1. Rơm và các bã, xác thực vật
Nguồn
rơm của nông nghiệp Việt Nam rất lớn, tuy nhiên nhiều nơi lại sử dụng phương pháp đốt để lấy tro. Cách làm này hiệu quả rất thấp và làm ô nhiễm môi trường.
Các thử nghiệm trên cây ăn quả, hoa, rau,… cho thấy, việc phủ rơm lên các luống có những công dụng rất rõ ràng. Đó là: giữ ẩm, tạo không gian cho hệ sinh thái vi sinh phát triển, chống cỏ dại, hỗ trợ nảy mầm an toàn và đặc biệt là giảm công cày xới.
Phương pháp hiệu quả nhất đó là kết hợp thêm lợi khuẩn và nấm xanh phun tưới vào rơm. Điều này giúp cho môi trường đất trở nên an toàn, đồng thời tạo ra những môi trường thiên địch cho các côn trùng bất lợi cho cây trồng.
Ngoài rơm, có thể sử dụng xác thực vật như thân ngô, bã mía, thậm chỉ là thân cỏ dại đã cắt và ủ với lợi khuẩn.
2. Bèo tây (bèo lục bình) và các cây họ bèo
Việc phủ
bèo lên luống trồng rau, hoa hoặc gốc cây ăn quả có tác dụng rõ rệt hỗ trợ cho cây trồng. Đặc biệt là khả năng giữ ẩm và hỗ trợ phát triển hệ rễ. Phương pháp phủ bèo kết hợp với phun lợi khuẩn là giải pháp chi phí thấp và có tính bền vững.
Bản thân bèo khi phân hủy với sự hỗ trợ của lợi khuẩn còn tạo ra nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng và là môi trường sinh trưởng của các loại giun đất. Một trong những cách làm đơn giản là tạo hệ thống mương nước gần nhất có thể với khu canh tác và thả bèo, sau đó khai thác thường xuyên với nguồn bèo tái tạo.
3. Cây sả
Nhiều nông dân cho rằng, trồng sả sẽ “kiệt chất đất” và ảnh hưởng đến cây trồng. Nhưng thực tế không phải vậy, nếu việc trồng sả chủ động ven các luống rau, hoa hoặc quanh vườn cây ăn quả. Bởi việc thu lá sả thường xuyên để che phủ đất tiết kiệm rất nhiều chi phí nhân công và còn có tác dụng xua đuổi bướm bằng tinh dầu từ lá sả.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tinh dầu sả sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Song qua thử nghiệm thực tế tại trang trại Kiku Bara tại Thụy Hương, Chương Mỹ, các loại cây họ đậu có thể nảy mầm trong 48 tiếng dưới lớp lá sả tươi khi được tưới đủ nước và sinh trưởng hoàn toàn bình thường.
Tương tự như cây sả, là các họ cỏ thu lá dài ngày, trong đó có thể kể đến cỏ vetiver.
4. Ốc bươu vàng – từ đại dịch đến nguồn phân bón cao đạm
Thí nghiệm tại Hợp tác xã Hải Toàn, Hải Hậu trong năm 2018 đã cho thấy, ốc bươu vàng là một nguồn phân bón vô cùng hữu hiệu và chi phí thấp.
Cách làm rất đơn giản, đó là gom ốc bươu vàng cho vào trong bao tải, buộc chặt miệng túi và ngâm trong mương có chứa lợi khuẩn EM. Lợi khuẩn sẽ phân hủy xác ốc bươu vàng, được hòa loãng với nước, cung cấp một lượng đạm rất lớn cho đất và cây trồng.
Tuy nhiên, cách làm này chỉ nên áp dụng có kiểm soát kết hợp với việc thu gom và diệt ốc bươu vàng khi chúng trở thành đại dịch.
5. Thân chuối – nguồn Kali thực vật dồi dào
Trong khi các loại phân bón hỗ trợ ra hoa, kết quả từ nguồn hữu cơ khá đắt đỏ, thì việc sản xuất phân bón kali hữu cơ từ thân cây chuối lại rất dễ dàng.
Cách làm chỉ đơn giản là phay nhỏ thân chuối và ngâm mục với lợi khuẩn và nước. Hoặc đắp bã thân chuối lên luống đất trồng rau, hoa hay gốc cây ăn quả. Do đó, việc kết hợp giữa việc trồng chuối làm hàng rào, thu cả quả và thân là cách làm khá dễ dàng, chi phí thấp và bền vững.