NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Không nên gieo cấy lúa xuân trước lịch thời vụ quy định
Thứ tư - 16/12/2020 20:192.5340
(Hội NDNA) - Hai, ba vụ lúa Xuân gần đây tình trạng nhiều địa phương đã để cho bà con nông dân tự do xuống đồng gieo cấy lúa Xuân trước lịch thời vụ quy định từ 10 – 15 ngày khá nhiều. Lịch thời vụ gieo cấy lúa vụ Xuân ở Nghệ An được quy định:
Nhóm 1: Các giống có thời gian sinh trưởng (TGST) từ 135 –140 ngày, như BC15, AC5, J01, J02, nếp 97… gieo mạ từ 05 – 10/01cấy khi mạ có 2,5 – 3 lá.
Nhóm 2: Các giống có TGST từ 130 – 135 ngày, như Hương Thơm 1, Bắc Thơm 7, BT09… gieo mạ từ 10 – 15/01, cấy khi mạ có 2,5 – 3 lá.
Nhóm 3: Các giống có TGST từ 125 – 130 ngày, như VT-NA6, VT-NA2, Thiên ưu 8, TBR 225… gieo mạ từ 16 – 20/01, cấy khi mạ có 2,5 – 3 lá.
Trung bình từ vụ lúa Xuân 2017 – 2020, mỗi vụ lúa xuân toàn tỉnh gieo cấy trên 92.000 ha lúa và cũng chính từ vụ Xuân 2017 lại nay, Vụ lúa Xuân nào cũng có diện tích lúa được gieo cấy sớm hơn thời vụ quy định từ 12.000 – 23.000 ha mỗi vụ.
Trong đó có 2 vụ lúa Xuân được gieo cấy quá sớm, đó là vụ lúa Xuân 2017 và 2020 vừa qua. Cả 2 vụ lúa Xuân 2017 và 2020 được gieo cấy trước lịch thời vụ quy định từ 10 – 20 ngày. Vụ lúa Xuân 2017 diện tích lúa được gieo cấy trước lịch thời vụ quy định là 18.553 ha, Vụ lúa Xuân 2020 là 23.132 ha. Những diện tích lúa được gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định bao giờ lúa cũng trổ sớm và trổ trước, trổ đúng vào Tiết thanh minh (Tiết thanh minh bắt đầu từ thượng đến trung tuần tháng 4). Từ xưa tới nay, Tiết thanh minh bao giờ cũng xuất hiện hiện tượng gió mùa đông bắc cuối mùa tràn về đưa không khí lạnh về gây ra thời tiết lạnh và rét, nhiệt độ không khí giảm xuống dưới 200C. Lúa gieo cấy sớm quá, trổ vào thời điểm này năng suất giảm nghiêm trọng, thậm chí mất trắng.
Vụ lúa Xuân 2017, diện tích lúa gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định 18.553 ha , do trổ đúng vào Tiết thanh minh (trổ từ 10 – 20/4) năng suất chỉ đạt được bình quân 54,65 tạ/ha. Trong khi đó số diện tích lúa trổ sau ngày 20/4 – 5/5 (Tiết cốc vũ) là 73.574 ha, năng suất đạt bình quân 68,59 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa trà trổ sớm, trổ vào Tiết thanh minh là 13,89 tạ/ha, bằng 25,39%.
Tương tự như vậy, vụ lúa Xuân năm 2020 vừa qua toàn Tỉnh gieo cấy được 92.252 ha, năng suất lúa đạt bình quân 66,53 tạ/ha. Trong đó số diện tích gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định từ 10 – 20 ngày có 23.120 ha, số diện tích này trổ chủ yếu tập trung từ 10 – 20 tháng 4, đúng vào Tiết thanh minh, gặp không khí lạnh về, nhiệt độ xuống thấp từ 18 – 20oC, làm ảnh hưởng lớn lúc lúa trổ, nên năng suất lúa trên diện tích gieo cấy sớm chỉ đạt được trung bình 57,80 tạ/ha. Số diện tích trổ đúng thời vụ, trổ sau ngày 20/4 đến 30/4 (trổ Tiết cốc vũ) 69.132 ha, năng suất lúa đạt bình quân 69,40 tạ/ha, cao hơn năng suất trà lúa trổ sớm 11,60 tạ/ha, bằng 20,06%.
