Bốn vụ lúa xuân liên tiếp được mùa, bài học để lại

Thứ năm - 06/06/2024 03:59
(Hội NDNA) - Đối diện với nhiều bất lợi trong sản xuất nông nghiệp vừa qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng bà con nông dân Nghệ An vẫn liên tục dành được thắng lợi lớn từ vụ lúa xuân 2021 đến 2024. Đặc biệt vụ lúa xuân 2024, rét đậm, rét hại đầu vụ, nắng nóng, hạn hán đến sớm, sâu bệnh xuất hiện nhiều, vẫn được mùa lúa xuân với năng suất cao nhất từ trước lại nay.
Liên tục bốn vụ lúa xuân được mùa lớn

Trung bình mỗi vụ lúa xuân toàn tỉnh gieo cấy 91.392 ha. Nhìn chung diện tích gieo cấy lúa vụ xuân hàng năm ở Nghệ An khá ổn định, ít có sự thay đổi.
Về năng suất lúa xuân từ những năm 2010 trở về trước chỉ có vụ lúa xuân 2010 là vụ lúa đạt được năng suất cao nhất (61,84 tạ/ha) trên diện tích gieo cấy 87.462 ha. Trong đó, diện tích lúa lai 58.272 ha, chiếm tỉ lệ 66,62% năng suất lúa đạt bình quân 65,04 tạ/ha, diện tích lúa thuần 29.190 ha, chiếm tỷ lệ 33,38%, năng suất đạt bình quân 45,16 tạ/ha. Riêng vùng trọng điểm lúa của tỉnh, gồm các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (gọi tắt là vùng Diễn – Yên – Quỳnh) gieo cấy 31.139 ha, chiếm tỷ lệ 35,60%, năng suất lúa đạt bình quân 66,85 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân chung của tỉnh 5,01 tạ/ha, bằng 8,10%.
Thời kỳ từ 2011 đến 2020, vụ lúa xuân năm 2020 là vụ lúa xuân thuận lợi nhất, diện tích gieo cấy lên đến 92.252 ha, năng suất lúa đạt cao nhất 66,53 tạ/ha, sản lượng lớn nhất 613.747 tấn. So với vụ xuân 2010, diện tích nhiều hơn 4.790 ha, bằng 5,47%; năng suất cao hơn 4,69 tạ/ha, bằng 7,58%; sản lượng nhiều hơn 102.895 tấn, bằng 20,14%.

Từ vụ lúa xuân 2021 đến 2024, diện tích gieo cấy lúa xuân hàng năm cơ bản ổn định, trên dưới 91.300 ha; cơ cấu giống lúa có từ 43 – 45% các giống lúa lai, 55 – 57% các giống lúa thuần. Trong các giống lúa lai, cơ cấu chủ yếu là giống lúa Thái Xuyên 111, chiếm tỷ lệ từ 17 – 18%; các giống lúa thuần, chủ yếu là giống lúa TBR 225, VNR 20, Thiên ưu 8. Về năng suất lúa từ vụ xuân 2021 – 2024, liên tục đạt được năng suất cao, cụ thể vụ xuân 2021 đạt năng suất bình quân 68,73 tạ/ha/91.650 ha; vụ xuân 2022 đạt năng suất bình quân 66,37 tạ/ha/91.553 ha; vụ xuân 2023 đạt năng suất bình quân 68,82 tạ/ha/91.293 ha và vụ xuân 2024 dự kiến đạt năng suất bình quân trên 69 tạ/ha/91.075 ha.

Riêng vùng trọng điểm lúa của tỉnh Diễn – Yên – Quỳnh, vụ xuân 2024 này gieo cấy được 29.150 ha lúa, năng suất lúa đạt bình quân 74,50 tạ/ha, sản lượng đạt 217.167 tấn. So với chung toàn tỉnh, năng suất cao hơn 5,5 tạ/ha, bằng 7,79%; sản lượng chiếm tỷ lệ 34,55% sản lượng lúa cả tỉnh.
Trong vùng trọng điểm lúa của tỉnh, Quỳnh Lưu là huyện đạt được năng suất lúa cao nhất tỉnh (trên 75 tạ/ha), tiếp theo là Diễn Châu đạt năng suất lúa bình quân 74,80 tạ/ha và sau đó là Yên Thành đạt năng suất lúa bình quân 74 tạ/ha.
 
nong dan yen thanh cay lua he thu
Nông dân Yên Thành cấy lúa hè thu
Bà Lê Thị Quyên cán bộ chuyên trách theo dõi bộ phận trồng trọt của Phòng nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Vụ lúa xuân 2024 ở Yên Thành có nhiều xã đạt được năng suất lúa cao kỷ lục, như: xã Long Thành gieo cấy 552 ha, năng suất lúa đạt bình quân 78 tạ/ha, xã Hồng Thành gieo cấy 302 ha, năng suất lúa đạt 78,20 tạ/ha, xã Nhân Thành gieo cấy 554 ha, năng suất lúa đạt 77 tạ/ha… Ở huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT cho biết, vụ lúa xuân 2024 toàn huyện được mùa lớn, năng suất lúa đạt bình quân 74,80 tạ/ha, cao nhất từ xưa lại nay. Một số xã đạt được năng suất lúa cao bất ngờ, như: xã Diễn Nguyên gieo cấy 400 ha, năng suất lúa đạt xấp xỉ 78 tạ/ha; xã Diễn Tân gieo cấy 180 ha, năng suất lúa đạt 79 tạ/ha; xã Diễn Liên gieo cấy 460 ha, năng suất lúa đạt 77 tạ/ha… Vụ lúa xuân năm nay, theo ông Lê Thế Hiếu ngoài việc được mùa lớn, còn được cả giá lúa cao, lúa tươi bán tại ruộng giá từ 6500 – 6700 đồng/kg (tương đương 8500 – 9000 đồng/kg lúa khô khén).

Từ kết quả sản xuất bài học để lại

Kết quả sản xuất qua các vụ xuân vừa qua ở Nghệ An không phải ngẫu nhiên mà đến, cũng không phải do may rủi mà có. Đó chính là do kết quả của công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện trong suốt cả vụ sản xuất. Trong đó đáng ghi nhận nhất là:

Thứ nhất: Trước mỗi vụ sản xuất nói chung, vụ xuân nói riêng, Sở NN&PTNT là cơ quantham mưu cho UBND tỉnh đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp kinh tế - kỹ thuật chủ yếu và việc tổ chức chỉ đạo thực hiện (gọi tắt là đề án tổ chức sản xuất ngành trồng trọt cụ thể trong từ vụ sản xuất). Từ bước đầu dự thảo đề án, Sở NN&PTNT bao giờ cũng tiến hành tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp kể cả những người đã về nghỉ và một số cán bộ KHKT có kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất từ tỉnh đến huyện, xã, HTXNN. Đây là một việc làm vừa thiết thực, vừa nâng cao chất lượng đề án, đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là cơ cấu giống gì, thời vụ gieo cấy lúc nào là tốt nhất trong điều kiện thời tiết có biến động, sâu bệnh nhiều v.v…

Thứ hai: Thắng lợi trên mặt trận SXNN nói chung của các vụ lúa xuân vừa qua nói riêng là kết quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong đó có vai trò đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp, của các cấp Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Thanh niên, Liên hiệp các HTX, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Nghệ An, Đài phát thanh truyền hình v.v…

Thứ ba: Về các biện pháp thâm canh cây lúa trong các vụ xuân vừa qua, ngoài biện pháp về nước tưới, phân bón, chăm sóc và phòng chống các loại sâu bệnh ra, theo bà Vũ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, có hai biện pháp đã được bà con nông dân đúc kết lại và đánh giá cao, đó là:
Gieo cấy giống lúa có năng suất cao; chất lượng cơm, gạo khá; thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng với điều kiện sinh thái Nghệ An. Từ đó đưa vào cơ cấu giống hợp lý trên cơ sở đất đai tốt xấu và khả năng đầu tư thâm canh ở mỗi địa phương.Thực tế trong các vụ lúa xuân vừa qua, mỗi vụ toàn tỉnh đã gieo cấy từ 41.000 – 43.000 ha lúa lai, chiếm tỷ lệ 47 – 48%, trong đó chủ yếu là giống Thái Xuyên 111, Phú ưu 978, BT 404, Long hương 8117. Và từ 49.000 – 52.000 ha lúa thuần, chiếm tỷ lệ 52 – 53%, chủ yếu các giống VNR20, TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168.

Biện pháp thứ hai, là thời vụ gieo cấy được ngành nông nghiệp đưa ra rất khoa học và hợp lý trên cơ sở căn cứ vào thời gian sinh trưởng của mỗi giống lúa để quy định ngày gieo, ngày cấy rất cụ thể được phố biến xuống tận từng xã, HTXNN để bà con nông dân thực hiện, nhằm đảm bảo tất cả các giống lúa trổ tập trung từ ngày 20/4 – 30/4, đây là khoảng thời gian lúa trổ an toàn nhất ở Nghệ An.

Thứ tư: Việc áp dụng cơ giới hoá ngày càng nhiều vào SXNN đã góp phần giải phóng sức lao động trong nông nghiệp nông thôn, nhất là các khâu làm đất, thu hoạch, gieo cấy… chiếm khối lượng công việc nhiều. Những vụ sản xuất vừa qua cơ giới hoá thực sự đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu lao động thời vụ, giải phóng sức lao động ở nông thôn và đảm bảo yêu cầu gieo cấy kịp thời vụ, thu hoạch nhanh, kịp thời khi lúa chín.

Thứ năm: Hoạt động của các HTXNN được đổi mới nhiều hơn. Số lượng HTX được đánh giá hoạt động có hiệu quả có 420/655 HTX.Trong đó có 295 HTX hoạt động khá, 125 HTX hoạt động tốt.Đặc biệt đã có 215 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là một hướng đi góp phần thúc đẩy SXNN phát triển theo hướng sản xuất gắn với thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất.
 

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm179
  • Hôm nay22,315
  • Tháng hiện tại495,359
  • Tổng lượt truy cập15,636,241
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây