Nghệ An: Dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng

Thứ tư - 31/07/2019 20:19
undefined
undefined
Mặc dù tỉnh Nghệ An đã thực hiện niều biện pháp để phòng, chống và dập dịch tả lợn Châu Phi nhưng hiện nay dịch bệnh đã lây lan trên diện rộng. Hiện, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng khó kiểm soát khi đã có đến 13 huyện, thị xuất hiện ổ dịch. 

 

Từ ổ dịch được phát hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu vào ngày 12/3, đến ngày 22/5, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 13 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, bao gồm: Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nam Đàn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, T.X Hoàng Mai, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn và mới đây nhất là huyện biên giới Kỳ Sơn. Dịch bệnh có xu hướng phát sinh ra nhiều xã, huyện trong tỉnh. Tính đến ngày 22/5 mới chỉ có Tân Kỳ, Đô Lương, Quỳ Châu công bố hết dịch, Quỳnh Lưu cũng đã công bố hết dịch nhưng nay lại phát sinh ổ dịch mới.

Một chốt kiểm soát dịch ở Quỳnh Lưu, Nghệ An
Một chốt kiểm soát dịch ở Quỳnh Lưu, Nghệ An


Hiện nay, hai huyện Diễn Châu và Nghi Lộc là địa bàn dịch diễn biến phức tạp nhất. Tại huyện Diễn Châu chỉ trong ngày 9/5 phát hiện thêm ba ổ dịch ở các xã Diễn Mỹ, Diễn Bích và Diễn Quảng. Nếu tính từ ngày 01/5 đến nay toàn huyện này đã có tới 12 điểm dịch gồm các xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Thái, Diễn Trường, Diễn Mỹ, Diễn Quảng, Diễn Bích, Diễn Đoài, Diễn Xuân, Diễn Hồng, Diễn Hạnh và Diễn Lộc.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Diễn Châu đã chủ động trích ngân sách hỗ trợ mỗi xã có dịch tả lợn Châu Phi 10 triệu đồng để mua vôi bột, giám sát dịch bệnh. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương khi có dịch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban phòng chống dịch. Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Chăn nuôi & Thú y Nghệ An, cho rằng: “Với mức độ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhanh trên địa bàn huyện Diễn Châu trong những ngày qua là rất đáng lo ngại. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì địa phương này có nguy cơ công bố dịch tả lợn châu Phi trên toàn huyện”.

Cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm tại xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc)
Cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm tại xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc)


Trong khi đó, huyện Nghi Lộc là địa phương giáp ranh với Diễn Châu cũng có 4 xã có ổ dịch gồm các xã Nghi Mỹ, Nghi Hưng, Nghi Trung, Nghi Hoa. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Nghi Lộc đang diễn biến khó lường, đặc biệt là tại ổ dịch mới xã Nghi Hoa vì đây là địa phương nằm ở vùng trung tâm, có lượng xe lưu thông lớn và lò mổ tập trung cung cấp cho thị trường lượng thịt lớn mỗi ngày.

Một điều đáng lưu ý là huyện Quỳnh Lưu - địa phương đầu tiên của tỉnh Nghệ An công bố hết dịch nhưng mới đây đã có ổ dịch mới. Theo đó, ngày19/3, UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn xã Quỳnh Hưng. Sau 30 ngày kể từ khi công bố dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn xã Quỳnh Hưng và vùng uy hiếp gồm: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng, Quỳnh Diễn và Quỳnh Thọ không phát sinh thêm ổ dịch mới. Vì thế, ngày 18/4 huyện đã ra công văn công bố hết dịch. Thế nhưng mới đây ngày 16/5, cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu cho biết tại xã Sơn Hải vừa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi khi chiều 15/5 xã nhận được thông báo của cơ quan thú y, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm trên địa bàn dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tiếp đó, ngày 21/5, tại 2 xã Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng cũng lần lượt phát hiện thêm 2 ổ dịch mới.

Kiểm tra lợn ốm chết do dịch tả lợn Châu Phi tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn
Kiểm tra lợn ốm chết do dịch tả lợn Châu Phi tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn


Mới đây nhất, ngày 21/5, 3 hộ chăn nuôi là Seo Phò Phết, Cụt Văn Quang và Hòa Phò Diện ở xã biên giới Mường Típ (huyện Kỳ Sơn) xuất hiện lợn ốm chết. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, các mẫu bệnh phẩm lợn ốm chết tại địa phương này đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, là huyện thứ 13 của tỉnh Nghệ An xuất hiện bệnh dịch này.

Nghệ An là tỉnh có địa hình rộng, giáp với nhiều tỉnh bạn và nước Lào, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, nhiều đường mòn, lối mở; hoạt động giao thương buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên.

Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, đan xen trong các khu dân cư; các hộ chăn nuôi thường sử dụng thức ăn thừa từ nhà hàng, khách sạn chưa qua nấu chín cho lợn ăn. Đây đều là những nguy cơ khiến dịch bệnh xảy ra và lan rộng.

Đào hố tiêu hủy lợn bị chết do dịch
Đào hố tiêu hủy lợn bị chết do dịch


Thời gian qua, dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, gia trại quy mô nhỏ, dịch có xu hướng “nhảy cóc”, phát tán ra nhiều huyện trong tỉnh. Diễn biến dịch bệnh rất khó lường, không theo quy luật nhất định.

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh yêu cầu các địa phương phải bám sát Kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi của UBND tỉnh Nghệ An, căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn để triển khai thực hiện. Đối với hai huyện là Diễn Châu và Nghi Lộc, thực hiện theo phương án khi dịch đã xảy ra trên diện rộng.

Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Nghệ An thì hiện nay sau hơn 2 tháng xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi cả tỉnh đã có hơn 30 ổ dịch; cơ quan chức năng cũng đã phải tiêu hủy trên 700 con lợn với tổng trọng lượng trên 30 tấn và sử dụng trên 25 tấn hóa chất khử trùng để ứng phó với dịch.

 


 

 

Đình Tiệp

Theo: Báo Tài nguyên và Môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập192
  • Hôm nay10,452
  • Tháng hiện tại212,781
  • Tổng lượt truy cập14,866,675
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây