Đơn giản, minh bạch hóa việc công nhận giống cây trồng

Thứ sáu - 20/12/2019 03:53
Đơn giản, minh bạch hóa việc công nhận giống cây trồng
Đến thời điểm này, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ 1/12020) đã được hoàn thiện và ban hành, bao gồm 2 Nghị định và 4 Thông tư. Mới nhất, ngày 13/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Theo đó, lĩnh vực trồng trọt có 14 thủ tục hành chính, trong đó 1 thủ tục hành chính là chuyển đổi đất lúa do địa phương chịu trách nhiệm giải quyết. “Việc Luật Trồng trọt ra đời và chúng ta hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Trồng trọt sẽ tạo ra một bước chuyển mới trong việc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt, bao gồm giống cây trồng và canh tác” - ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá.

Theo ông Cường, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT, tất cả các cơ chế, chính sách về mặt thủ tục hành chính đều phải đơn giản, minh bạch hóa và giảm bớt các thủ tục hành chính, đồng thời giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Với định hướng như vậy, nhiều thủ tục và quy trình đã được đơn giản hóa, giảm thiểu thời gian, chi phí và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

 

don gian, minh bach hoa viec cong nhan giong cay trong hinh anh 1

Thực hành ghép mắt cây cà phê giống. Ảnh: K. Lực

Đơn cử, trước đây, để công nhận một giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh phải trải qua rất nhiều khâu như: khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm sản xuất, rồi khảo nghiệm cơ bản, sau đấy được Cục Trồng trọt cho phép sản xuất thử; Sau khi sản xuất thử thì mới được công nhận chính thức. Còn trong quy định mới của Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, việc công nhận giống chỉ cần khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng – hai khảo nghiệm này có thể tiến hành song song và một khảo nghiệm bắt buộc nữa là khảo nghiệm kiểm soát đối với những sâu bệnh chủ yếu, quan trọng, ví dụ trên cây lúa là đạo ôn, rầy nâu, bạc lá…

“Sau khi các cơ quan, tổ chức cá nhân là chủ của giống cây trồng khi thực hiện khảo nghiệm diện rộng, diện hẹp và khảo nhiệm có kiểm soát đủ điều kiện được công nhận là giống thì Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sẽ ban hành một quyết định công nhận lưu hành, trong đó ghi rất minh bạch tất cả các đặc điểm của giống, thời gian tăng trưởng, năng suất, biện pháp canh tác, khả năng chống chịu với sâu bệnh (rầy nâu, đạo ôn, bạc lá…). Tất cả các thông tin này rất rõ ràng, minh bạch. Các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu giống cũng chỉ được quảng cáo trong phạm vi đã được ghi trong giấy chứng nhận” – ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, việc đổi mới cách thức quản lý cũng như đơn giản, minh bạch hóa trong việc công nhận giống cây trồng theo quy định mới đã góp phần giảm thời gian, chi phí khi giống mới được công nhận. Trước đây, trung bình một giống cây ngắn ngày được công nhận ít nhất mất từ 3 đến 3 năm 6 tháng, nay thời gian này có thể rút ngắn đáng kể.

Liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng, ngày 15.11, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 17/2019/TT-BNNPTNT ban hành danh mục loài cây trồng chính, bao gồm: lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối. Danh mục loài cây trồng chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Việc ban hành quy định này sẽ góp phần tạo điều kiện để quản lý, kiểm soát việc sản xuất giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng giống các cây trồng chính tại Việt Nam.

Hiện nay, trồng trọt là lĩnh vực sản xuất quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống cho nông dân và gia tăng giá trị xuất khẩu. Tính trong 11 tháng, nhóm nông sản chính đã đóng góp 17 tỷ USD và là lĩnh vực có đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành NN&PTNT.

Gồm 7 chương, 85 điều, Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp. Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước; quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phát huy lợi thế vùng, gắn với bảo tồn các giống cây trồng đặc sản, bản địa; bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, các di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Khương Lực

Nguồn tin: doluong.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập132
  • Hôm nay7,703
  • Tháng hiện tại324,736
  • Tổng lượt truy cập14,978,630
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây