Nghệ An: Hàng chục trại chăn nuôi bị xóa sổ đàn lợn do nhiễm dịch tả

Thứ hai - 30/09/2019 04:20
Trên địa bàn Nghệ An đến hết tháng 9 này đã có 10 gia trại chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con tiêu hủy do nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Dịch tấn công gia trại
Dịch tả lợn châu Phi ngoài lây lan vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn tấn công vào các gia trại có quy mô đàn lợn lớn, mặc dù các chủ gia trại đã áp dụng các giải pháp phòng dịch.
1
Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch trên địa bàn TP Vinh. Ảnh: Quang An
 

Mới đây nhất, vào ngày 28/9, gia trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Hoàng Đình Oanh ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) có 115 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, buộc cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng trên 10,3 tấn lợn hơi.

Ông Oanh cho hay, gia đình nắm bắt được tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, do vậy đã có nhiều giải pháp phòng dịch như: Chủ động mua hóa chất khử trùng, vôi bột để phun, rắc trong và ngoài khu vực chuồng trại. Kể cả các thành viên trong gia đình hạn chế ra ngoài. Nhưng dịch vẫn lây nhiễm vào đàn lợn của gia đình.
Trại lợn của gia đình ông Nguyễn Tuấn Quế ở xã Văn Thành (Yên Thành) có đàn lợn 251 con, trọng lượng trên 11 tấn, đã bị tiêu hủy ngày 12/9. Ông Quế nhận định: Đàn lợn của gia đình bị nhiễm dịch có thể do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, gia đình sử dụng nguồn nước nông giang để cho lợn ăn và vệ sinh chuồng trại nên lây dịch từ nguồn nước; thứ hai, có thể dịch lây qua đường không khí, vì trong xóm có nhiều hộ có lợn bị nhiễm dịch; thứ ba, có thể bị lây nhiễm từ nguồn thức ăn công nghiệp.

Trước đó, ông Quế đã chủ động mua 2 tấn vôi bột và 20 lít hóa chất để phun, rắc tiêu độc khử trùng trước cổng và xung quanh khu vực chuồng trại.

Nhận định nguyên nhân

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch tả lợn châu Phi thời gian đầu chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay dịch tấn công mạnh vào các gia trại.
Đến ngày 29/9, trên địa bàn Nghệ An đã có 10 gia trại chăn nuôi lợn có quy mô 100 con trở lên đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Đô Lương.
1
Xử lý môi trường tại trại lợn của ông Nguyễn Cảnh Năm, xã Hòa Sơn (Đô Lương) sau khi tiêu hủy lợn. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng
 

Theo ông Cao Viết Dương - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho rằng: Mặc dù các chủ gia trại đã có nhiều giải pháp phòng dịch, nhưng dịch vẫn tấn công vào các gia trại chăn nuôi lợn là do các nguyên nhân: Để thương lái vào trại bắt lợn; dùng nguồn nước sông để vệ sinh chuồng trại, hoặc lây lan từ nguồn thức ăn công nghiệp, đặc biệt là nguồn thức ăn xoay vòng của trại lợn nào đó bị nhiễm dịch, sau đó họ trả lại cho đại lý để tiêu thụ.

Vì vậy, để phòng dịch được tốt, các chủ gia trại không nên sử dụng nguồn nước từ sông, kênh rạch để vệ sinh chuồng trại, hoặc cho lợn ăn; Phun tiêu độc khử trùng các bao thức ăn công nghiệp trước khi nhập vào kho; Khi xuất bán lợn, cần phun tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào chở lợn và có giải pháp vệ sinh tiêu độc đối với những người trực tiếp vào chuồng bắt lợn.
Đến ngày 29/9, trên địa bàn Nghệ An còn 195 xã đang có dịch chưa qua 30 ngày. Số lợn đã tiêu hủy 44.746 con, trọng lượng 2.085.970 kg. Có 02 huyện chưa có dịch là Nghĩa Đàn và thị xã Cửa Lò.

 

Xuân Hoàng

Nguồn tin: baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay22,407
  • Tháng hiện tại495,451
  • Tổng lượt truy cập15,636,333
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây