Bức tranh 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc và đi vào chiều sâu của phong trào
Toàn cảnh hội nghị sơ kết
Trong 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực cao của cán bộ hội viên, nhất là ở cơ sở, công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 có chuyển biến khá toàn diện, trong đó có nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, đạt được kết quả nổi bật.
Công tác tuyên truyền vận động nông dân chú trọng chiều sâu và tính hiệu quả, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ công tác Hội và phong trào nông dân ở các cấp, cổ vũ phong trào thi đua làm giàu, giảm nghèo bền vững trong hội viên, nông dân. Chú trọng phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hội viên tiếp cận, thực hiện. Chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030"…
Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2024
Vận động nông dân đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nông sản; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình kinh tế hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cấp hội với cơ quan truyền thông được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả thiết thực; hoạt động tuyên truyền trên nền tảng số và mạng xã hội tiếp tục được chú trọng. Có hàng trăm tin, trên 130 bài, phóng sự phản ánh về hoạt động hội và phong trào nông dân trong tỉnh. . Hội Nông dân các huyện, thành thị phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện đăng trên 480 tin, bài trên sóng phát thanh, truyền hình và bản tin nội bộ.
Ra mắt tổ hội nông dân nghề nghiệp ở Con Cuông
Tổ chức cơ sở hội được chăm lo. Việc xây dựng, phát triển chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, kết nạp hội viên tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả cao nhất trong vòng 5 năm qua; nề nếp sinh hoạt chi hội tốt hơn; công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội có nhiều tiến bộ. Sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập được 4 chi hội nông dân nghề nghiệp, 64 tổ hội nông dân nghề nghiệp; kết nạp được 5177 hội viên.
Vai trò của tổ chức Hội trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được khẳng định rõ nét hơn; xuất hiện nhiều gương sản xuất, kinh doanh giỏi, mô hình kinh tế, xã hội hiệu quả. Tất cả 21 huyện, thành, thị hội chỉ đạo tổ chức phát động, có 268.666 hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 102% chỉ tiêu giao).
Phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững tại xã Hưng Chính, thành phố Vinh, Nghệ An.
Hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân tiếp tục được mở rộng, hoạt động hỗ trợ vốn, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân được tăng cường. Các cấp hội đã phối hợp doanh nghiệp cho trên 175.000 lượt hội viên nông dân vay hơn 15.200 tấn phân bón các loại, 82 tấn thức ăn chăn nuôi, 78 nghìn con giống gia cầm, hàng ngàn cây giống, giá trị cho nông dân vay đạt trên 118 tỷ đồng. Tăng trưởng Quỹ HTND trong 6 tháng đầu năm đạt 8,4tỷ đồng (Trong đó: Nguồn Ngân sách tỉnh cấp 5 tỷ đồng, Trung ương ủy thác 1 tỷ đồng, Ngân sách huyện cấp 2,4 tỷ đồng), đưa tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh lên 111,2 tỷ đồng, đang triển khai cho vay ở 429 dự án, với 2.226 hộ vay.
Kiểm tra hoạt động nhận ủy thác Ngân hàng CSXH tại huyện Thanh Chương
Tính đến thời điểm 31/5/2024, Hội Nông dân tỉnh nhận ủy thác qua Ngân hàng Chính sách - xã hội với tổng dư nợ là 3.758 tỷ đồng (tăng so với đầu năm là 125 tỷ đồng), cho 67.603 đối tượng vay thuộc 1.781 tổ TK&VV; nợ quá hạn chỉ còn 0,03%; tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nông dân vay vốn đến nay, tổng dư nợ là 2.250 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho nông dân vay vốn đạt 32,078 tỷ đồng.
Phong trào xây dựng “Vườn chuẩn nông thôn mới”, “Vườn mẫu nông dân”, Đề án “Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”; phong trào sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được triển khai hiệu quả, đạt kết quả cao nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. 6 tháng đầu năm 2024, xây dựng được 654 hàng cây, 54 vườn cây. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội xây dựng được 262 vườn theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới. các cấp hội xây dựng được 546 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và sản xuất được trên 25.000 tấn phân hữu cơ để phục vụ sản xuất.
Hàng cây nông dân ơn Bác tại Hưng Nguyê
Các mô hình do hội nông dân các cấp chỉ đạo xây dựng hàm lượng KHKT ngày càng nhiều, phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao được quan tâm, đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế tập thể sản xuất theo chuỗi giá trị.
Việc hỗ trợ quảng bá nông sản cho nông dân được các cấp hội chú trọng, 6 tháng đầu năm chỉ đạo hỗ trợ xây dựng được 6 cửa hàng nâng tổng số lên 16 cửa hàng kinh doanh nông sản sạch hoạt động có hiệu quả, tổ chức trên 471 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân, với nhiều cách làm hay, sáng tạo bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng, tính chủ động trong tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức doanh nghiệp của các cấp hội được nâng lên.
Nỗ lực thực hiện thành công nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sơ kết, đồng chí Nguyễn Quang Tùng, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm, lưu ý nhằm khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh phong trào đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; đồng chí nêu rõ những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, về công tác văn phòng hành chính và báo cáo về tỉnh Hội, đề nghị các đơn vị lưu ý xem xét tính thuyết phục của các số liệu đưa vào trong báo cáo của các huyện, thành, thị; hoàn thành việc thực hiện quy định về chữ ký số.
Thứ 2, về công tác tuyên truyền việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và dư luận xã hội của hội viên, nông dân để phản ánh lên các cấp chính quyền địa phương và tổ chức hội cấp trên; triển khai có hiệu quả cuộc thi video clip “Nông dân Nghệ An với Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam”; tích cực tham gia giải bóng chuyền cán bộ chuyên trách nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội NDVN; Tuyên truyền cán bộ, hội viên, nông dân đọc và làm theo báo Đảng và báo Hội.
Thứ 3, nhằm tôn vinh tổ chức và người nông dân, trình Tỉnh ủy tổ chức ngày hội nông dân vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội; Đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt Hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ trong hội viên, nông dân. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Hội hiệu quả, thiết thực.
Thứ 4, đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Hội, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức chi hội; trong đó có tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp thành lập ra phải hoạt động thường xuyên và hoạt động có hiệu quả. Chuẩn bị cho Kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương chi hội trưởng nông dân xuất sắc; đặc biệt các cấp hội quan tâm sắp xếp tổ chức hội, cán bộ hội sau khi sáp nhập cấp xã và huyện; Đẩy mạnh tư vấn,phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân
Thứ 5, quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã vì đây được xác định là một trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết của Đại Hội Đại biểu Hội Nông dân toàn quốc khóa VIII và cũng là nhằm thực hiện theo lời Bác Hồ dặn.
Thứ 6, về hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân: hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo đúng nội dung Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Điều 6 Nghị định 37/2023/NĐ-CP; nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH.