với chúng tối, Ông Lê Thanh Đàn, phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Liên cho biết thêm: Anh Lương Quang Yên là một trong những hộ nông dân tiên phong trong việc phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả. Với việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây, gia đình anh trở thành hộ gia đình khá giả trên địa bàn. Chúng tôi đã có định hướng, khuyến khích bà con mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để từng bước xây dựng thương hiệu bưởi Diễn trên địa bàn xã.”
Việc đa dạng hóa giống cây trồng có múi như ở xã Nghĩa Liên nói riêng, huyện Nghĩa Đàn nói chung là rất cần thiết để tránh rủi ro về sâu bệnh cũng như giảm được tình trạng cung vượt quá cầu, nhằm tăng năng suất, sản lượng và thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.