NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nông dân Anh Sơn phấn khởi bí xanh vào chính vụ được mùa, được giá
Thứ sáu - 18/02/2022 03:532.2480
(Hội NDNA) - Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, hiện nay cây bí xanh vụ đông ở huyện Anh Sơn đang bước vào thu hoạch chính vụ, năng suất đạt gần 2 tấn/sào. Bà con nông dân rất phấn khởi vì bí xanh vụ đông năm nay được mùa, được giá.
Đến thăm mô hình bí xanh của gia đình anh Nguyễn Đình Thắng ở thôn Vĩnh Hương, xã Vĩnh Sơn đúng vào lúc anh đang vừa thu hoạch lứa bí đầu tiên để xuất bán vừa loại bỏ những quả nhỏ, quả bị sâu bệnh chuẩn bị cho lứa sau. Anh Thắng chia sẻ: Hai năm gần đây gia đình anh đã trồng thử nghiệm cây bí vụ đông ở diện tích đất vườn cạnh nhà, nhận thấy cây bí mang lại hiệu quả cao nên năm nay anh quyết định đưa ra trồng trên vùng đất bãi với diện tích 4 sào. Theo anh Thắng, đây là loại cây có giá trị ngắn ngày, dễ trồng, tính từ khi bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch chỉ có 90 ngày và cho thu hoạch từ 4 đến 5 lứa. Giống bí xanh này ruột đặc, thịt quả chắc, dễ bảo quản và phù hợp với việc vận chuyển xa nên rất dễ tiêu thụ. Hiện nay bí của gia đình anh đang cho thu hoạch lứa đầu tiên. Năng suất ước tính từ 1,5- 2 tấn/sào, hiện tại thương lái thu mua tại vườn 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình thu nhập mỗi sào 10-12 triệu đồng. Từ hiệu quả từ cây bí xanh mang lại, trong những vụ tiếp theo, gia đình anh Thắng sẽ nhân rộng thêm diện tích và áp dụng đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật để nâng cao thu nhập.
Gia đình anh Vương Đình Trình thôn Hội Lâm xã Cẩm Sơn là người có thâm niên nhiều năm sản xuất các loại rau màu vụ đông ở xã Cẩm Sơn. Nhanh tay cắt những quả bí dài, căng tròn đang vào chính vụ, anh Trình cho biết: Gia đình anh có 8 sào đất bãi, ngoài trồng 1 số cây rau màu truyền thống như dưa chuột, bắp cải, mướp hương... còn lại hơn 3 sào đất vụ đông năm nay gia đình tập trung trồng bí xanh. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nên ngay từ đầu vụ gia đình anh đã tập trung chăm sóc, bón lót các loại phân đạm để cây phát triển và đã phủ ny lon toàn bộ diện tích để hạn chế bốc hơi nước và cỏ dại. Đặc điểm của cây bí xanh là ngoài việc chịu rét tốt còn ít sâu bệnh, đặc biệt cây ra hoa tập trung và tỷ lệ đậu quả rất cao, sau 3 tháng trồng và chăm sóc sẽ cho thu hoạch. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nên bí của gia đình anh Trình rất được mùa. Trung bình mỗi sào đạt sản lượng 1,5 - 2 tấn quả, giá bán giao động từ 8 đến 10 ngàn đồng/kg, với 3 sào bí sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi hơn 50 triệu đồng. Anh Trình phấn khởi nói: Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhưng bí xanh vừa được mùa, việc tiêu thụ sản phẩm bí xanh vừa thuận lợi và giá cả hiện tại đang ổn định nên bà con cũng rất phần khởi.
Ông Lương Văn Thỏa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn, Anh Sơn cho biết: Là xã có diện tích đất bãi chuyên canh trồng các loại cây rau màu trong vụ đông nhưng địa phương vẫn xác định bí xanh là cây hàng hóa ngắn ngày cho thu nhập cao nhất. Bởi nó có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa kỹ thuật trồng bí xanh không quá phức tạp, bà con có thể trồng với diện tích lớn. Đặc điểm sinh trưởng của cây bí xanh là phát triển khỏe, nhánh gọn, lá dày, ra hoa tập trung sau trồng 40-50 ngày, quả có màu xanh thẫm vỏ bóng, thon dài trung bình 60 - 80cm. Vụ đông năm nay, toàn xã có 21 ha bí xanh, được trồng nhiều ở thôn Hội Lâm, Hạ Du, Tân Lâm…Bà con nông dân ở đây thường dùng các cọc tre, mét có đường kính 2 - 2,5cm, cắm cách nhau 1,6m, góc chữ A cao cách mặt đất 2m để làm giá đỡ. Kết nối các cọc bằng lưới có kích thước mắt lưới 20 x 20cm để bí leo. Với loại giàn lưới này có thể tiết kiệm được trên 40% cọc cắm giàn, giảm đáng kể công lao động và chi phí đầu tư. Qua những lứa đầu thu hoạch đầu tiên, ước tính năng suất bí vụ đông năm nay ở xã Cẩm Sơn đạt bình quân 30- 40 tấn/ha. Giá bán tùy thời điểm nhưng sau khi trừ chi phí cũng cho bà con thu nhập trên 180- 200 triệu đồng/ha.
Vụ đông năm nay toàn huyện Anh Sơn sản xuất 400 ha rau màu các loại, trong đó diện tích bầu, bí xanh trên 50 ha, được trồng nhiều ở các xã Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn, nhiều địa phương đã chuyển đổi trồng bí xanh trên đất ruộng, đất bãi. Từ hiệu quả cây bí xanh mang lại, để các cánh đồng trồng bí xanh phát triển theo hướng bền vững, huyện Anh Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng bí xanh; phối hợp với ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức cho bà con nông dân về cách trồng, chăm bón, phòng bệnh vào sản xuất cây bí nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích người dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học nhằm tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa sạch, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, chủ động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.