Quảng Bình thành biển nước, 40.000 nhà dân ngập từ 0,5 m đến trên 3m

Chủ nhật - 18/10/2020 21:23
Theo số liệu báo cáo nhanh từ các địa phương trong tỉnh, tính đến chiều ngày 18-10, mưa lũ đã làm ngập khoảng 40.000 nhà dân trong nước lũ từ 0,5 m đến trên 3m; nhiều khu dân cư bị cô lập bởi nước lũ dâng cao và nhiều tuyến đường giao thông đường bộ huyết mạch bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng đã cắt đứt việc lưu thông. 

 

Mưa to trở lại đã khiến nhiều nhà dân ngập sâu trong nước lũ.
Mưa to trở lại đã khiến nhiều nhà dân ngập sâu trong nước lũ.

Tại huyện Lệ Thủy, mực nước lũ dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 là 59cm, đã làm ngập lụt hơn 20.000 nhà dân. 

Nước lũ dâng cao làm ngập lụt hơn 13.000 ngôi nhà ở huyện Quảng Ninh; hơn 4.000 ngôi nhà ở thị xã Ba Đồn; các huyện Minh Hóa và Bố Trạch mỗi địa phương có trên 1.000 nhà bị ngập lụt; huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch và TP. Đồng Hới mỗi địa phương có gần 1.000 nhà  bị ngập trong nước lũ. 

 

 

Ngoài ra, còn có hàng trăm trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế... trên địa bàn các địa phương cũng bị ngập sâu trong nước lũ.

Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ngập sâu trong nước lũ.
Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ngập sâu trong nước lũ.

Thống kê bước đầu, hiện số thôn, bản bị chia cắt, cô lập gồm: Huyện Quảng Ninh có 57 thôn/11 xã, bản; huyện Tuyên Hóa có 23 thôn, bản/10 xã; huyện Bố Trạch có 24 thôn, bản. Trong các thôn, bản bị chia cắt, cô lập, có 49 bản/9 xã vùng biên giới.

Trước tình hình mưa to và nước lũ dâng cao, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã di dời khoảng 500 hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ngoài tàu VTB Star QT Việt Nam neo tại cảng Hòn La bị gió to làm rê neo, mắc cạn cách cửa Gianh 3,7 hải lý về phía Bắc, hiện có 2 tàu đánh cá của ngư dân ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) neo tại sông Nhật Lệ bị đứt dây néo, trôi về cầu Nhật Lệ 1, có nguy cơ bị chìm. UBND thành phố Đồng Hới đã đã huy động lực lượng cứu hộ an toàn lên neo đậu tại khu neo đậu Chợ Ghộ.

Đường Hồ Chí Minh đi qua xã Trường Sơn (Quảng Ninh) nhiều điểm bị sạt lở cắt đứt tuyến đường giao thông đường bộ đến xã.
Đường Hồ Chí Minh đi qua xã Trường Sơn (Quảng Ninh) nhiều điểm bị sạt lở cắt đứt tuyến đường giao thông đường bộ đến xã.

Theo báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải, mưa lũ đã gây ngập lụt, sạt lở mái taluy dương, tayluy âm đường làm tắc đường trên nhiều điểm của tuyến Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây; các quốc lộ 12A, 12C, 15, 9B, 9C, 9E; các đường tỉnh 558, 558C, 559, 559 B, 562, 564, 564B...

Nhiều tuyến đường giao thông đường bộ huyết mạch ngập sâu trong nước lũ.
Nhiều tuyến đường giao thông đường bộ huyết mạch ngập sâu trong nước lũ.

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại khá lớn đối với các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và tài sản, nhà dân... hiện chưa thể thống kê được.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã triển khai thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống, đối phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trong đó, đáng chú ý, các địa phương đã thành lập tổ chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn và chủ động, tích cực triển khai công tác cứu hộ, di dời dân khỏi vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cơ động đến những vùng xung yếu kịp thời cứu giúp người dân. 

Sạt lỡ đất gây ách tắc trên nhiều tuyến đường huyết mạch và gây mất an toàn khi các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua.
Sạt lở đất đá gây ách tắc trên nhiều tuyến đường huyết mạch và gây mất an toàn khi các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua.

Cùng đó, các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng đã kịp thời có mặt tại các điểm xung yếu để di dời và sẵn sàng di dời dân ra khỏi vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở đất bảo đảm an toàn. 

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dự trữ và cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài; rà soát, kiểm tra các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, hạ lưu các hồ đập, vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp...

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn: Dự báo từ tối 18-10 đến hết ngày 20-10, trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục có mưa to, rải rác mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 450mm, có nơi trên 500mm.

Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh, mực nước trên các sông có khả năng tăng cao như: Sông Gianh tại Mai Hóa đạt 7m trên báo động III 0,5 m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng đạt đỉnh 4,30 m trên báo động III 1,60 m.

Từ 12-24 giờ tới, lũ trên sông Kiến Giang dao động ở mức cao, lũ trên sông Gianh tiếp tục lên nhanh, mực nước tại Mai Hóa có khả năng đạt đỉnh 8,2m và không loại trừ khả năng trên Sông Gianh xuất hiện lũ đặc biệt lớn.

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng diễn ra trên diện rộng ở hạ lưu các sông và vùng trũng thấp các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các huyện Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hóa...

Bùi Thành

Nguồn tin: Báo Quảng Bình: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập135
  • Hôm nay13,115
  • Tháng hiện tại330,148
  • Tổng lượt truy cập14,984,042
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây