Vận động doanh nhân và nông dân miền núi phát triển cây dược liệu

Thứ hai - 09/09/2019 05:22
Việt Nam có diện tích đất miền núi rộng lớn, trong đó đất lâm nghiệp là hơn 19,4 triệu ha, có thể kết hợp phát triển được cây dược liệu. Nguồn tài nguyên dược liệu của Việt Nam lại rất phong phú và đa dạng với trên 5000 loài cây thuốc, là nguồn tài nguyên vô giá để nghiên cứu, phát triển tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ con người và phát triển kinh tế-xã hội. Cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loại cây, con làm thuốc.
Theo tổ chức y tế thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt khoảng 80 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng tăng. Các số liệu của ngành y tế cho thấy nhu cầu sử dụng thuốc dược liệu ở Việt Nam hàng năm khoảng 60.000-80.000 tấn nhưng đang phải nhập khẩu khoảng 80% về số lượng, chủng loại sử dụng, khoảng 90% tổng giá trị. Như vậy, việc trồng và thu hái trong nước chỉ chiếm khoảng 20% doanh mục dược liệu nhưng chủ yếu là loại giá rẻ nên chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị.
cay sam 7 la 1 hoa dang phat trien tot trong vuon trong o xa muong longanh lu phu

Cây sâm 7 lá 1 hoa đang phát triển tốt trong vườn trồng ở xã Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú

Nhiều loại cây thuốc ở Việt Nam có giá trị như Sâm Ngọc Linh, Đẳng Sâm, Hà thủ ô đỏ, Ba Kích, Ngũ da bì, Ngũ vị tử, Sa nhân, Nấm lim, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Cam thảo, Hoàng Đằng, Lang kim tuyến, chè hoa vàng…
Trong nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, một số loài cây dược liệu đã được quan tâm đầu tư phát triển, tạo nguyên liệu làm thuốc như: Sâm ngọc linh, Đẳng sâm, Đương quy, Sa nhân tím, Ý dĩ, Nghệ, Đinh lăng, Hoè, Ba kích, Diệp hạ châu, Cỏ mực, Lạc tiên, dây thìa canh, Trinh nữ hoàng cung, Gừng, Gấc, Kim tiền, Thảo, Quế, Củ mài, Actiso, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam… Thực tế cho thấy trồng cây dược liệu có giá trị cao hơn khoảng 3-5 lần so với một số cây trồng khác như ngô, khoai, sắn, keo lai, bạch đàn, một số cây ăn quả… trên cùng một diện tích.

mo hinh phuc hoi nhan giong cay duoc lieu tai xa na ngoi huyen ky son

Mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn

Đa số cây dược liệu ưa bám râm vì vậy có thể trồng xen dưới tán rừng nguyên sinh (như sâm Ngọc linh, Ba kích, thảo quả, các loài nấm…) hay dưới tán rừng trồng cây lâu năm, có thể tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động miền núi, lúc thu hoạch vận chuyển nhẹ, giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, bình quân 1kg sâm Ngọc Linh được trồng 4-6 năm tại Con Tum có giá bán trên dưới 150 triệu đồng, chè Hoa vàng ở Tam Đảo-Vĩnh Phúc bán với giá khoảng trên 10 triệu đồng/kg hoa khô.
Vừa qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công tác quản lý, bảo tồn và phát triển dược liệu đã được một số cơ quan khoa học như Viện Dược Liệu –Bộ y tế quan tâm. Một số doanh nghiệp như tập đoàn Vinhgrup, TH đã đầu tư phát triển cây dược liệu ở tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum… Việc nghiên cứu các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng được một số doanh nghiệp sản xuất như: Hoạt huyết dưỡng não từ Cao Đinh Lăng và Cao Bạch Quả, Boganic từ Actiso, Ampelop từ Chè dây của Công ty Traphac, Diabetna từ Dây Thìa Canh của công ty Nam Dược…
Tuy nhiên, diện tích phát triển cây dược liệu của cả nước còn rất thấp so với quỹ đất hiện có. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ còn hạn chế, nguồn lực và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển dược liệu chưa cao. Năng suất sản lượng cây dược liệu thấp lại thiếu quy hoạch tập trung. Công tác nghiên cứu sản phẩm từ dược liệu quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng, chưa mở rộng được thị trường trong và ngoài nước… nhìn chung việc nuôi trồng, phát triển và chế biến dược liệu còn manh mún, phân tán, chưa tương xứng với tiềm năng, đất đai, khí hậu … của đất nước, nhất là khu vực miền núi.
Nguyên nhân, hạn chế, trước hết do nhận thức về tiềm năng, lợi thế về dược liệu của các cấp, các ngành chưa đầy đủ, sâu sắc. Nhà nước chậm có cơ chế, chính sách thoả đáng, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu, chậm quy hoạch và khuyến khích nông dân miền núi tích cực phát triển cây dược liệu…
Để người dân miền núi Việt Nam từng bước làm giàu được từ phát triển cây dược liệu, xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phát triển ngành dược liệu.
Trên cơ sở các văn bản của Đảng và Nhà nước như: Chỉ thị số 24/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông Y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam; Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2013 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Luật dược năm 2016, Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương (Khoá XII) “về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân trong tình hình mới. Nghị định 57/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ “về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”… Các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến rộng rãi đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nội dung các văn bản trên nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong nuôi trồng, khai thác, chế biến nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh ngành dược liệu Việt Nam.
Hai là, Chính phủ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dược liệu.
Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng việc chỉ đạo, điều hành cụ thể hoá thành chính sách, chương trình, kế hoạch, công tác quy hoạch dược liệu, cân đối nguồn nhân lực đầu tư phát triển dược liệu, đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ chế biến.
Về phân cấp quản lý, công tác phát triển dược liệu, nên phân công cho ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn vì ngành có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu. Công tác quản lý, chế biến và kiểm soát chất lượng vẫn giao cho ngành y tế là cơ quan quản lý nhà nước về y dược. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu, tổ chức phát triển nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, chính quyền các cấp tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển mạnh mẽ cây dược liệu.
Trên cơ sở quy hoạch và các chính sách của Chính phủ đã phê duyệt, ban hành chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã…) chỉ đạo điều tra, khảo sát cây dược liệu, xác định nhóm cây dược liệu phù hợp, phân loại các loại rừng có thể phát triển được cây dược liệu, điều hành tốt công tác khuyến nông để các hộ nông dân đầu tư phát triển cây dược liệu gắn với quản lý chặt chẽ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường.
Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức Chính trị-xã hội trong phát triển cây dược liệu.
Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức Chính trị xã hội phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động đông đảo đoàn viên, hội viên, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển cây dược liệu để làm giàu chính đáng gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Vận động nông dân, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ cây dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ là một trong những giải pháp quan trọng để làm giàu ở các địa phương miền núi thời gian tới./.
 

Nguyễn Thế Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay12,237
  • Tháng hiện tại329,270
  • Tổng lượt truy cập14,983,164
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây