Công ty CP Mía đường Sông Con 'bắt tay' hiệu quả với nông dân

Thứ hai - 08/11/2021 04:40
(Hội NDNA) - Để ổn định sản xuất lâu dài và tăng công suất, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã đưa ra nhiều chính sách nhằm phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu mía.
3 3
Những cánh đồng mía xanh tốt, năng suất cao thay thế cho các cây trồng kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Phúc
THOÁT NGHÈO, VƯƠN LÊN KHÁ GIẢ TỪ CÂY MÍA 

Vụ mía này, gia đình ông Nguyễn Hữu Long (xóm 10, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ) trồng 22 ha mía nguyên liệu, dự kiến năng suất đạt khoảng 100 tấn/ha, sẽ mang lại thu nhập trên 2 tỷ đồng. Ông Long cho biết: “Gắn bó với cây mía chục năm nay, nhờ cây mía mà gia đình xây được nhà cao cửa rộng, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống, nuôi được các con ăn học”. 

Không chỉ ông Long mà từ vùng đất bãi soi sản xuất kém hiệu quả được bà con xã Nghĩa Đồng chuyển sang trồng mía nguyên liệu bán mía cây cho nhà máy đường. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn dần vươn lên khá giả nhờ trồng mía. Nhiều hộ còn mạnh dạn thuê đất của người dân trong xã để trồng mía, phát triển kinh tế từ cây mía. 

Cây mía nguyên liệu cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã miền núi Thanh Tiên (Thanh Chương). Ông Dương Lê Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết: “Hiện tại, toàn xã có 56ha đất trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường Sông Con. Đây là vùng đất xấu, sản xuất kém hiệu quả vậy nên khi chuyển sang trồng cây mía, cho năng suất và thu nhập cao gấp nhiều lần thực sự đã thay đổi nhận thức của bà con”.

Hiện nay, toàn huyện Thanh Chương có gần 80 ha trồng mía, tập trung chủ yếu ở các xã: Thanh Tiên, Phong Thịnh, Thanh Mỹ, Cát Văn. Đây là những xã miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó, hiệu quả mà cây mía đã đem lại đã làm thay đổi diện mạo kinh tế của nhiều hộ dân nơi đây. Trong đó, có nhiều hộ dân đã vươn lên khá giả nhờ trồng mía như hộ ông Nguyễn Hữu Lý (xóm 9, xã Thanh Tiên), hộ anh Lê Đình Đồng (xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh), hộ ông Nguyễn Hồng Bảy (xóm Hòa Thịnh, xã Phong Thịnh)…
 
1 1
Công ty bố trí cán bộ kỹ thuật bám địa bàn, hỗ trợ tối đa người dân trong quá trình chăm sóc cây mía.
Anh Trần Doãn Lê, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Mía đường Sông Con phụ trách vùng mía nguyên liệu ở Thanh Chương, Đô Lương cho biết: “Cây mía rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất cao cưỡng, đất bãi soi, vệ ở các địa phương này, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Theo dự kiến, niên vụ 2021-2022 sẽ mở rộng thêm 40ha mía ở các địa phương này”.

Theo tính toán, trồng cây mía ngoài hiệu quả kinh tế gấp đôi cây trồng khác như ngô, sắn thì  ưu điểm của cây mía là chịu hạn tốt và ít ảnh hưởng bởi ngập lụt. Ngoài ra, mía có độ che phủ sớm, diện tích che phủ lớn nên khả năng chống xói mòn và thoái hóa đất rất tốt.
 
NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI TRỒNG MÍA

Hiện nay, diện tích trồng mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Con là 4.600ha tập trung chủ yếu ở Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành và Đô Lương. Sản lượng mía hàng năm đạt khoảng 250.000 – 380.000 tấn/năm, sản lượng này chưa đáp ứng đủ công suất chế biến của công ty. Do đó, việc khôi phục, mở rộng vùng nguyên liệu là nhiệm vụ sống còn trong sách lược kinh doanh của Công ty. 
 
cay mia duoc xem la cay trong chu luc o nhieu dia phuong thuoc cac huyentan ky yen thanh anh son
Cây mía được xem là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương thuộc các huyện: Tân Kỳ, Yên Thành, Anh Sơn...
Theo kế hoạch, niên vụ 2021 - 2022, Công ty CP Mía đường Sông Con phát triển vùng nguyên liệu lên 6.000ha diện tích mía đầu tư và dự kiến tổng sản lượng thu mua đạt hơn 400.000 tấn.

Ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng ban Sản xuất nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: “Để đảm bảo mía cho nhà máy hoạt động, thời gian qua, công ty đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu. Ngoài tiếp tục duy trì diện tích mía trên vùng nguyên liệu hiện có; Quy hoạch vùng chuyên canh trồng mía thì công ty tập trung đẩy mạnh liên kết với người dân trồng mía ở các địa phương, đồng thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía”.

Theo đó, đối với diện tích trồng mới: Hỗ trợ 20 tấn bùn mía đã ủ men vi sinh vật/ha, tiền thuê đất: 3.000.000 đồng/ha, tiền trồng: từ 1.000.000 đến 7.000.000 đồng/ha, tùy theo mức độ từng vùng mía. Ngoài ra, cho vay trả sau giống, phân bón, cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa như làm đất; trồng và chăm sóc mía; Hỗ trợ làm đường giao thông vùng nguyên liệu…
 
bna gh21003375 7112021
Hiện công ty hỗ trợ người trồng cơ giới hóa tất cả các công đoạn: làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía, vừa tiết kiệm nhân công, vừa giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng
Ngoài ra, công ty bố trí mỗi vùng với quy mô từ 150-250ha một nhân viên nguyên liệu thường xuyên bám đồng ruộng kịp thời hỗ trợ nông dân trong suốt quá trình sản xuất mía. Mặt khác, ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất nguyên liệu SSRM - trong hệ sinh thái nông vụ điện tử nhằm đảm bảo người trồng mía được tiếp cận tất cả các thông tin liên quan đến chính sách đầu tư, hỗ trợ, thu hoạch, thanh toán… kịp thời và chính xác.

Nhờ sự đồng hành, hợp tác giữa công ty và nông dân với phương châm “Công ty và nông dân là bạn hàng cùng lợi ích” nên dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cây mía vẫn luôn giữ vị trí cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương thuộc vùng nguyên liệu mía của công ty cổ phần Mía đường Sông Con

Thanh Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay15,532
  • Tháng hiện tại220,116
  • Tổng lượt truy cập8,054,548
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây