Theo Luật Căn cước công dân, từ ngày 1/1/2020, công dân trong cả nước sẽ được cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân (chứng minh thư).
Cụ thể, điều 38 Luật căn cước công dân chỉ rõ: Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Đồng thời, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Như vậy, theo quy định trên, chứng minh nhân dân sẽ được chuyển sang thẻ căn cước áp dụng trên cả nước từ 1/1/2020. Hiện đã có 16 tỉnh thành thực hiện.
Trong trường hợp làm thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân hết hạn hoặc chứng minh nhân dân bị mất thì người dân sẽ được cấp thẻ căn cước công dân, thay vì chứng minh nhân dân.
Bên cạnh đó, theo quy định trong Thông tư 48/2019 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự cấp thẻ căn cước công dân có hiệu lực từ 18/11/2019, Bộ Công an quy định công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân, trong thời gian chờ cấp (trong 7 ngày), được phép cấp giấy hẹn và giữ chứng minh thư cũ để giao dịch mà không phải cắt góc như hiện hành.
Chỉ khi được trả thẻ căn cước công dân, chứng minh thư cũ mới bị cắt góc phía trên bên phải mặt trước mỗi cạnh góc vuông là 2cm.
Căn cứ vào Điểm b, Khoản 5, Điều 42 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2018, từ ngày 01/01/2020 ghi rõ: "Chậm nhất đến ngày 1 tháng 1 năm 2020, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia bảo hiểm y tế”.
Thẻ BHYT điện tử sẽ được làm bằng nhựa, kích cỡ tương đương thẻ ATM. Thẻ được gắn chip điện tử lưu trữ thông tin người tham gia, thuận lợi cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh khi toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh được lưu lại trên thẻ. Đây được xem là một bước đột phá của ngành bảo hiểm xã hội.
Mẫu thẻ bảo hiểm y tế điện tử
Thẻ BHYT điện tử có nhiều ưu việt so với thẻ giấy đang sử dụng hiện nay. Do các dữ liệu, dấu hiệu nhận biết như vân tay, hình ảnh khuôn mặt, dấu hiệu nhận dạng cá nhân đã tích hợp đầy đủ trong thẻ nên thẻ không cần phát hành lại.
Ngoài ra, toàn bộ lịch sử bệnh tật của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ cũng thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng không cần mang theo giấy tờ tùy thân, giúp tránh được việc trục lợi quỹ BHYT, mượn thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, khi sử dụng thẻ BHYT điện tử người dân cũng có thể nộp tiền BHYT qua thẻ ATM, Internet Banking, tra cứu thông tin đóng, hưởng BHYT.
Trong giai đoạn chuyển đổi sang thẻ điện tử, BHXH Việt Nam vẫn bảo đảm đầy đủ các quyền lợi người bệnh.
Bộ GTVT ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó sửa đổi một số quy định về mẫu giấy phép lái xe (GPLX).
Cụ thể, việc cấp giấy phép lái xe mới được sửa đổi, bổ sung như sau: Từ ngày 1/6/2020, sẽ cấp giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin và liên kết với hệ thống quản lý giấy phép lái xe.
Những giấy phép được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép.
Tại thông tư trên cũng nêu rõ quy cách của GPLX mới gồm các đặc điểm:
- Có kích thước 85,6 x 53,98 x 0,76 mm;
- Tiêu đề "GIẤY PHÉP LÁI XE/ DRIVER’S LICENSE", "CÁC LOẠI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ ĐƯỢC ĐIỀU KHIỂN", chữ "Số/No." và "Ngày trúng tuyển" có màu đỏ, các chữ khác màu đen;
- Từng hạng mà người lái xe được phép điều khiển sẽ được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh;
- Ảnh của người lái xe được in trực tiếp trên giấy phép;
- Có lớp màng phủ bảo an trên hai mặt của GPLX;
- Phôi được làm bằng vật liệu PET hoặc vật liệu có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương, có hoa văn màu vàng rơm và các ký hiệu bảo mật…
Theo khoản 2 Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội, đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, các trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.
(Ảnh: Dân Việt)
Điều này sẽ giúp cho người tham gia bảo hiểm xã hội thuận tiện hơn và tối giản các loại giấy tờ kèm theo trong khi thực hiện các quyền lợi về bảo hiểm.
Theo quy định của luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, công dân Việt Nam sẽ được sử dụng hộ chiếu điện tử.
Theo đó, người có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi thuận lợi; Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử.
Cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; Người có quyết định trục xuất… Hộ chiếu cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn; Dấu vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu sẽ được thu nhận trong quá trình thực hiện thủ tục để phục vụ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…
Tổng hợp
Nguồn tin: Nguồn: Danviet.vn
Ý kiến bạn đọc