NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Anh Sơn: Xây dựng nhiều cánh đồng chuyên canh rau màu hàng hóa vụ đông
Thứ ba - 15/12/2020 21:401.2370
(Hội NDNA) - Vụ đông 2020, huyện Anh Sơn chỉ đạo các địa phương xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa theo hướng tập trung chất lượng, bền vững và chú trọng vệ sinh ATTP, nhằm làm thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Xã Cẩm Sơn từ lâu có truyền thống sản xuất chuyên canh cây rau màu ở huyện Anh Sơn. Phát huy lợi thế này, vụ đông năm nay xã đang tập trung sản xuất đa dạng các loại rau màu. Cùng với nhiều hộ bà con nông dân khác, thời điểm này gia đình anh Hoàng Văn Diệu thôn Hội Lâm đang tập trung xuống giống 4 sào mướp trên vùng đất bãi. Theo anh Diệu: “Trước đây, gia đình anh chưa chú trọng đến sản xuất vụ đông hàng hóa, chủ yếu theo hình thức tự cung cấp cho gia đình. Nhưng mấy năm gần đây, gia đình đã thực sự quan tâm đến sản xuất cây vụ đông hàng hóa vì đây là vụ mang lại thu nhập cao và ổn định trong năm. Theo kinh nghiệm của anh Diệu thì trồng mướp đầu tư không quá lớn, thời gian sinh trưởng của mướp chỉ 1 tháng 5 ngày, cứ 1- 2 ngày thu hái 1 lần. Mỗi sào mướp cho năng suất từ 1,5 đến 2 tấn, trừ chi phí mỗi sào cũng cho thu nhập 10 triệu đồng. Hai năm nay do trồng trên cánh đồng chuyên canh của thôn nên việc xuống giống và chăm sóc cây mướp thuận lợi hơn nhiều so với việc trồng nhỏ lẻ, đặc biệt, thương lái khắp nơi biết đến vùng sản xuất mướp hương nên đã về tận ruộng thu mua, bà con nông dân rất yên tâm.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và bền vững là mục tiêu lớn của xã Cẩm Sơn. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền Cẩm Sơn đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện, tạo ra vùng cây rau màu chất lượng cao trên địa bàn. Đầu tiên là vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hóa. Tuyên truyền cho bà con đưa giống cây rau màu mới, sử dụng phân bón hiệu quả để cây trồng cho năng suất cao. Tập trung chỉ đạo các ngành, tổ chức đoàn thể và các thôn, dựa trên cơ sở đặc điểm đất đai, mức độ sử dụng đất để chọn loại cây phù hợp. Giao cho Hội Nông dân phối hợp mở 2 lớp tập huấn về phát triển rau an toàn cho hơn 300 hộ dân từ đó từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu. Vụ đông năm nay xã đang tập trung sản xuất đa dạng các loại rau màu với hơn 40 ha tại các cánh đồng chuyên canh ở thôn Hội Lâm, 1/5, Cẩm Thắng, Hạ Du. Hiện nay, sau mưa lũ thời vụ có chậm hơn mọi năm nên xã đã vận động nhân dân triển khai trồng các cây trồng ngắn ngày đồng thời tìm nguồn giống để trồng lại một số cây truyền thống như mướp hương, dưa chuột, đậu cô ve, sup lơ.
Ở xã Tường Sơn, thời điểm này bà con nông dân cũng đang gieo trỉa ngô nếp vụ đông. Theo ông Trần Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tường Sơn thì từ lâu, nhân dân trong xã đã có truyền thống trồng cây ngô nếp vào vụ đông, năm nay toàn xã gieo trỉa được hơn 50 ha. Ngay từ khi bắt đầu triển khai trồng cây vụ đông, xã đã quy vùng sản xuất cây ngô nếp tập trung ở những vùng đất vệ, đất bãi, đất ruộng; tổ chức các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp. Hiện nay, xã đã tiến hành xây dựng, chỉnh trang đường giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của nhân dân địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Xác định việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, dựa vào những lợi thế về thổ nhưỡng, tập quán canh tác… của từng địa phương, những năm gần đây, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo, định hướng cho các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển vụ đông theo hướng chuyên canh tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị thu nhập cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vụ đông năm nay, huyện Anh Sơn gieo trồng 350 ha rau đậu các loại; 57 ha khoai lang và 23 ha khoai tây; các địa phương đã hình thành được nhiều cánh đồng chuyên canh có diện tích từ 10 ha trở lên, chủ yếu trồng các loại cây như: ngô nếp ở Tường Sơn; khoai tây ở Tam Sơn, Phúc Sơn; mướp hương ở Cẩm Sơn; bầu bí ở Tào Sơn, Đức Sơn; dưa chuột ở Tường Sơn… Nhiều địa phương đã sử dụng những giống cây trồng mới, quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến được nông dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân. Đặc biệt huyện đã triển khai các phương án bổ cứu sản xuất, tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ đông và đưa ra các biện pháp kỹ thuật phù hợp để khôi phục sản xuất sau mưa lũ, ưu tiên các loại rau ngắn ngày để có nguồn rau xanh kịp thời cung cấp cho thị trường, đồng thời chú trọng phát triển các rau đảm bảo ATTP, có giá trị cao để tăng thêm hiệu quả kinh tế.