Ông Hương chia sẻ với phóng viên báo DANVIET.VN rằng, những năm trước gia đình ông thường thả các loại cá truyền thống, nhờ chăm sóc tốt nên năm nào cũng cho thu hoạch, năng suất đạt khá. Tuy nhiên, các loại cá truyền thống bán trên thị trường đem lại thu nhập không cao.
"Từ khi được sự hỗ trợ của khuyến nông tỉnh và thị xã, tôi chuyển hẳn sang nuôi cá lồng trắm, chép giòn.Tôi đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá trắm giòn, cá chép giòn được tập huấn tại trạm khuyến nông.Mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn phát triển tốt mang lại thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Hiện tại cũng có nhiều hộ từ các xã khác qua để học tập mô hình nuôi cá trắm giòn, cá chép giòn của gia đình chúng tôi”, ông Hương chia sẻ thêm
Đầu năm 2019, gia đình ông Hương đầu tư 30 triệu đồng làm 2 lồng cá kiên cố với diện 100m3 để nuôi cá lồng trên hồ đập. Lồng cá có diện tích chiều dài 4m và chiều rộng 6m và cao 2m, mỗi lồng khoảng 50m3 nước. Công suất thả nuôi của mỗi lồng từ 5 - 7 tấn cá chép và cá trắm. Các lồng được cố định bởi những khối bê tông sâu 3 – 4 m dưới lòng sông, đập nước.
Khi tham gia mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn, ông Hương được hỗ trợ 50% về con giống và 50% thức ăn, 1/3 tiền lồng nuôi. Sau khi thu hoạch gia đình ông sẽ được hưởng 100% tiền bán cá. Cá được nuôi trong lồng trên hồ, đập với nguồn thức ăn chủ yếu là đậu tằm (loại đậu tằm nhập ngoại, không phải loại đầu tằm thông thường) và nguồn thức ăn từ môi trường tự nhiên nên cá nhanh lớn.
Ông Hương cho biết: “ Kỹ thuật nuôi cá chép giòn, trắm giòn cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận của người nuôi từ khâu chọn cá giống đến khi thu hoạch, xuất bán. Trước hết phải cải tạo ao, đầm, hồ đập theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống phải có kích cỡ đồng đều, cá phải khỏe mạnh không mang mầm bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để đạt được tỷ lệ sống cao tránh hao hụt, cỡ cá giống thả ban đầu đối với loại cá trắm phải trên 1kg/con, cá chép trên 0,5 kg/con, mật độ thả phù hợp nhất là 5 – 7 con/m3 nước.”
Cá cá trắm, chép giòn từ lúc nhỏ đến lúc đạt trọng lượng khoảng 1kg được nuôi theo phương pháp thông thường, cho ăn các loại thức ăn mà từ trước đến nay người dân thường áp dụng. Lúc này, cá đã có lượng thịt vừa phải để có thể tạo giòn thịt từ nguồn thức ăn là hạt đậu tằm.
"Để tạo độ săn chắc, ăn giòn sần sật cho thịt cá chép, thịt cá trắm tôi sử dụng hạt đậu tằm làm thức ăn cho cá. Đây là loại đậu tằm đặc biệt có công dụng làm cho cá có chất lượng thịt ngọt, săn giòn. Cùng với chế độ thức ăn dinh dưỡng cao, tôi duy trì dòng nước chảy, tạo thêm oxy trong hồ, đập bằng máy sục. Làm cách này, cá bơi lội thỏa thích, tiêu hóa thức ăn và tạo độ giòn cho thịt được nhanh hơn", ông Hương tiết lộ.
Ông Đặng Thái Hòa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thái Hòa cho biết: “Thành công từ mô hình nuôi cá chép giòn, cá trắm giòn đã đem lại cho người dân một loại sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Cá trắm giòn, cá chép giòn cung cấp thêm cho thị trường Thị xã Thái Hòa và các địa phương khác trong tỉnh Nghệ An một dòng thực phẩm tươi sống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Chúng tôi luôn khuyến khích và hỗ trợ nông dân có những mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhu cầu của thị trường như thế này.”
Mỹ Hà
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc