“Ông chủ” vùng Bãi Soi Bặn

Chủ nhật - 05/04/2020 23:07
(Hội NDNA) - Nhờ năng động, cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm nên anh Phạm Viết Xuân ở xóm 4, xã Khánh Sơn 1, huyện Nam Đàn đã mạnh dạn phát triển sản xuất nông nghiệp trên hàng chục ha diện tích đất hoang hóa trở thành nguồn thu lớn cho gia đình, khai thác tiềm năng đất đai của địa phương. Trong nhiều năm qua, anh đã trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu về phát triển kinh tế của xã Khánh Sơn cũng như của cả huyện Nam Đàn.
Là trụ cột gia đình, kinh tế chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên cuộc sống trước đây của gia đình vợ chồng anh Phạm Viết Xuân rất chật vật. Không cam chịu, đói nghèo, nghĩ mình có bàn tay, có sức lao động, năm 2006 khi đã bàn bạc với vợ, anh mạnh dạn quyết định nhận thầu 24ha đất vùng bãi Soi Bặn-Đây là vùng đất cát, hoang hóa, khó sản xuất nông nghiệp, người dân trồng dâu nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế đã trả lại cho xã. Nhờ vay mượn được anh em bạn bè, người thân và sự tạo điều kiện của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh Xuân đã đầu tư gần 800 triệu đồng thuê nhân công cải tạo đất, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh vừa xây dựng chuồng trại nuôi hàng chục con bò Lai sid vừa trồng các loại hoa màu như: ngô, lạc, rau màu như: bù, bí, mùa nào cây đó để lúc nào trang trại của anh cũng có nguồn thu.
 
nong dan pham viet xuan san xuat kinh doanh gioi 1
Nhờ chăn nuôi bò vỗ béo mỗi năm gia đình anh Xuân xuất bán từ 60-70 con, thu lãi ròng trên 150 triệu đồng.
Những ngày đầu lập nghiệp, gặp muôn vàn khó khăn, đất xấu, sản xuất bấp bênh lại hay bị ngập lụt, bên cạnh đó thiếu kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi nên đã không ít lần thất bại. Tuy nhiên, được sự giúp sức của hội nông dân xã, anh đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi cũng như trồng trọt, nhờ vậy, anh dần biết cách chủ động bố trí cây trồng phù hợp hơn trên cơ sở dự tính điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng cũng như thời vụ gieo trồng đảm bảo khoa học, né tránh được lũ lụt nên các loại cây màu, nhất là ngô thường cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, với tình trạng chuột phá hoa màu, rau màu vùng bãi quanh năm, anh đã sử dụng hơn 3.000 bẫy cung đập diệt chuột hiệu quả. Anh cho biết, giá mỗi bẫy cung đập khá rẻ so với sử dụng các loại thuốc diệt chuột, bẫy có thể dùng nhiều năm, mỗi năm anh có thể diệt được 6-7 tấn chuột, góp phần bảo vệ thành quả sản xuất không chỉ của trang trại mà cho bà con nhân dân trên vùng bãi Soi Bặn.

 Hơn 20ha vùng bãi được anh Xuân bố trí trồng ngô, để tìm đầu ra cho cây ngô, năm 2010, với sự giúp sức của Hội Nông dân xã, anh ký kết hợp đồng cung cấp cây ngô non cho công ty sữa TH (Nghĩa Đàn), không chỉ tìm được đầu ra cho cây trồng và mang lại thu nhập cao, bình quân mỗi năm gia đình chị thu hoạch được từ 2 vụ ngô, xuất bán 900-1.000 tấn, thu về lợi nhuận 200 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ chăn nuôi bò vỗ béo, gia đình đã tận dụng các thức ăn sẵn có ở vùng bãi, mỗi năm xuất bán từ 60-70 con, thu lãi ròng trên 150 triệu đồng.

Với nguồn vốn tích lũy được, anh đầu tư nhiều máy móc để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp như: máy cày, dập, máy tách hạt ngô, máy phát điện, nhận thêm đất để đào ao thả cá và 6ha vùng đất đồi núi để trồng cây lâm nghiệp ở vùng Rú Đồn. Nhạy bén, năng động, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng trên cơ sở dự tính điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng kết hợp đẩy mạnh chăn nuôi nên giờ đây gia đình anh không chỉ vươn lên thoát nghèo mà trở thành hộ giàu trong xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 40-50 lao động thời vụ với mức thu nhập mỗi ngày 150 ngàn đồng/người. Anh Phạm Viết Xuân trở thành một trong những nông dân tiên phong cho phong trào cải tạo diện tích đất bãi hoang hóa, phủ trống vùng đồi núi, áp dụng giống mới, khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nhiều năm qua, anh Phạm Viết Xuân được bà con nhân dân trong xã, tổ chức hội nông dân các cấp tuyên dương. Ông Nguyễn Lê Đồng-Chủ tịch Hội ND xã Khánh Sơn, Nam Đàn khẳng định: Bằng ý chí, nghị lực, bản chất cần cù, siêng năng của người nông dân đến nay anh Phạm Viết Xuân đã có thu nhập cao từ phát triển kinh tế trang trại, 700- 800 triệu đồng/năm.

Song song với phát triển kinh tế, anh Xuân luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động và luôn sẵn lòng giúp đỡ trao đổi kinh nghiệm làm ăn cho các hội viên nông dân có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế. Giúp đỡ cho hơn 10 hộ gia đình hội viên nông dân trong xã có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho nhiều gia đình. Nhiều năm liền, anh được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Đặc biệt, trong năm 2016, anh Phạm Viết Xuân được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2012- 2016. Được bình chọn tham dự Đai hội thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020.

Trước những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong khu vực và trên thế giới, không ít mô hình kinh tế trong đó có các trang trại phải hoạt động cầm chừng, thậm chí là thua lỗ thì mô hình trang trại của anh Phạm Viết Xuân vẫn đứng vững và “ăn nên làm ra”. Bí quyết làm giàu của “ông chủ” trên vùng đất bãi Soi Bặn đầy khó khăn, thử thách này không gì khác đó chính là nghị lực chiến thắng đói nghèo, sự cần cù, nhẫn nại và tinh thần dám nghĩ, dám làm.                

Thúy Tình

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập327
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại671,865
  • Tổng lượt truy cập16,546,455
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây