Công điện khẩn số 19/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm, long móng ở gia súc.

Chủ nhật - 08/12/2019 22:16
UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện khẩn số 19/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm, long móng ở gia súc.

51 con trâu, bò bệnh

Công điện cho biết, thời gian gần đây dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh trong cả nước (Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long,...).

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ ngày 11/11/2019, bệnh LMLM đã xảy ra tại 20 hộ, 8 xóm của 4 xã thuộc 3 huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và Tương Dương làm 51 con trâu, bò bị bệnh.

 

Nông dân ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh) chăm sóc trâu bị lở mồm, long móng. Ảnh tư liệu Quang An

Nguyên nhân xảy ra dịch là do: (1) Đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM; (2) Mầm bệnh lưu cữu trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng chiếm tỷ lệ cao, thường xuyên được bài xuất ra môi trường; (3) Hầu hết ở các huyện miền núi trâu, bò chủ yếu thả rông trong rừng, không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, kết hợp với thời tiết thay đổi chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh; (4) Việc mua bán, vận chuyển từ địa phương này sang địa phương khác chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; (5) Các chương trình, dự án hỗ trợ giống vật nuôi cho các hộ nghèo chưa thực hiện đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh đã vận chuyển và cung ứng cho các hộ dân; (6) Trong thời gian qua, các địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có bệnh LMLM...

Vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thời tiết thay đổi bất lợi, nhiều đợt mưa làm độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc cuối năm tăng cao làm mầm bệnh phát tán, lây lan; do đó nguy cơ dịch bệnh LMLM bùng phát thời gian tới là rất cao.

Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh

Thực hiện Công điện khẩn số 8799/CĐ-BNN-TY ngày 23/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm, long móng ở gia súc; để kịp thời khống chế các ổ dịch phát sinh, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân.

Công văn UBND tỉnh. Ảnh: Việt Phương

Đối với các huyện đang có dịch LMLM và vùng nguy cơ cao: Tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, không để lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác. Hằng ngày, báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An) theo đúng quy định. Khẩn trương tổ chức, chỉ đạo tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao; bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại vùng dịch và ít nhất 80% số gia súc thuộc diện tiêm tại các vùng nguy cơ cao. Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra, vào ổ dịch, các địa điểm nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Chỉ đạo các phòng Nông nghiệp và PTNT, Kinh tế, Trạm chăn nuôi và thú y huyện, UBND cấp xã chấn chỉnh công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh, bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan ra diện rộng.

Đối với các chương trình, dự án cung cấp con giống, hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn: Phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển con giống theo đúng quy định hiện hành; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cung cấp con giống không bảo đảm chất lượng hoặc con giống bị mắc bệnh làm phát sinh và lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra tại các ổ dịch LMLM, vùng có nguy cơ cao để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch LMLM tại cơ sở.

Những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng vắc-xin để phòng các bệnh bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh tư liệu: Quang An

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông cấp huyện, hệ thống loa phóng thanh xã: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không giấu dịch, bán chạy gia súc bị bệnh, không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường.

Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn, dê) chủ động mua vắc-xin LMLM và các loại vắc-xin khác tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định.

Chỉ đạo các lực lượng liên quan (thú y, quản lý thị trường, công an,...) thường xuyên kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; tăng cường quản lý, ngăn chặn vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc từ vùng dịch, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch vào địa bàn huyện. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện và các sở, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh; Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh LMLM, kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh tại cơ sở, vùng có dịch, vùng nguy cơ cao...; chuẩn bị vắc-xin, hóa chất, vật tư chủ động phòng, chống dịch; tăng cường công tác lấy mẫu, gửi xét nghiệm xác định chủng vi rút gây bệnh, để làm căn cứ lựa chọn, sử dụng vắc-xin tiêm phòng không chê, bao vây dịch đạt hiệu quả cao nhất; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định.

Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

Các tổ chức, cá nhân liên quan đến chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyên gia súc, sản phẩm gia súc; chấp hành kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc lấy mẫu xét nghiệm đối với gia súc và sản phẩm gia súc, tiêm phòng định kỳ vắc-xin lở mồm, long móng và các loại vắc-xin khác theo quy định...

Những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng vắc-xin để phòng các bệnh bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2007 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

 

Việt Phương

Nguồn tin: baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập201
  • Hôm nay37,362
  • Tháng hiện tại72,642
  • Tổng lượt truy cập15,213,524
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây