NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Điểm mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Nghệ An
Thứ hai - 08/11/2021 20:331.3120
(Hội NDNA) - Để người lao động vừa có kiến thức vừa có vốn và được thực hành trải nghiệm phát triển kinh tế trực tiếp trên chính ruộng của mình, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Nghệ An (GDNN) đã có những sáng tạo, đổi mới trong phương pháp giảng dạy và đào tạo.
Phương pháp đào tạo “3 phối hợp”
Xác định việc mở các lớp dạy nghề không chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà phải gắn với nhu cầu thực tiễn, bảo đảm hội viên, nông dân sống được với nghề mà mình đã chọn sau đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền của. Các lớp học nghề mở ra phải được áp dụng ngay vào thực tế bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế nhằm góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và hướng đến thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp cùng liên kết với nhau trong quá trình sản xuất tạo nên những sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của địa phương, phát triển theo chuỗi hàng hóa thị trường.
Để hội viên, nông dân phát triển kinh tế trên chính những mảnh ruộng của mình, ứng dụng được kiến thức sau đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và GDNN đã hướng đến mô hình “3 phối hợp”: “đào tạo - vốn – mô hình” trên tinh thần tư vấn, hướng dẫn cho nông dân xác định ngành nghề và đăng kí tham gia học nghề gắn với phát triển kinh tế xã hội, những nghề có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa cho thu nhập cao, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thực hiện Quyết định 1956 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, năm 2020, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp mở 206 lớp đào tạo nghề cho 6.785 lao động nông thôn, trong đó Trung tâm trực tiếp mở 36 lớp đào tạo nghề cho 1.342 học viên. Trước khi xác định đào tạo nghề cho hội viên, nông dân Trung tâm Hỗ trợ nông dân và GDNN cũng đã có phương án hỗ trợ về nguồn vốn để triển khai mô hình kinh tế, lý thuyết đi liền với thực hành và được hỗ trợ tối đa “cầm tay chỉ việc” trong quá trình thực hiện mô hình của các học viên.
Một số mô hình điển hình mà Trung tâm đã xây dựng như: Mô hình làm nhà màng dưa lưới, rau, hoa quả tại xã Đại Sơn (Đô Lương), xã Cao Sơn (Anh Sơn), xã Thanh Tiên (Thanh Chương); Mô hình gà sinh học tại xã Nhân Sơn (Đô Lương), xã Đông Hiếu (Thị xã Thái Hòa); Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Nghi Tiến (Nghi Lộc); Mô hình chăn nuôi gà J-DABACO tại xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên)…
Cụ thể mô hình chăn nuôi gà J-DABACO của 03 hộ nông dân trên địa bàn 2 xã Hưng Yên Nam, Hưng Trung (Hưng Nguyên) được cấp 4.000 con gà giống J-DABACO. Các hộ tham gia đã được đào tạo về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học và công tác chăm sóc phòng bệnh cho gà, đồng thời được hỗ trợ về thuốc thú y, dụng cụ chăn nuôi và thức ăn ban đầu với tổng số tiền hơn 133 triệu đồng. Cùng với đó là sự đồng hành sát sao của cán bộ Trung tâm trong vai trò là người đặt nền móng, hướng dẫn suốt cả quá trình triển khai mô hình.
“Hội Nông dân đã quan tâm lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình dự án để đầu tư hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông dân. Trung tâm đã trực tiếp hỗ trợ vật tư, máy móc thiết bị, con giống, thức ăn chăn nuôi và xây dựng các mô hình có ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”, ông Đặng Văn Bằng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và GDNN cho biết.
Lồng ghép đào tạo nghề với toàn vệ sinh thực phẩm, phổ biến chính sách pháp luật
Để tất cả mọi người dân đều được thụ hưởng những sản phẩm nông nghiệp sạch, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và GDNN đã gắn các chương trình đào tạo với an toàn vệ sinh thực phẩm, những quy định của pháp luật để người học hiểu rõ hơn trong sản xuất, chế biến để không vi phạm pháp luật.
Tham gia sản xuất, các hội viên, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cây trồng từ khâu chuẩn bị đất, ươm giống, quy trình bón phân, sử dụng thuốc đến tthu hoạch. Đối với chăn nuôi từ khâu bắt đầu lựa chọn con giống đến việc phòng bệnh, thức ăn đến chuồng trại,…Đối với các mô hình chế biến sạch từ khâu lựa chọn thực phẩm đến dụng cụ, máy móc phải được vệ sinh sạch sẽ, phụ gia chế biến,…
Được tham gia lớp đào tạo nghề của Trung tâm và hỗ trợ 1.600 con giống gà J-DABACO, thức ăn cho gà, gia đình hội viên Nguyễn Thị Vỹ ở xóm Ba Bốn xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) phấn khởi nói: “Dù đã có kinh nghiệm nuôi gà nhưng giờ được Trung tâm đào tạo, bổ sung thêm những kiến thức mới về chăn nuôi gà cũng như được hỗ trợ con giống, thức ăn về áp dụng vào hiệu quả hẳn. Đặc biệt trong quá trình dạy, cán bộ giảng dạy rất chú ý đến việc chăn nuôi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, định hướng tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật trong sản xuất và chế biến”.
Nhằm hỗ trợ cho nông dân tiếp cận khoa học kĩ thuật, các cấp Hội đã tăng cường phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp,… tổ chức tập huấn cho hội viên nông dân. Năm 2020, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 1.650 lớp tập huấn với 86.500 hội viên nông dân tham gia, trong đó Trung tâm trực tiếp tổ chức 18 lớp với 1.096 hội viên.
Quá trình đào tạo luôn gắn với nội dung ngoại khóa về an toàn vệ sinh thực phẩm vào toàn bộ chương trình tổ chức dạy nghề, trang bị kiến thức pháp luật, chính sách để các hội viên nắm rõ hơn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch. Gắn với giảng dạy kiến thức trên lớp là các cuộc tổ chức đi tham quan mô hình thực tế để cùng tìm hiểu, củng cố thêm kiến thức chuẩn bị tốt cho quá trình xây dựng và phát triên mô hình từ chính nghề mà mình được đào tạo. Cùng với đó, việc đào tạo nghề còn phát huy được vai trò của tổ chức Hội cơ sở trong việc quản lý, duy trì về nề nếp học tập.
Vừa qua, Trung tâm đã hỗ trợ các thiết bị, nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất chế biến nước mắm tại 2 xã Nghi Yên (Nghi Lộc) và Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) để từ đó nhằm chủ động đầu tư thực hiện đúng quy trình, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, là yếu tố quan trọng để sản phẩm ngày càng phát triển, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng, đem lại hiệu quả bền vững cho người sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống địa phương.
Bên cạnh lồng ghép các chương trình trong đào tạo, các cấp Hội còn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm qua các hội thảo, hội thi, lớp tập huấn, sinh hoạt, phát động phong trào nông dân Nghệ An sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn. Năm 2021, Hội đã khai trương 3 “cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn” tại huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Thanh Chương.
Những hoạt động thiết thực của các cấp Hội Nông dân về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong thực hiện cuộc vận động “Nông dân Nghệ An nói không với thực phẩm bẩn” góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và vì một nền nông nghiệp sạch.