Theo dự báo cúa ngành Khí tượng Thế giới và Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn Quốc gia thì năm 2023 là năm nắng nóng nhất trong lịch sử, nhưng năm 2024 khả năng nắng nóng và hạn hán còn xẩy ra nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, các địa phương cần chủ động có phương án sản xuất và phòng chống hạn hợp lý để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu gây ra.
Cảnh báo năm 2024 nắng nóng hạn hán nghiêm trọng:
Năm 2023 vừa qua cả thế giới chứng kiến những kỷ lục cực đoan của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông lâm nghiệp trên toàn thế giới. Hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, nước biển dâng… xẩy ra khắp nơi. Nắng nóng và hạn hán bao giờ cũng đi kèm với tăng nhiệt độ không khí. Sự tăng vọt nhiệt độ không khí trên trái đất một phần do hoạt động của ELNino, nhưng theo các nhà khoa học về khí tượng thế giới, nguyên nhân chính là do quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghệ sử dụng quá nhiều nguyên, nhiên liệu gây ra chỉ số về khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, mật độ khí Carbon dioxide (CO2), methan và nitrousoxide đều tăng lên ở mức kỷ lực. Vì vậy, năm 2023 vừa qua được ghi nhận là năm nắng nóng nhất trong lịch sử 125.000 năm đã qua, với nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,30C chỉ trong thời gian từ tháng 1/2022 đến hết tháng 10/2023. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, diễn biến thời tiết ở nhiều khu vực trên thế giới sẽ vô cùng khắc nghiệt; hoạt động của ELNino kết hợp với biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao và năm 2024 khả năng nắng nóng, hạn hán còn nghiêm trọng hơn cả năm 2023.
Riêng ở Nghệ An, từ đầu năm 2024 lại nay, trời chỉ có mưa phùn, sương mù, nhiệt độ không khí cao hơn TBNN trên 1,00C, nước ở 1.061 hồ đập thuỷ lợi lớn nhỏ và các hồ đập thuỷ điện đã xuống thấp hơn TBNN cùng kỳ này 30 – 35%. Chính vì trời không có mưa lớn nên nước dự trữ trong các hồ đập xuống cạn, nước sông Lam chưa bao giờ xuống cạn như bây giờ, khiến cho các trạm bơm dọc sông Lam phải ngừng hoạt động, nhất là các trạm bơm ở huyện Thanh Chương phải vất vả để nạo vét sâu nguồn nước từ ngoài lòng sông vào bể hút và nối dài thêm ống hút để các trạm bơm có thể hoạt động được. Cũng chưa bao giờ từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, các hồ đập thuỷ điện buộc phải xả nước xuống sông Lam để có nước cho các trạm bơm hoạt động chống hạn và cấp nước cho sinh hoạt.
Nguồn nước tưới giảm mạnh:
Những ngày vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng hầu như liên tục thông báo về tình hình diễn biến của khí tượng thuỷ văn rất bất lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí cao, hạn hán xẩy ra nghiêm trọng, nước mặn dâng sâu vào đất liền, cháy rừng xẩy ra một số nơi… Những hiện tượng xẩy ra nói trên, trong đó có Nghệ An.
Vụ lúa xuân hiện nay ở tỉnh ta đã bắt đầu vào giai đoạn làm đòng, thời kỳ này phải bằng mọi biện pháp không để thiếu nước trên ruộng và tiếp theo sau đó là nguồn nước tưới cho vụ sản xuất hè thu. Nhưng nguồn nước tưới cho vụ lúa xuân hiện nay đang gặp khó khăn, nhất là vùng nước tưới bơm điện dọc hai bên bờ sông Lam do nước sông Lam xuống quá thấp, máy bơm phải ngừng hoạt động. Trong đó diện tích bị hạn nhiều nhất là huyện Thanh Chương lên đến hơn 2000 ha tập trung ở các xã Cát Văn, Đại Đồng, Thanh Ngọc… Ở Đô Lương có các xã: Thuận Sơn, Trung Sơn… khoảng 350 – 400 ha. Riêng ở các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Vinh sử dụng nguồn nước tưới từ cống Nam Đàn về cũng đang gặp khó khăn lớn, do nước sông Lam xuống thấp, lưu lượng nước chảy quả cống Nam Đàn giảm sâu. Theo số liệu quan trắc ngày 30/3/2024 cho biết: mực nước chảy qua ống Nam Đàn chỉ có 0,25m/1,15m thiết kế. Vì vậy, nguồn nước trong lòng kênh Thấp chảy từ cống Nam Đàn về Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh không đủ cho các trạm bơm hoạt động theo yêu cầu sản xuất. Nếu những ngày sắp tới, trời không có mưa, nắng nóng kéo dài thì hơn 10.000 ha lúa trong vùng Nam – Hưng – Nghi – Vinh sẽ bị hạn nặng vào giai đoạn lúa trổ bông.
