NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nội dung cốt lõi 3 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII
Thứ hai - 11/05/2020 23:222.3600
(Hội NDNA) - Ngày 05/8/2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành 3 Nghị quyết về công tác xây dựng Hội nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Nghị quyết Số 04 – NQ/HNDTW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
*Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết: Nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại; Xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém trong hoạt động của Hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển hội viên, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản, khả năng tổ chức sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam; Xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để tạo lập nhanh các yếu tố tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
*Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết:
1. 100% cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
2. Hằng năm, mỗi Hội Nông dân cấp huyện chỉ đạo thành lập mới được 01 chi Hội Nông dân nghề nghiệp trở lên.
3. Hằng năm, mỗi cơ sở Hội thành lập mới được 2 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trở lên.
4. Hằng năm, mỗi Hội Nông dân cấp huyện hướng dẫn thành lập mới được 1 hợp tác xã, mỗi cơ sở Hội hướng dẫn thành lập mới được 2 tổ hợp tác trở lên trên cơ sở phát triển từ chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
5. Phấn đấu đến năm 2023, thành lập được chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp ở 50% các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương.
*Có 7 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết, đó là:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo để nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực trí tuệ về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
2. Đẩy mạnh thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp mới trong các thôn, bản, khu vực dân cư, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị.
3. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hiện có theo định hướng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
4. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng Nông dân nghề nghiệp, tổ trưởng tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
5. Tăng cường hỗ trợ, tập trung nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
6. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan, các ngành, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để tư vấn, hỗ trợ cho nông dân.
7. Tích cực tham mưu đề xuất để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp và tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Nghị quyết Số 05 – NQ/HNDTW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam.
*Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết: Xây dựng lực lượng hội viên nông dân có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp; phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên; nâng cao sức khỏe, trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kỹ năng tham gia thị trường, tự chủ và chủ động trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của hội viên nông dân; phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, quyết tâm vươn lên làm giàu cho cho gia đình, quê hương, đất nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội và đa dạng các hình thức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội gắn tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết nông dân với nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên nông dân. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc của hội viên nông dân để kiến nghị với Đảng, Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho nông dân; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút, kết nạp hội viên. Đẩy mạnh phát triển hội viên, chú trọng phát triển hội viên là ngư dân, diêm dân, dân tộc thiểu số, nông dân vùng có đạo; mở rộng đối tượng kết nạp là giám đốc hợp tác xã/chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã, các doanh nhân nông nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, trí thực trẻ là con em nông dân. Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định về công tác quản lý hội viên nhằm nâng cao chất lượng hội viên và chất lượng hoạt động của cơ sở Hội.
*Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết:
1. 100% cán bộ, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến, học tập về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của Hội Nông dân.
2. Hằng năm kết nạp được 240.000 hội viên mới trở lên.
3. Tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thường kỳ và các hoạt động của Hội đạt 80% trở lên.
4. Có 85% hội viên nông dân trở lên được tiếp cận và tham dự các lớp tập huấn về những kiến thức cần thiết, về thông tin, thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và các vấn đề về văn hóa, xã hội…
5. 100% cơ sở Hội, chi Hội, tổ Hội có đầy đủ sổ sách quản lý, theo dõi, cập nhật tình hình hội viên theo hướng dẫn của Trung ương Hội; 100% hội viên nông dân được phát thẻ hội viên.
6. Phấn đấu đến năm 2023, 100% Hội Nông dân cấp huyện, tỉnh, trung ương và trên 50% cơ sở Hội thực hiện kết nối phần mềm quản lý hội viên.
7. Hằng năm có từ 3,5 triệu hội viên nông dân trở lên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp; 100% cơ sở hội giới thiệu được hội viên nông dân ưu tú cho các cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng.
* Có 5 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết, đó là:
1.Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong cán bộ, hội viên, nông dân.
2. Đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp hội viên, nông dân; mở rộng đối tượng phát triển hội viên.
3. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội; nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên.
4. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hội viên nông dân.
5. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp Hội, đảm bảo sự tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống.
Nghị quyết Số 06 – NQ/HNDTW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là: Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam các cấp nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương đến cấp xã có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, uy tín, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có cơ cấu hợp lý về giới tính, dân tộc, ngành nghề, vùng miền; bảo đảm sự kế thừa liên tục và vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Nông dân Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết:
1. Có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận.
2. Phấn đấu đến năm 2023 có 100% chủ tịch Hội Nông dân cấp xã có trình độ lý luận chính trị trung cấp, trình độ chuyên môn đại học và được tập huấn nghiệp vụ công tác vận động quần chúng.
3. 100% cán bộ chi Hội, tổ Hội được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp và kỹ năng, phương pháp công tác Hội.
4. Phấn đấu ít nhất từ 40% cán bộ chuyên trách Hội Nông dân cấp trung ương và cấp tỉnh biết sử dụng 01 ngoại ngữ trong giao tiếp.
5. Trên 80% chủ tịch Hội Nông dân cấp xã ở vùng biên giới biết sử dụng ngôn ngữ nước láng giềng.
6. Đảm bảo cơ cấu giới tính, dân tộc, ngành nghề, vùng miền, độ tuổi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Nông dân Việt Nam đề ra.
Có 5 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết, đó là:
1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Hội.
2. Làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn, tuyển chọn, bố trí, phân công, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ từ trung ương tới cơ sở Hội.
3. Ban hành và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về công tác cán bộ của Hội Nông dân Việt Nam.
4. Nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Hội các cấp.
5. Chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp ủy và tổ chức đảng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định.