Cho cam" ăn"cá-cái kết rất...là khá
Trước khi đến với nghề trồng cam, vợ chồng ông Phượng đã có một thời gian dài đi buôn cam tại các vùng ở địa bàn tỉnh Nghệ An. Công việc vất vả nhưng lợi nhuận không đáng là bao nhiêu. Qua thời gian đi ngược xuôi cắt cam tại các trang trại, ông Phượng được tiếp xúc với nhiều chủ trang trại cam nổi tiếng tại Quỳ Hợp ( Nghệ An), được học hỏi nhiều kinh nghiệm trồng cam.
Nhận thấy cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là một thị trường đầy tiềm năng nên vợ chồng ông Phượng quyết định bỏ việc buôn cam về trồng cam. Đến nay, gia đình ông có hơn 2ha cam đã cho thu hoạch, mang lại lợi nhuận cao.
Ông Phượng chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng cam từ năm 2011, thời điểm đó tôi là người đầu tiên mang giống cam từ Quỳ Hợp về trồng ở Tân Kỳ. Những năm đầu, kinh nghiệm trồng cam chưa nhiều nên tôi chỉ trồng có 300 cây thôi. Dần dần kinh nghiệm dày dặn tôi trồng thêm và tới bây giờ thì có 800 gốc. Gốc cam nào tôi cũng lấy bã cá trộn với phân chuồng để bón. Thêm nữa, tôi lấy nước cá hoà tan ra phun cho cây để diệt trừ côn trùng phá hoại. Vườn cam của tôi được "ăn" cá nên cây nào cây nấy trĩu quả, mọng nước. Mỗi năm trừ chi phí ra thì gia đình cũng thu nhập được chừng hơn 200 triệu đồng.”
Chế phẩm sinh học diệt sâu hại cam
Thời điểm đầu năm 2019, khi các vùng cam khác ở Nghệ An bị bướm lạ tấn công, bướm ngài chích hút khiến cam rụng thì ở vùng cam Xuân Lý, cam vẫn sai quả, sinh trưởng, phát triển tốt. Đó là nhờ người dân nơi đây tìm ra nguyên lý hoạt động của loại bướm gây hại này.
Vào ban đêm bà con chong đèn, dùng vợt vây bắt bướm; ban ngày thì dùng hỗn hợp nước cá lên men phun cho cam theo hình chữ thập (nghĩa là phun khoanh vùng, không phải cây nào cũng phun) để đuổi bướm. “Loại bướm ngài này theo mùi hương của cam, của ổi để chích hút gây hại, khi phun hỗn hợp này, mùi tanh nồng của cá lấn át mùa cam, mùi ổi nên bướm sẽ tránh đi...”, ông Phượng tiết lộ.
Bà Lê Thị Hạnh, một hộ trồng cam ở xóm Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An) nói: “ Nhờ ông Phượng mà tổ liên kết trồng cam Sông Con chúng tôi nhà nào cũng có vườn cam trĩu quả, đạt chất lượng và sản lượng tốt. Toàn bộ các hộ sản xuất đều sử dụng các nguyên liệu sinh học tự nhiên để diệt trừ côn trùng. So với sử dụng hoá chất phòng trừ dịch bệnh trên cây cam thì chế phẩm sinh học tự tạo chi phí rẻ hơn rất nhiều. Ông Phượng luôn là người tiên phong làm rồi hướng dẫn lại cho bà con...”.
Chia sẻ với phóng viên về cách làm của mình, ông Phượng nói: “Chi phí ủ cá làm chế phẩm sinh học để đuổi côn trùng và bón cho cam rất rẻ. Nguyên liệu có sẵn, dễ tìm mua, tôi dùng 70kg cá ủ với 120 lít nước, sau đó lọc ra khoảng 80 lít để hoà loãng phun cho cam. 1 tạ cá thì được 120 lít nước, phun cho 2ha cam. Nếu ủ được hai lần như vậy thì ra được 140 lít dung dịch, phun được 4ha cam. Phần bã cá thì dùng trộn với phân chuồng bón cho cây cam "ăn". Tính ra mỗi kg cá chỉ có giá 7.000 đồng rẻ hơn nhiều so với dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu rầy hóa học...”.
Nguyên nhân dẫn đến việc ông Phượng dùng cá ủ để lấy nước phun cho cam được ông chia sẻ rằng; "Qua một người có kinh nghiệm trồng rau sạch ở Đà Lạt hướng dẫn, tôi tìm mua các loại cá nước ngọt về ủ với chế phẩm EM và mật mía. Tôi lấy nước hoà ra và phun cho cây cam để đánh đuổi côn trùng, trong đó có bướm lâm nghiệp.”
“Mùi của cá tanh nên bướm lâm nghiệp không phân biệt được mùi hương của cam, bởi vậy vườn cam của tôi hai năm nay không hề bị hư hỏng. Bã cá bổ sung vi lượng cho cây cam rất tốt, khiến cây cam phát triển khoẻ mạnh, sai quả và rất mọng nước. Đặc biệt, độ ngọt của cam rất đậm”. Hiện tại tôi đã hướng dẫn bà con nông dân trồng cam thực hiện cách làm trên , mùa cam năm nay thành viên nào cũng có kết quả tốt...".
Trao đổi với phóng viên báo DANVIET.VN, ông Nguyễn Công Trung- Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “ Tổ hợp liên kết vùng trồng cam Sông Con được chúng tôi lựa chọn làm quy chuẩn cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sắp tới đây sẽ được cấp chứng chỉ và đã có vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh...
Mỹ Hà
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc