NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Xuất hiện dịch lở mồm long móng trên gia súc tại TP. Vinh
Thứ sáu - 06/12/2019 03:121.0650
Trên địa bàn xã Hưng Hòa, TP. Vinh hiện đang xuất hiện ổ dịch lở mồm, long móng trên gia súc với mức độ lây lan nhanh khiến nhiều trâu, nghé bị nhiễm bệnh.
Dịch lở mồm, long móng trên gia súc xuất hiện trên địa bàn xã Hưng Hòa vào cuối tháng 11 vừa qua với tốc độ lây lan nhanh. Ông Nguyễn Văn Hoan, xóm Phong Yên, xã Hưng Hòa cho biết: Gia đình có 3 con trâu đều bị nhiễm bệnh lở mồm, long móng với các triệu chứng miệng lở loét, chân bị bong tróc, không đi lại được, bỏ ăn... Gia đình đã nhờ bác sĩ thú y đến tiêm thuốc nhưng không khỏi bệnh.
Cách đó không xa, bà Trần Thị Liễu, xã Hưng Hòa cũng phải nhốt trâu của gia đình vì nhiễm bệnh. Bà Liễu đã dùng kinh nghiệm truyền thống là sử dụng nước chanh, khế có độ chua, phèn để sát trùng vào chân, miệng của trâu, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời.
Được biết, xóm Phong Yên, xã Hưng Hòa là nơi thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên gia súc do ở đây có sông Lam chảy qua, cộng với đó là tập quán thả rông trâu, bò trên các cánh đồng, triền đê theo bầy đàn lớn nên virus dễ dàng xâm nhập, lây lan rộng. Chỉ trong vòng ít ngày, 7 hộ trong xã đã có dịch với 11 con trâu bị nhiễm bệnh và hiện nay dịch vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Được biết, xã Hưng Hòa không tổ chức tiêm phòng dịch lở mồm, long móng cho gia súc trong thời gian qua.
Xã Hưng Hòa là một trong những địa phương có số lượng trâu, bò lớn nhất trên địa bàn TP.Vinh với trên 300 con. Ông Trần Cao Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: Ngay sau khi có thông tin dịch, chúng tôi đã cử cán bộ thú y xuống kiểm tra, đồng thời báo cáo lên cho Trạm thú y TP.Vinh để phối hợp dập dịch. Song song với đó, chúng tôi đang khuyến cáo bà con nhốt trâu, bò, tránh thả rông để hạn chế dịch lây lan.
Lở mồm, long móng là bệnh nguy hiểm thường gặp đối với gia súc. Khi nhiễm bệnh, nhiệt độ cơ thể của gia súc khá cao (khoảng 40°C). Đồng thời, gia súc trở nên kém ăn, ủ rũ, tiết nước bọt nhiều và nhiễu xuống; ở vùng miệng (miệng, lợi và lưỡi), vùng chân (kẽ móng và bờ móng chân) và vú xuất hiện các mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt.Trong vòng 24 giờ, mụn nước sẽ tự vỡ, làm bờ móng sưng đau dẫn tới con vật đi lại khó khăn, phải nằm một chỗ. Nếu bệnh phát triển mạnh, khoảng từ 5 đến 6 ngày, con vật sẽ yếu, khó thở và chết.