Nuôi lợn gà an toàn sinh học: Để có dịch mới tiêm phòng thì đã muộn

Thứ hai - 04/05/2020 21:51
"Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuồng trại luôn phải giữ sạch sẽ. Nhiều bà con chủ quan, nghĩ rằng rắc vôi, khử trùng là đã làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại nhưng thực ra chưa đủ, vì không làm sạch chuồng trại thì bất cứ khâu khử trùng nào cũng trở nên vô nghĩa” - ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhấn mạnh.

Tuân thủ vệ sinh, tiêm phòng vaccine

Tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề "Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Báo NTNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, để phòng dịch bệnh trong chăn nuôi thì người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng vaccine.

Tiêm đúng liều, đúng định kỳ, thường xuyên chứ không đợi dịch bùng phát mới rục rịch tiêm thì lúc đó khả năng phòng dịch đã giảm đi rất nhiều.

 

nuoi lon ga an toan sinh hoc: de co dich moi tiem phong thi da muon hinh anh 1

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nuôi gà thả vườn theo hướng ATSH giúp giảm 75% chi phí điện úm gà con, giảm 60% công lao động, giảm 30% thuốc thú y. Ảnh: T.L

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng rất nhiều mô hình chăn nuôi ATSH, VietGAP theo chuỗi liên kết trên gia cầm. Các mô hình này đều khuyến cáo người chăn nuôi cần lưu ý lựa chọn con giống tốt, khỏe mạnh; thức ăn phù hợp và chủ động thực hiện liên kết nhằm giảm giá thành sản xuất, có đầu ra ổn định. 

Tiếp đó, chúng ta cần xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vì nếu trong vùng dịch mà bà con có chứng nhận cơ sở an toàn dịch thì sản phẩm vẫn có thể xuất bán bình thường. Đây chính là mấu chốt của việc đảm bảo an toàn sinh học (ATSH) và chăn nuôi bền vững.

Đặc biệt trong chăn nuôi các hộ cũng phải khai báo kịp thời vấn đề vệ sinh thú y với cán bộ thú y. Đây là cơ sở để cán bộ thú y lập kế hoạch theo dõi, vừa thuận tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thông tin, vừa qua bộ đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường áp dụng ATSH trong chăn nuôi lợn. Theo đó, giải pháp chăn nuôi ATSH trong bối cảnh hiện nay bao gồm nhiều giải pháp hơn từ trong khâu giống, thức ăn, chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng...

Ông Trọng khẳng định, trong các vật nuôi được áp dụng giải pháp chăn nuôi ATSH, con vịt khó áp dụng nhất vì vịt là thủy cầm. Theo đó, Bộ NNPTNT đã xây dựng 5 phương thức chăn nuôi vịt ATSH, trong đó có 2 phương thức chăn nuôi vịt dưới nước, chạy đồng và thả đồng; 3 phương thức nuôi nhốt trên cạn gồm nuôi vịt trong chuồng kín, nuôi vịt trong chuồng có sân chơi và chuồng có vườn cây.

Cũng theo ông Trọng, trong hướng dẫn chăn nuôi ATSH của Bộ NNPTNT cũng đã khẳng định cần phối hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi từ chất thải của vịt, tăng chất lượng sản phẩm thịt. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng khẳng định là bất cứ chế phẩm nào khi đưa vào thức ăn chăn nuôi đều phải có trong danh mục được ban hành, cho phép sử dụng”- ông Trọng nói.

Chú trọng 3 khâu

Lãnh đạo đơn vị đã triển khai thành công nhiều mô hình chăn nuôi ATSH cả trên gia súc, gia cầm, bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho rằng: Vấn đề chăn nuôi ATSH đã được Bộ NNPTNT xây dựng chương trình triển khai từ rất lâu. Theo đó, chăn nuôi ATSH gồm 3 khâu: Cách ly, kiểm soát ra vào khu chăn nuôi; làm sạch, vệ sinh chuồng trại, thú y; khử trùng chuồng trại.

"Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi phải áp dụng quy trình ATSH đối với gà, vịt hay với những hộ tái đàn lợn đặc biệt phải làm tốt các khâu cách ly, khử trùng, chăn nuôi có kiểm soát. Nếu không làm tốt khâu này, dịch cúm gia cầm hay dịch tả lợn châu Phi sẽ có nguy cơ quay trở lại, ảnh hưởng đến các trang trại, gia trại xung quanh. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã có 3 bộ tài liệu chăn nuôi ATSH cho các đối tượng gia cầm, bà con có thể lên trang web của Trung tâm Khuyến nông để đọc, hoặc tìm gặp các cán bộ khuyến nông để được tư vấn, hướng dẫn"- bà Hạnh khẳng định.

Theo bà Hạnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đối với các bệnh dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi. Mô hình tập trung vào một số nông hộ có quy mô chăn nuôi lớn đang cung ứng lợn thương phẩm cho Tập đoàn Masan (Hà Nam) và nhà máy giết mổ lợn Biển Đông tại Nam Định. Mục tiêu của các mô hình này là cùng bà con chăn nuôi cung ứng thịt lợn sạch cho các chuỗi giết mổ.

Riêng đối tượng gia cầm, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với các chuyên gia FAO (Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc) xây dựng bộ tài liệu chuẩn cho đối tượng là trại chăn nuôi gia cầm bố mẹ, trại nuôi thương phẩm, trại sản xuất vịt giống… nhằm đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học.

“Thực tế cho thấy các mô hình cải tạo điều kiện chăn nuôi để đảm bảo quy trình ATSH đang phát huy hiệu quả. Trong đó 15 dự án chăn nuôi gia cầm triển khai từ đầu năm đến nay phát triển thuận lợi, quay vòng nhanh, vốn đầu tư không quá lớn, sản phẩm dễ tiêu thụ. Mặc dù giá gia cầm có biến động nhưng so với nuôi lợn, bò thì gia cầm vẫn nhiều ưu thế hơn” - bà Hạnh nói.

Minh Huệ

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay37,362
  • Tháng hiện tại72,096
  • Tổng lượt truy cập15,212,978
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây