Một xã ở Nghệ An có nguy cơ xóa sổ đàn lợn vì dịch tả châu Phi

Chủ nhật - 29/09/2019 21:44
Với 1.405 con lợn đã phải tiêu hủy do nhiễm dịch chỉ trong vòng 3 tháng qua, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) được xem là điểm "nóng" nhất về dịch tả lợn châu Phi hiện nay trên địa bàn Nghệ An.

Nguy cơ xóa sổ đàn lợn

Về xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) vào một ngày cuối tháng 9, dễ dàng nhận biết địa phương này đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, bởi đầu các ngã đường đều được rắc vôi bột trắng xóa. Dịch xảy ra trên địa bàn xã diễn Nguyên từ ngày 24/5, nhưng bùng phát mạnh nhất trong khoảng 2 tháng nay, có những ngày tiêu hủy hàng tấn lợn. 

Gia đình bà Đào Thị Hương ở xóm 7 vừa phải tiêu hủy 1 con lợn nái và 6 lợn con trong cuối tháng 9. Bà Hương buồn rầu: Gia đình làm nông nghiệp, tận dụng thức ăn dư thừa từ phụ phẩm nông nghiệp để nuôi 1 con lợn nái từ 7 năm nay. Giờ chỉ mong địa phương sớm hết dịch để gia đình tái đàn.

1
Dịch tả lợn châu Phi đang tấn công vào các chuồng trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Diễn Nguyên, nên người dân ở đây lo lắng đàn lợn hiện có của địa phương sẽ bị xóa sổ trong nay mai. Ảnh: Xuân Hoàng

Xóm 7 là địa bàn có nhiều con lợn đã phải tiêu hủy, nên người dân ở đây quen với cảnh hàng ngày chứng kiến cán bộ xóm, xã bất lực chở lợn nhiễm dịch ra khu vực nghĩa trang để tiêu hủy.

Ông Đào Xuân Trung - Xóm trưởng xóm 7, cho hay: Đặc thù của người dân địa phương là làm nông nghiệp, nên hầu nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi lợn, trong đó nuôi lợn nái là chủ lực.

Tính đến cuối tháng 9, trong xóm chỉ còn 21 hộ đang nuôi lợn, với 48 con lợn thịt và 8 con lợn nái. Trước đó, xóm đã phải tiêu hủy 247 con lợn của 66 hộ, trong đó 62 con là lợn nái.

1
Gia đình ông Cao Hùng ở xóm 7, xã Diễn Nguyên rắc vôi bột để xử lý môi trường trong khu vực chuồng trại, sau khi đã tiêu hủy lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

 

Nếu dịch cứ phát tán theo đà này thì không lâu nữa đàn lợn hiện có của xóm sẽ bị xóa sổ. Hiện tại, xóm tuyên truyền, vận động các hộ tuyệt đối không được tái đàn vào thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp. Nỗi lo của người xóm 7 cũng là thực trạng chung của các xóm còn lại trên địa bàn xã Diễn Nguyên hiện nay.
Ông Đào Xuân Trung - xóm trưởng xóm 7, xã Diễn Nguyên

Kiểm soát chặt đàn lợn hiện có

Số liệu thống kê của xã Diễn Nguyên cho thấy, từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã đến nay (từ 24/5 đến cuối tháng 9) Diễn Nguyên đã tiêu hủy 1.405 con lợn với trọng lượng trên 73,5 tấn, của 243 hộ. Theo ông Đàm Xuân Chính - Phó Chủ tịch UBND xã, với số lượng lợn đã tiêu hủy chiếm gần 1/2 đàn lợn của xã trước khi chưa có dịch.

Để kiểm soát chặt đàn lợn của địa phương trong khi dịch đang lây lan mạnh, từ ngày 22/9, xã giao các xóm thống kê, rà soát lại đàn lợn hiện có. Đến cuối tháng 9, toàn xã chỉ còn hơn 1.000 con lợn. Những hộ cố tình tái đàn trong thời điểm này, xã sẽ xử lý theo quy định của pháp lệnh thú y.

Xã đã sử dụng tới 9 tấn vôi bột (trong đó huyện cấp 3 tấn), chưa kể các hộ chăn nuôi lợn chủ động mua vôi phòng bệnh, cùng đó là trên 100 lít hóa chất. Xã trích ngân sách mua hàng nghìn mét bạt, thuê hàng trăm ca máy múc để đào hố tiêu hủy lợn; huy động hàng trăm lượt người tham gia trực chốt…
Ông Đàm Xuân Chính - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên

1
Xã Diễn Nguyên vẫn duy trì chốt kiểm dịch trên các tuyến đường. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Đàm Xuân Chính băn khoăn: Dịch tả lợn châu Phi hoành hành mạnh tại địa phương từ tháng 6, đặc biệt từ sau đợt mưa lũ đầu tháng 9 đến nay, dịch bùng phát mạnh hơn, có những ngày phải tiêu hủy lợn của 2 - 3 gia đình. Nếu cứ đà này, tổng số đàn lợn hiện có của xã dễ bị xóa sổ bởi đại dịch tả lợn châu Phi.

Nguyên nhân dịch bùng phát mạnh trên địa bàn xã Diễn Nguyên, theo ông Chính nhận định, có thể do mưa xuống, chất thải của các chuồng trại chăn nuôi lợn trôi theo dòng nước, nên vi rút dịch lây lan sang hộ khác; hoặc do các loại động vật: chuột, mèo… truyền vi rút từ hộ này sang hộ khác.

Ông Chính cũng thừa nhận có sự chủ quan của con người, bởi đa phần bà con nuôi lợn nhỏ lẻ trong khu vực chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo yếu tố phòng bệnh. Công tác phòng, chống dịch của địa phương có lúc còn lơ là, chủ quan, khiến vi rút dịch lây lan ra diện rộng. Nay thì dịch đã bùng phát ra khắp xa, cùng đó là các xã lân cận cũng phát dịch mạnh, nên công tác kiểm soát dịch càng khó khăn, phức tạp. 

1
Ông Đào Xuân Trung - xóm trưởng xóm 7 cho rằng, chuồng trại chăn nuôi lợn của bà con cơ bản tạm bợ nên rất dễ lây nhiễm bệnh dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Trọng Bốn - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện, nhiều nhất là các xã: Diễn Thái, Diễn Nguyên, Diễn Thắng, Diễn Đồng, Diễn Bình, Diễn Cát, Diễn Minh, Diễn Quảng, Diễn Xuân… Có những ngày Diễn Châu tiêu hủy hàng chục tấn lợn. Trong đó “nóng” nhất là xã Diễn Nguyên, bởi có số hộ phải tiêu hủy lợn nhiều nhất.

Theo số liệu của Chi Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số xã thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên. Trong đó, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) được xác định là điểm "nóng" của dịch, bởi địa phương này có số lượng lợn phải tiêu hủy nhiều nhất trong số 170 xã đang có dịch chưa qua 30 ngày hiện nay.

Xuân Hoàng

Nguồn tin: baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay13,161
  • Tháng hiện tại330,097
  • Tổng lượt truy cập7,799,550
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây