NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Hội Nông dân Nghệ An thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư
Thứ sáu - 05/07/2024 05:504080
(Hội NDNA) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, Hội Nông dân (HND) tỉnh Nghệ An đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội, thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng phát triển.
Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo từ vốn vay tín dụng
Từ nguồn vốn vay tín dụng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính “bờ xôi ruộng mật” của mình.
Có thể nói, các chương trình chính sách tín dụng được triển khai qua tổ chức Hội đều mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm, từ năm 2014 đến nay đã giúp hơn 35 nghìn hộ nghèo thoát nghèo. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên của tỉnh Nghệ An giảm từ 5,2% năm 2014 xuống còn 1,66% năm 2023; Cũng từ vốn tín dụng đã giúp gần 36 nghìn lượt hộ được vay vốn xây dựng và sửa chữa nhà ở; hơn 18 nghìn lượt hộ vay cho con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; hơn 70 nghìn lượt hộ vay xây dựng hệ thống nước sạch bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trong niềm vui chung đó, chị Vy Thị May Xúng ở bản Mánh (xã Bắc Sơn – Quỳ Hợp) cho biết, năm 2016 chị vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo về mua một cặp bò sinh sản. Đến năm 2019 gia đình chị đã trả xong khoản vay trước đó và tiếp tục được vay thêm. Từ số vốn đó, gia đình chị đã đầu tư vào chăn nuôi bò, trồng keo. Cho đến nay, đã nâng tổng số đàn bò của gia đình lên 14 con, vườn keo cũng sắp đến ngày thu hoạch. “Thời gian tới, tôi sẽ xây thêm chuồng nuôi dê vừa nâng cao thu nhập vừa tận dụng những nguyên liệu sẵn có quanh nhà”, chị Xúng cho biết thêm.
Hiện nay, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) đang có 300 hộ vay vốn chính sách xã hội, dư nợ hơn 22 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ người dân được tiếp cận nguồn vốn phù hợp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài ra, để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các cấp Hội đã phối hợp với các cấp, ngành, các công ty, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ nông dân, tổ chức tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 200 nghìn lượt hộ hội viên nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn uỷ thác của ngân hàng CSXH. Cùng với đó, công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Có thể nói, thông qua uỷ thác đã giúp ngân hàng CSXH thực hiện chủ trương công khai hoá, dân chủ hoá và xã hội hoá hoạt động tín dụng, giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí quản lý, công tác quản lý nợ, thu lãi, thu gốc... Bên cạnh đó, công tác nhận uỷ thác đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội, năng lực quản lý tài chính của đội ngũ cán bộ hội các cấp không ngừng được nâng lên, tạo điều kiện để tổ chức Hội tập hợp và đoàn kết nông dân, thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng hiệu quả.
Tín dụng hiệu quả - vai trò người đứng đầu của tổ chức Hội.
Trên thực tế, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trở thành công cụ thiết thực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CTTW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 17/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An; Kế hoạch số 463/KH-UBND ngày 30/7/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận uỷ thác Ngân hàng CSXH tại các cấp Hội trong tỉnh; Ban hành các công văn chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham gia các hoạt động do Ngân hàng phát động, như Hội thi “Nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ”, cuộc thi “Tìm hiểu về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư”…
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng phát huy tốt hiệu quả, công tác quản lý nguồn vốn tốt cũng đóng vai trò rất quan trọng. Sau 10 năm phối hợp (2014 – 2024) hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả tích cực, dư nợ qua tổ chức Hội tăng cả về số lượng và chất lượng. Cuối năm 2014, tổ chức Hội tiếp nhận từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.957 tỷ đồng, nợ quá hạn 0,23%; đến tháng 3/2024, dư nợ đạt 3.758 tỷ đông, nợ quá hạn chỉ còn gần 0,04%. Vận động trên 97% thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Tỷ lệ thành viên nộp vốn, lãi lại đúng kỳ hạn của các tổ đạt trên 95%. Các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn để có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những tổ xếp loại trung bình, yếu kém. Tỷ lệ tổ xếp loại tốt đạt trên 90%.
Công tác phối hợp thời gian qua còn có một số tồn tại, hạn chế nhưng nhìn chung đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Đặc biệt là “các cấp Hội đã lồng ghép hoạt động tín dụng CSXH với các Chương trình, dự án của các cấp Hội trong việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả từ việc liên kết các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún lại với nhau thành các tổ hợp tác, tổ liên kết, tổ Hội nghề nghiệp để sản xuất, kinh doanh tập trung nhằm tạo ra sản phẩm chung có chất lượng…”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh.
Để công tác phối hợp đạt được như kỳ vọng trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam: Tăng mức cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường đảm bảo kinh phí để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt; Tổ chức khảo sát để phân bổ vốn cho đối tượng vay phù hợp với nhu cầu thực tiễn và phát huy tốt hiệu quả sử dụng vốn: Hiện nay tại Nghệ An nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm; sản xuất kinh doanh và xây dựng mô hình đang rất cần thiết, trong lúc nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng này còn rất thiếu.