Về nguồn nước tưới ở 1.061 hồ đập lớn nhỏ trong toàn tỉnh, tại thời điểm hiện nay (30/3) có thể nói đáng báo động. Trong số hồ đập nói trên có 2 hồ chứa nước lớn nhất, đó là: Hồ Vực Mấu ở Quỳnh Lưu có dung tích thiết kế 74,10 triệu m3 nước, dung tích nước hiện có 42,37 m3, đạt 57,2% dung tích thiết kế. Hồ sông Sào ở Nghĩa Đàn có dung tích thiết kế 51,42 triệu m3 nước, dung tích nước hiện có 44,38 triệu m3, đạt 86,3% dung tích thiết kế. Có 2 hồ có dung tích thiết kế trữ nước từ 15 – 18 triệu m3 nước, đó là: Hồ Vệ Vừng Yên Thành, dung tích thiết kế 18,36 triệu m3 nước, dung tích nước hiện có 11,34 triệu m3, đạt 61,8% dung tích thiết kế. Hồ Khe Đá ở huyện Tân Kỳ, dung tích thiết kế 16,50 triệu m3 nước, dung tích nước hiện có 12,10 triệu m3, đạt 78,3% dung tích thiết kế. Có 3 hồ có dung tích thiết kế từ 9 – 10 triệu m3 nước, như các hồ: Xuân Dương, Mả Tổ, Bàu Da, cả 3 hồ này dung tích nước hiện có chỉ đạt từ 50 – 60% so với dung tích thiết kế. Có 65 hồ có dung tích thiết kế từ 0,5 – 5 triệu m3 nước, dung tích nước hiện có chỉ ở mức trung bình 50 – 60% so với thiết kế; còn lại 989 hồ đập nhỏ và cực nhỏ phần lớn do các xã và HTX quản lý, hiện dung tích nước trong hồ chỉ ở mức cao nhất là 70 – 80%, nhỏ nhất là 16 – 20% so với dung tích thiết kế.
Rõ ràng nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay rất đáng báo động, nhất là vùng tưới nước thông qua hệ thống bơm điện ở vùng Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh và vùng tưới nước hồ đập.
Chủ động nhiều phương án chống hạn:
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương và Đài Khí tượng Thuỷ văn vùng Bắc Trung Bộ thì thời gian tới không hoặc có mưa cũng không đáng kể, mực nước sông Lam tiếp tục giảm mạnh, mực nước trong các hồ đập thuỷ lợi và thuỷ điện xuống rất thấp, thậm chí khô cạn. Trong khi đó, từ nay đến cuối vụ xuân cần ít nhất 1 – 2 lần tưới để có nước cho lúa làm đòng, trổ bông và chín. Vì vậy, việc sử dụng nước tưới cho cả vụ xuân hiện nay và cho cả vụ hè thu tới cần chủ động có các phương án phòng chống hạn hợp lý, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh khuyến cao: Phải tuyệt đối quản lý chặt chẽ tất cả các nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước, sử dụng nguồn nước tưới hết sức tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới nước khoa học, tiết kiệm cho lúa và các cây trồng cạn. Đồng thời, tổ chức nạo vét tất cả các hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước tốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Tận dụng triệt để mọi nguồn nước để phục vụ sản xuất. Mỗi khi các hồ đập thuỷ điện xả nước để tăng nguồn nước tưới về vùng hạ du thì phải tập trung lấy thật nhiều nước đưa vào các hệ thống kênh mương, ao hồ, đầm đìa, bàu biền, sông cụt… vừa phục vụ nước tưới cho vụ xuân, vừa dự trữ nước tưới cho vụ hè thu tới. Mặc khác, chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, sẵn sàng vận hành bất cứ lúc nào.
Sản xuất vụ xuân chỉ còn hơn 2 tháng nữa cơ bản kết thúc, tiếp nối sau đó là vụ sản xuất hè thu, chắc chắn mức độ nắng nóng và hạn hán sẽ rất nghiêm trọng. Vì vậy ngoài những giải pháp như nói ở trên, rất cần lưu ý thêm: Thứ nhất, kiểm tra rà soát, đánh giá và cân đối nguồn nước có thể đảm bảo gieo cấy được bao nhiêu ha lúa ở vùng nào, cánh đồng nào; còn lại bao nhiêu ha không có khả năng gieo cấy được, vì nguồn nước tưới không đảm bảo. Trên diện tích này nhất thiết phải chuyển sang gieo trồng cây trồng cạn, như: vừng, đậu đỗ, khoai lang, ngô sinh khối… Nhưng phải gieo trồng sớm sau khi thu hoạch xong lúa xuân, lúc đất còn đủ ẩm.
Thứ hai, nhất thiết phải tiết kiệm nước tưới, biện pháp tốt nhất là gieo mạ để cấy, tuyệt đối không nên tháo nước ra để gieo sạ trong vụ hè thu tới.
Thứ ba, chỉ nên gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng càng ngắn ngày càng tốt, tốt nhất không quá 100 ngày để giảm thời gian tưới nước, trong khi nguồn nước tưới bị hạn chế, thậm chí không có.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí mua sắm máy bơm nước thế hệ mới để thay thế những máy bơm đã cũ kỹ, lỗi đời không đáp ứng được yêu cầu bơm nước phòng chống hạn hiện nay.