Vì sao lúa Vụ Xuân trổ vào Tiết thanh minh (trổ trước ngày 20/4 hàng năm) năng suất lúa giảm nhiều như vậy? Thời kỳ lúa trổ bông phơi màu, tung phấn, nếu gặp nhiệt độ không khí từ 23oC trở xuống, hạt phấn dễ bị chết vì lạnh. Nếu nhiệt độ xuống dưới 20oC, lại có mưa kèm theo thì hạt phấn sẽ bị chết và thối đen, bà con nông dân thường gọi là hạt lúa bị bầm ruồi, có tỉ lệ hạt bị lép, lững rất cao, năng suất giảm nghiêm trọng, thậm chí không có thu hoạch.
Biết gieo cấy sớm năng suất lúa giảm nhưng tại sao bà con nông dân vẫn muốn gieo cấy sớm. Theo ông Nguyễn Văn Ất – một lão nông có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất ở xã Vĩnh Thành huyện Yên Thành là địa phương nhiều vụ Xuân vừa qua thường gieo cấy sớm trước lịch thời vụ do huyện đề ra từ 10 -15 ngày, ông giải thích:
Thứ nhất, thời vụ gieo cấy lúa Xuân sát vào ngày trước và sau Tết nguyên đán . Nên bà con nông dân chủ động gieo cấy xong trước Tết để sau Tết có thời gian vui chơi Xuân dài ngày hơn.
Thứ hai, gieo cấy sớm sẽ cho thu hoạch sớm để gieo cấy Hè thu sớm, tránh né được mưa to, lụt, bão cuối vụ, tránh được mất mùa vụ lúa hè thu.
Thứ ba, 2 – 3 năm nay gieo cấy sớm vẫn cho thu hoạch năng suất khá, nên bà con nông dân chủ quan.
Diễn biến thời tiết trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021 hoàn toàn khác với các vụ Đông Xuân gần đây. Cụ thể là, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng vùng Bắc Trung Bộ cho biết: Do hoạt động mạnh của hiện tượng La Nina (Pha lạnh) xuất hiện gây ra hình thái thời tiết rất cực đoan gây ảnh hưởng lớn đến thời tiết nước ta, nhất là các tỉnh từ khu vực Bắc miền Trung trở ra. Diễn biến của thời tiết suốt trong cả vụ lúa Xuân năm nay có khả năng nhiệt độ không khí từ nửa tháng 12/2020 đến trung tuần tháng 4/2021 thấp thua dưới TBNN cùng kỳ từ 0,5 – 1oC. Vì vậy, nếu bà con nông dân cứ xuống đồng gieo cấy lúa sớm như những vụ lúa Xuân vừa qua thì không tránh được lúa sẽ trổ vào Tiết thanh minh (từ 20/4 trở về trước) gặp gió mùa đông bắc cuối mùa tràn về, nhiệt độ không khí xuống thấp trên dưới 18oC thì năng suất lúa sẽ giảm nghiêm trọng.
Từ đó đề nghị:
Một: Sở NN&PNT cần có cảnh báo sớm, thông báo đến các huyện, thành , thị và từ các huyện, thành, thị thông báo xuống tận các xã, HTXNN về việc chấp hành triệt để lịch thời vụ gieo cấy lúa vụ Xuân 2021 đã được thống nhất trên phạm vi toàn Tỉnh. Tuyệt đối không nên tự do xuống đồng gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định để lúa trổ sớm làm giảm năng suất như đã xẩy ra vừa qua trên diện tích lúa gieo cấy sớm.
Hai: Để không lặp lại tình trạng tự do xuống đồng gieo cấy sớm vụ lúa Xuân 2021, UBND các huyện, thành, thị cần có sự phân công và giao trách nhiệm cho Phòng NN&PTNT cùng với các phòng, ban có liên quan và có sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các xã, HTXNN thực hiện đúng lịch thời vụ gieo cấy.
Ba: Xã nào, HTXNN nào để bà con nông dân tự do xuống đồng gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thành, thị và nếu lúa trổ sớm năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất mùa nặng thì không được hưởng chế độ hỗ trợ như trường hợp do thiên tai bất khả kháng đã quy định.