NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nghĩa Đàn 35 ha lúa vụ xuân nhiễm bệnh đạo ôn
Thứ năm - 10/03/2022 03:548800
(Hội NDNA) - Hiện nay lúa vụ Xuân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đang trong thời kỳ đẻ nhánh. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên một số trà lúa. Mặc dù các địa phương và bà con nông dân đã chủ động phòng trừ, song bệnh đạo ôn vẫn đang đe dọa lúa xuân.
Đã hơn 2 tuần nay, chị Hoàng Thị Hồng Soa xóm Bình Long xã Nghĩa Hưng đứng ngồi không yên vì 3 sào ruộng gieo cấy giống Thái Xuyên vừa bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ đã bị bệnh nhiễm đạo ôn. Chị Soa cho biết: “Bệnh đạo ôn ban đầu xuất hiện trên lá lúa bằng những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt, về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, ở giữa màu xám tro, xung quanh màu nâu đậm. Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đạo ôn đang gây hại trên lá lúa, nếu không phòng trừ kịp sẽ lây lan và gây hại nặng từng chòm, thậm chí cả khu ruộng.
Theo quan sát của chị Soa, mấy sào lúa nhà chị đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái. Đây là thời điểm cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại, trong đó có bệnh đạo ôn. Thêm vào đó, thời tiết mấy ngày vừa qua có lạnh kèm theo mưa ẩm nên càng thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển. Với kinh nghiệm của mình, chị Soa thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, qua đó phát hiện diện tích nhỏ bị nhiễm đạo ôn trên lá lúa.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Hưng có đến 6ha diện tích lúa bị bệnh đạo ôn, một số ruộng mới xuất hiện các đốm trắng nhỏ, một số diện tích bị nặng cần phun thuốc phòng trừ. Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bệnh đạo ôn tiếp tục có chiều hướng tăng. UBND xã đã thông báo cho nhân dân nhận biết và mua thuốc phun để diệt trừ. Ông Đinh Thế Hiển, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: "Nghĩa Hưng có 110 ha lúa, hiện nay xuất hiện sâu bệnh, xã chỉ đạo bà con thường xuyên thăm đồng, vệ sinh đồng ruộng, mời cán bộ chuyên ngành của huyện thăm đồng ruộng thì thấy có 2-3 loại bệnh như: Bệnh vàng lá chín sớm, bệnh đạo ôn… bà con cần mua thuốc đúng chủng loại để phun cho đúng bệnh.”
Trước tình hình bệnh đạo ôn trên lá xuất hiện rải rác ở một số diện tích lúa xuân, ngành chức năng cũng đã cử cán bộ xuống các cơ sở để kiểm tra đồng ruộng và ra các văn bản thông báo về tình hình dịch bệnh cho các địa phương, đồng thời có những khuyến cáo cụ thể, giúp bà con nông dân chủ động trong phòng trừ bệnh hại trên cây lúa vụ xuân. Hiện nay, trên các trà lúa Xuân ở huyện Nghĩa Đàn đã xuất hiện Bệnh đạo ôn hại lá với tỷ lệ bệnh 3 – 5%, nơi cao 7% - 10%, cục bộ có ruộng 30- 40% tại xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Khánh, Nghĩa Hội, Nghĩa Thịnh....
Tổng diện tích nhiễm khoảng 35 ha. Bệnh xuất hiện và lan nhanh trên những chân ruộng bón phân không hợp lý, bón thừa đạm, ruộng thường xuyên mất nước. Cùng với đó, thời tiết có mưa nắng xen kẽ, sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Bệnh đạo ôn có đặc điểm là bệnh xuất hiện tập trung trên lá lúa. Ban đầu có những chấm nhỏ như đầu kim, có mầu xám xanh giống như bị luộc nước sôi, sau đó chuyển sang màu nâu, lan dần ra thành những vết hình thoi trên lá, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng lá. Khi bị bệnh nặng, nó làm lụi toàn bộ lá của cây lúa và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây lúa sau này, làm giảm năng suất nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời”.
Vụ xuân 2022, huyện Nghĩa Đàn gieo cấy gần 3.500 ha lúa. Hiện nay, do điều kiện thời tiết ấm, ẩm độ không khí cao thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng tốt nhưng cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Để hạn chế sâu bệnh gây hại, Phòng nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn đã đưa ra những khuyến cáo để bà con nông dân chủ động phòng trừ. Đối với những ruộng xuất hiện bệnh, bà con nông dân cần ngưng bón đạm và ngừng phun các loại phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng. Khi phun thuốc phải theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, khuấy đều cho thuốc tan hết và phun kỹ mỗi sào 20- 30 lít thuốc nước đã pha phun ướt đều thân, lá; phun xong gặp mưa nhất thiết phải phun lại. Còn đối với những diện tích bị bệnh đạo ôn hại nặng cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 - 5 ngày”.
Đây đang là thời kỳ sinh trưởng quan trọng của cây Lúa, nếu không phòng trừ sâu bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Ngành chuyên môn huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất./.