Bác Hồ với nông dân

Thứ tư - 18/05/2022 23:41
(Hội NDNA) - Nước ta là nước nông nghiệp, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng.
 Bác Hồ cả cuộc đời vì nước vì dân, bản thân Bác cũng sinh ra từ một làng quê nghèo khó của Việt Nam, nên Bác rất thấu hiểu cuộc sống của người nông dân. Bác tìm đường cứu nước cũng mong chấm dứt ách thống trị làm nô lệ bần cùng của nông dân để đem lại cơm ăn, áo mặc cho người dân, trong đó có đại bộ phận người nông dân. Chính vì thế, mà hơn 700 lần Bác đến với người nông dân, đi đến đâu Bác cũng gần gũi, thăm hỏi đời sống, sản xuất của người dân, Bác cùng với nông dân lao động, sản xuất và xuống tận bờ ruộng nói chuyện với họ, uống từng bát nước vối mà người dân mời Bác... Tình cảm của Bác với người nông dân Việt Nam sâu nặng và cảm động hơn khi chúng ta tìm thấy bản thảo Luận án tiến sỹ của Bác ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong bản thảo này, Bác chọn vấn đề ruộng đất ở Đông Dương để viết lên sự bất công và nỗi cực khổ của người nông dân. Một trong những bức thư cảm động, chân thành nữa của Bác viết cho nông dân, Bác khuyên đồng bào vào Tổ đổi công: Bà con hãy nghe tôi, rủ nhau vào Tổ đổi công, vào Hợp tác xã (HTX), làm chung, hưởng chung sẽ có nhiều cái lợi: Giống như hai người tắm chung với nhau mà cùng kỳ lưng cho nhau thì vừa nhanh lại vừa sạch. Đi cơ sở, Bác luôn muốn lãnh đạo cơ sở báo cáo sự thật, tránh bệnh thành tích ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân. Bác quan sát, vạch ra những khuyết điểm của những cán bộ vì nặng thành tích để trung thực, làm có trách nhiệm hơn với công việc, với người nông dân.

Không chỉ gần gũi, sâu sát, Bác còn biết rõ cách làm ăn, cách sinh sống, cách tổ chức cuộc sống cho đồng bào ở các HTX, đến đâu Bác cũng căn dặn đồng bào phải có giống tốt, có nhiều nước, nhiều phân thì năng suất mới cao. Về tỉnh Hưng Yên, Bác xuống đồng tát nước với bà con chống hạn; cùng với dân làm thủy lợi, khơi nước. Ở tỉnh Hà Tây, Bác thấy đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không biết tát nước, Bác nói một câu rất thấm thía với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy “Chú làm Bí thư một tỉnh nông nghiệp mà không biết tát nước thì làm sao chú đến với dân và gần dân được?” Khi Đoàn của tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc, Bác yêu cầu một đồng chí cán bộ ăn mặc diện nhất trong Đoàn phụ trách nông nghiệp của tỉnh, Bác hỏi đồng chí đó, ngày mai Bác cho Đoàn về, còn chú ở lại đi tát nước cùng dân với Bác được không?…

Những năm cuối đời, Bác vẫn về thăm các HTX nông nghiệp. Một lần Bác về thăm HTX nông nghiệp ở Thái Bình, Bác làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, lúc tiễn Bác, Tỉnh ủy Thái Bình có ít gạo đặc sản biếu Bác, sau khi nhận quà, Bác lấy tiền trả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không hiểu ý Bác liền ngăn tay Bác lại - đây là quà của Tỉnh ủy có đáng là bao. Bác trả lời “các chú ở Tỉnh ủy mà cũng làm được gạo à? Bác tưởng suốt đời Bác và các chú chỉ ăn gạo của dân chứ? Các chú không nhận tiền của Bác thì khác gì Bác tham ô?”(7). Những câu chuyện của Bác với dân nói chung và với nông dân nói riêng thấm thía đến như vậy. Ngay cả trong Di chúc, Bác dặn, khi mất hãy hỏa táng Bác và chôn trên đồi cho đỡ tốn “đất ruộng” của nông dân và sau khi giải phóng miền Nam, Đảng ta phải miễn thuế cho nhân dân 1 năm để bà còn phấn khởi sản xuất. Khi thống nhất đất nước, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã miễn thuế nhiều năm liền cho nông dân.

Khắc ghi lời Bác dặn, nông dân Việt Nam thi đua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là kháng chiến và kiến quốc. Mỗi người nông dân khi có cơm ăn, áo mặc đều nhớ tới “Bát cơm Cụ Hồ”, “Tấm áo Cụ Hồ”. Trong cải cách ruộng đất, cầm thẻ nhận ruộng, người nông dân cũng gọi là “Ruộng Cụ Hồ”. Những năm sau đó, phong trào thi đua làm ruộng có năng suất cao được phát động rộng rãi, mạnh mẽ và liên tục. Nhờ sức người, chinh phục và cải tạo thiên nhiên nông dân làm ruộng, trồng màu có năng suất cao, nông dân chung sức chung lòng đi theo con đường làm ăn tập thể để ngày một ấm no, nông thôn thêm giàu mạnh. Những lời Bác dạy đã biến thành sức mạnh trên đồng ruộng, thôi thúc bà con nông dân thi đua lao động sản xuất. 

Những câu chuyện trên, đủ để chúng ta hiểu Bác tha thiết với nông dân như thế nào, và chúng ta cần ghi nhớ công lao của Bác để xây dựng Nông thôn mới ngày càng sáng hơn, đẹp hơn. Đã 52 năm, kể từ ngày Bác đi xa nhưng những tình cảm sâu nặng, những lời dạy bảo ân cần và mong muốn của Bác vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí mỗi người nông dân Việt Nam. Những năm qua, Nông dân Việt Nam đã và đang ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Bà con nông dân đã thay đổi cung cách làm ăn, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời tích tụ ruộng đất, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cánh đồng lớn.

Ngày nay, nông dân Việt Nam không còn lam lũ, nghèo khó và thất học như trước. Nhưng để nông dân vận dụng và học tập Bác cho phù hợp, thì trước hết phải có kiến thức để làm ruộng, làm rẫy, trồng cây, nuôi gia cầm, gia súc, thủy, hải sản… một cách khoa học, kỹ thuật, sáng tạo để tạo nên sản phẩm nông nghiệp có thể xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngoài nước; phải có ý thức, trách nhiệm để gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức và lợi ích tập thể và phấn đấu trở thành những ông chủ trên các cánh đồng, làm chủ các gia trại, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mỗi năm thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nông dân Việt Nam không chỉ giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp mà còn phát huy vai trò chủ thể hiến đất, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cảnh quan, môi trường nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Trong niềm vui Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác, chúng ta càng nhớ đến Bác Hồ kính yêu - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta với lòng biết ơn vô hạn. Người suốt đời quan tâm đến nông dân, nông thôn Việt Nam. Bác Hồ sống mãi trong lòng dân tộc, hình ảnh của Bác mãi ở trong tim những người nông dân Việt Nam cần cù, sáng tạo, chất phác, thủy chung.

Nguyễn Thị Tịch kể (2- 9-1983) 
(Trích từ sách: Những lần đón Bác, Ban Lịch sử Đảng và phòng Văn hóa - Thông tin huyện Từ Liêm, Nxb. Hà Nội, 1984)

 

Theo TG.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập218
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại663,844
  • Tổng lượt truy cập16,538,434
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây