Những năm gần đây, người nuôi hươu ở Quỳnh Lưu nuôi thêm nai vì trọng lượng của nai lớn gấp đôi so với hươu, tuổi thọ lại cao hơn. Mặt khác, ngoài nhu cầu sử dụng thêm lộc nai thì có nhiều thương lái đặt mua nguyên đầu và sừng nai để sấy khô làm vật trang trí phong thủy. Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 15.000 nghìn con hươu và nai thì nai có khoảng 550 con.
Gia đình anh Văn Đức Thành ở xóm 12, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu là một hộ chăn nuôi hươu có kinh nghiệm trong vùng. Tiếp nối truyền thống gia đình, anh Thành luôn duy trì trên dưới 100 con hươu, nai các loại. Trong đó hươu lấy lộc là 30 con, hươu cái sinh sản là 50 con và hươu giống từ 12 tháng tuổi là 20 con.
Mỗi năm cơ sở của anh Thành thu hoạch được hàng tạ nhung lộc, tiền lãi thu được khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra anh Thành còn liên kết với các hộ chăn nuôi hươu, nai trong vùng tập kết thu mua hươu, nai giống để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi hươu, nai trong huyện, trong tỉnh với số lượng từ 500 đến 600 con giống. Anh Thành cho biết: “Năm nay giá hươu, nai tăng thêm 5 triệu đồng/kg nên không đủ số lượng để cấp, kể cả lộc nhung và hươu con. Các gia đình ở đây đều đang tăng đàn để có thêm thu nhập".
Hươu, nai là loại động vật có nguồn gốc hoang dã được người dân huyện Quỳnh Lưu thuần dưỡng nuôi đại trà từ những năm 1990 cho đến nay. Có thời điểm đàn hươu, nai của huyện phát triển lên đến hơn 30.000 con.
Tuy nhiên, có thời kỳ hươu, nai rớt giá khiến người chăn nuôi thua lỗ. Đến năm 2005 trở lại đây con hươu, nai có giá trị trở lại, thị trường ổn định, người dân bắt đầu tái đàn, phát triển mạnh như hiện nay. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, hươu, nai là loại vật rất dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm chủ yếu là cỏ voi, lá cây, rau, khoai, ngô và cây chuối. Đây cũng là loại vật nuôi ít khi bị nhiễm dịch bệnh hơn lợn, trâu, bò.
Vào mùa Xuân từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch khi hươu, nai vào độ nảy lộc nhung, mỗi hộ chăn nuôi phải trồng từng vườn cỏ voi, đồng thời dự trữ nguồn thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho lộc nhung phát triển đạt chất lượng và trọng lượng theo yêu cầu.
Tính đến thời điểm này toàn huyện Quỳnh Lưu trên 15.000 con hươu, nai tập trung ở các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng. Sản lượng lộc nhung thu về khoảng 40 tấn, giá lộc nai 5 - 6 triệu đồng/kg, lộc hươu 13 - 14 triệu đồng/kg, người nuôi hươu, nai ở Quỳnh Lưu thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây giá lộc nhung hươu tăng mạnh từ 9 triệu đồng/kg lên 14 triệu đồng/kg đã giúp nhiều hộ nuôi giàu lên. Đồng thời với đó kéo theo nhu cầu cung cấp con giống tăng mạnh. Hiện nay ở các xã như Quỳnh Tân, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thắng đã thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi hươu, nai nhằm trao đổi kỹ thuật chăn nuôi, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm và trao đổi mua bán con giống cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh.
Anh Nguyễn Đức Thanh, thương lái thu mua nhung hươu ở phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) khẳng định: “Nhung hươu ở vùng miền núi Quỳnh Lưu rất chất lượng, được khách hàng các tỉnh khác ưa chuộng, còn con giống ở vùng này có sức đề kháng cao. Khách hàng rất tin tưởng vào thương hiệu hươu, nai Quỳnh Lưu".
Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Những năm gần đây số lượng hươu, nai của huyện đều tăng trưởng 10 - 15%/năm. Giá trị nhung hươu, nai tăng ổn định nên huyện đang có chính sách khuyến khích các hộ dân tiếp tục tăng tổng đàn. Trong chính sách của huyện nếu hộ dân nào phát triển tổng đàn hươu, nai thêm 20 con mới trong 1 năm thì hỗ trợ 5 triệu đồng".
Cả hươu và nai đều nuôi theo chế độ giống nhau. Tuy nhiên, lộc nai có giá từ 5,5 - 6 triệu đồng/kg, trong khi đó giá lộc hươu từ 9 - 14 triệu đồng/kg. Sở dĩ giá lộc hươu cao hơn vì giá trị dinh dưỡng cao hơn mặc dù về trọng lượng lộc hươu thấp lộc nai, bình quân mỗi lần cắt lộc nai đạt trọng lượng 2 -2,5 kg/con, hươu đạt trọng lượng từ 0,8 - 1,2 kg/con.
Nhóm P.V
Nguồn tin: baonghean.vn
Ý kiến bạn đọc