Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân 19 tỉnh, thành tham dự hội nghị, gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị sẽ quán triệt, bàn cách xây dựng 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp; Nghị quyết về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam; Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kiên trì lý tưởng, mục tiêu
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Ba nghị quyết này đã được khảo sát thực tiễn ở các địa phương một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu công phu, đảm bảo mang hơi thở cuộc sống, đúng mong muốn của hội viên, thể hiện quyết tâm cao của các cấp Hội và đồng bào nông dân cả nước.
Để thực hiện các nghị quyết đạt hiệu quả cao, đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị mỗi cán bộ Hội và hội viên nông dân sẽ nghiên cứu, quán triệt hiểu và nhận thức sâu sắc những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết đề ra để thực hiện có hiệu quả nhằm xây dựng Hội ND Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Thào Xuân Sùng còn dẫn chứng về bài học của Bác Hồ thông qua tác phẩm dân vận của Người. "Trong công tác dân vận phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Vì vậy, Bác Hồ xác định "việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng và cán bộ phải "học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phục sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phục vụ Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" là đạo đức cách mạng vô cùng quý báu của một người cán bộ..." - đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Đưa tam nông vượt khó
Dù lĩnh vực tam nông của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, song theo đồng chí Thào Xuân Sùng, chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.
"Trước tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi cán bộ hội và hội viên nông dân nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, phong cách mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, trình độ canh tác nông nghiệp hàng hóa đạt chuẩn quốc tế vì bạn bè và vì chính mình.
Vì vậy, mỗi cán bộ Hội phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào cam kết thực hiện các Hiệp định thương mại tự do với những tiêu chuẩn cao, toàn diện, cân bằng để vượt qua khó khăn, thách thức và khai thác có hiệu quả thuận lợi và "cơ hội vàng" đem đến cho Việt Nam" - Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, trong môi trường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, các cấp Hội ND và cán bộ Hội phải đặc biệt quan tâm làm tốt việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, ban hành quy ước, hương ước về phát huy những tính cách tốt đẹp như rất đoàn kết, rất thông minh, rất cần cù, rất khéo léo, rất xởi lởi, rất thích tụ tập và loại bỏ những tính cách xấu như đố kỵ, hẹp hòi, cán nhân, ném đá giấu tay, coi thành công của người khác như kẻ thù và đoàn kết chỉ xuất hiện trong khó khăn...
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, Ninh Bình rất vinh dự khi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII. Đây là những Nghị quyết chuyên đề quan trọng và hết sức cần thiết mang tính cốt lõi về công tác xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Bà Thanh cho biết thêm, trong lĩnh vực tam nông, Ninh Bình cũng đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết chuyên đề tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Ninh Bình luôn được Trung ương đánh giá tốp cao cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá cao vai trò của các cấp Hội và hội viên nông dân, người đứng đầu tỉnh Ninh Bình cho rằng: Những kết quả đạt được, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Hội và ND toàn tỉnh. So với trước đây, hiện các chương trình, hoạt động của Hội ngày càng cụ thể, hướng mạnh về cơ sở, hỗ trợ nông dân, mang lại lợi ích thiết thực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
"Đặc biệt Hội ND tỉnh đã triển khai Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016 - 2020” và phong trào "chống rác thải nhựa, túi nilon" rất thời sự và thực tế góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" - bà Thanh khẳng định.
Coi trọng công tác đào tạo cán bộ
Tuyền đạt thông tin về Nghị quyết 06-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội NDVN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới tại hội nghị, ông Phạm Xuân Hồng - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Hội ND Việt Nam cho biết, mục tiêu đề ra là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến cấp xã có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, uy tín, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có cơ cấu hợp lý về giới tính, dân tộc, ngành nghề, vùng miền; bảo đảm sự kế thừa liên tục và vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Nông dân Việt Nam.
Theo ông Hồng, Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Hội; làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn, tuyển chọn, bố trí, phân công, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở Hội...
"Mục tiêu cụ thể đến 2023 chúng ta có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; 100% Chủ tịch Hội ND cấp xã có trình độ lý luận chính trị trung cấp, trình độ chuyên môn đại học và được tập huấn nghiệp vụ công tác vận động quần chúng; Phấn đấu ít nhất từ 40% cán bộ chuyên trách Hội ND cấp trung ương và cấp tỉnh biết sử dụng 1 ngoại ngữ trong giao tiếp..." - ông Hồng khẳng định.
Hội nghị tiếp tục diễn ra trong ngày 18/9 với việc quán triệt, triển khai các nghị quyết về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên nông dân Việt Nam; về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Trần Quang
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc