Cùng tham gia đoàn có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; các đồng chí lãnh đạo ban chuyên môn tỉnh Hội, Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên.
Cánh đồng rươi ở Châu Nhân Hưng, Hưng Nguyên.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở những thửa ruộng nơi đây là những tấm lưới trải dài, thẳng tắp trên khắp các cánh đồng. Trước đây cả làng cùng đi vớt rươi, nhưng từ khi đặc sản này mang lại giá trị kinh tế cao, các hộ dân đã trải lưới để vừa đánh dấu vùng rươi của từng hộ, vừa là vật dụng sẽ khiến rươi bám vào mỗi khi nước rút. Trong cánh đồng, cũng chỉ có ở những vùng bờ, thửa ruộng gần con nước lên xuống mới có rươi. Những nhà có ruộng vùng này đắp bờ ruộng cao lên quá mặt nước, tháo cho nước chảy qua một ruộng khác để giăng lưới hứng rươi.
Châu Nhân hiện có khoảng 50 ha đồng ruộng có rươi, tập trung tại các xóm 1, 2, 6, 7, 8. Thời điểm chình vụ của rươi là vào khoảng thời gian rằm tháng 10 (Âm lịch). Mỗi năm chỉ hai tháng có rươi. Nhưng không phải đêm nào cũng có rươi.
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm cánh đồng rươi
Rươi là thực phẩm giàu đạm, chế biến được nhiều món ăn ngon như: luộc, kho, xào, cuốn lá lốt, nấu canh măng… Trong những món rươi tươi, chả rươi là một món ăn hấp dẫn.
Chả rươi, món đặc sản nổi tiếng ở Châu Nhân
Rươi vàng, béo mập là đặc điểm nổi bật của rươi Hưng Nguyên khác với rươi xanh ở đồng bằng Bắc Bộ
Đặc tính của rươi chỉ có thể thu hoạch 1 vụ/năm. Do đó, các gia đình đều trồng thêm lúa vào vụ chiêm để tránh lãng phí ruộng. Tuy nhiên, vụ lúa này trồng hoàn toàn tự nhiên, không phân bón, không thuốc trừ cỏ, không thuốc trừ sâu. Mục đích chính là để làm tơi xốp đất và dùng cuống rạ cuối mùa làm thức ăn cho rươi. Chỉ cần có một ít chất hóa học rươi sẽ không vào. Loài rươi có đặc tính chỉ xuất hiện ở những vùng đất và nước sạch, không bị ô nhiễm bởi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Lúa gạo thu hoạch được từ ruộng ươi thực sự là gạo sạch. Vì vậy, phát triển thương hiệu “gạo sạch ruộng rươi” là hướng đi mà Hội Nông dân huyện và chính quyền địa phương nên nghĩ đến để tăng giá trị nông sản, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Cánh đồng rươi của bà con Hưng Nguyên mỗi năm mang lại hàng tỷ đồng cho người dân, gấp cả trăm lần trồng lúa, trồng màu.Với người dân “làng rươi” Châu Nhân, công việc thu hoạch rươi quan trọng hơn trồng lúa. “Trồng lúa thì cho vui vậy thôi, vụ chiêm thì đủ gạo ăn, chứ vụ mùa không đủ tiền thuê máy dập, máy gặt. Cả năm người dân ở đây cũng chỉ mong đợi mấy ngày rươi” - một người dân làng cho hay.
Đến mùa "đi rươi" thì hầu như cả nhà tập trung đi vớt rươi. Trung bình mỗi đêm, mỗi hộ vớt được từ 1 - 3 kg rươi, cao điểm, có người vớt được cả yến rươi. Bán tại ruộng cũng được 4 - 5 triệu đồng. Người dân cho biết, có năm một hộ dân trên địa bàn đã bắt được cả tạ rươi trong một đêm, thu được hàng chục triệu đồng. Ngày nay, dụng cụ đánh bắt đã có nhiều cải tiến, nhưng công việc bắt rươi vẫn phải lăn lộn giữa đêm khuya, thức cùng mưa dầm, gió rét.
Xã Châu Nhân nằm trong vùng rốn lũ của huyện Hưng Nguyên, hàng năm cứ đến mùa mưa bão, người dân ở đây phải gồng mình chống chọi và chịu nhiều thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Dường như, thiên nhiên đã ban tặng cho người dân thứ ‘lộc trời” này, để sinh nhai, để bù đắp cho những khó khăn, hoạn nạn mà người dân nơi đây phải gánh chịu.