“Ngày vui” trên đỉnh Pa Cà Tún

Thứ tư - 18/10/2023 21:27
(Hội NDNA) - Lần đầu tiên một xã vùng cao, biên giới của tỉnh, chợ phiên người Mông được xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đứng ra tổ chức nhưng đã thành công, tạo dấu ấn không chỉ với người dân địa phương mà cả du khách. Phiên chợ đã diễn ra, không những là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, sản vật do chính cư dân bản địa nơi đây mà còn là nét sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.
xt 01 1
Tiết mục văn nghệ đến từ các bản lảng người Mông được biểu diễn trong buổi khai trương ở xã Tri Lễ. Ảnh: Xuân Thống
Độc đáo chợ phiên người Mông

Từ sáng tinh mơ, khi các bản làng, núi đồi nhìn về dãy Pa Cà Tún còn mờ sương và mây mù, từ trẻ đến người già khắp mường trên bản dưới đã xúng xính trong trang phục đồng bào tìm về bản Đ1, nơi diễn ra phiên chợ “độc nhất vô nhị”- chợ phiên người Mông lần đầu tiên được tổ chức xã Tri Lễ đứng ra tổ chức.

Phiên chợ đặc biệt của người Mông diễn ra trong thời điểm đặc biệt, từ 1 đến 2/9, đúng dịp đất nước hân hoan ngày độc lập đã thu hút đông đảo người dân nhiều nơi tìm về. Đến với phiên chợ, bà con dân bản và du khách không chỉ được chứng kiến, tham quan, thưởng lãm các sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao, biên giới do chính họ làm ra, mà đây còn là dịp hội tụ được những nét độc đáo trong rực rỡ những gam màu thổ cẩm và văn hóa, ẩm thực của các cộng đồng dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái địa phương và cả anh em các dân tộc Lào nơi biên giới cụm bản của huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn.

Ông Lữ Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, là xã biên giới nằm về phía Tây nam của huyện Quế Phong, cách trung tâm huyện gần 30 km, Tri Lễ tiếp giáp với 2 cụm bản Phăn Thoong và Phả Đảnh, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Xã có chiều dài đường biên giới hơn 18,3km, diện tích tự nhiên trên 20.298ha, dân cư được bố trí ở 16 thôn bản, với 2.126 hộ, 10.897 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 5 bản dân tộc Mông, với 506 hộ, 3.129 khẩu, sinh sống rải rác theo đường biên giới, phân bổ dân cư theo từng bản và từng nhóm họ cùng sinh sống, tập quán canh tác chủ yếu là phát nương làm rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, riêng số hộ nghèo của các bản Mông còn 406 hộ, chiếm 25% tỷ lệ hộ nghèo toàn xã.

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền huyện và các tổ chức, đơn vị trong và ngoài huyện, xã Tri Lễ đã đón nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ về các các nguồn lực để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Đảng ủy, chính quyền xã có nhiều chủ trương, biện pháp như ban hành các nghị quyết, chuyên đề, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại nhân dân nên tình hình phát triển kinh tế xã Tri Lễ nói chung và của của 5 bản Mông nói riêng đã từng bước đi lên. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được thành lập, duy trì và đạt hiệu hiệu quả cao như mô hình trồng cây chanh leo, mô hình nuôi gà đen, khoanh bảo vệ măng đắng và các mô hình chăn nuôi trang trại, nghề rèn… đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng.
 
xt 02
Các mặt hàng là sản vật do chính bà con nông dân xã Tri Lễ làm ra để mang bán tại phiên chợ. Ảnh: Xuân Thống
“Chợ phiên người Mông được huyện đồng ý chủ trương, giao địa phương tổ chức lần đầu được tổ chức trên chính nơi đồng bào mông quần cư, sinh sống nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để người dân kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời thông qua chợ phiên để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm đặc hữu tiêu biểu, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến với nhân dân và du khách”, ông Lữ Văn Cương nói.

Đến chợ phiên người Mông Tri Lễ ngoài giao lưu, kết nối, ai ai cũng muốn chọn cho mình một sản phẩm nào đó của đồng bào để làm kỷ niệm, cũng có thể là thưởng thức một vài sản vật, thức ăn hay trang phục truyền thống đặc trưng của người Mông. Với du khách khi đến với xã biên giới này còn được chứng kiến được sự đổi thay của bản làng khi được tận mắt thấy đường sá đi lại được thuận tiện, nhiều công trình, dự án được đầu tư đã thực sự là “đòn bẩy” để xã nghèo ngày một đi lên, tạo động lực để nhân dân các dân tộc chung tay bảo vệ biên giới, giữ yên bản làng.

Chợ phiên người Mông không chỉ giới hạn bởi không gian, con người nơi bản địa, đáp ứng nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của người dân sinh sống xung quanh 5 bản vùng cao, biên giới của xã Tri Lễ, mà còn thu hút người dân tại các xã thuộc các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, thị xã Thái Hoà và cả thành phố Vinh. Sự độc đáo và những nét đặc trưng của chợ phiên Tri Lễ đã thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó quảng bá tiềm năng, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Phiên chợ kết nối giao thương cộng đồng

Chợ phiên người Mông xã Tri Lễ được tổ chức định kỳ vào ngày 1 dương lịch hàng tháng. Sau phiên chợ “thử nghiệm” này, trên tinh thần nguyện vọng và nhu cầu của bà con, địa phương sẽ nghiên cứu để nâng số phiên họp chợ từ 1- 2 lần/tháng. Tại đây không chỉ là nơi trao đổi, giao thương hàng hóa mà còn diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao, trình diễn các ngành nghề truyền thống… để bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc về ý thức trách nhiệm của mình song song với việc phát triển kinh tế, đồng thời cũng xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Đến với Tri Lễ, hoà vào dòng người tham gia chợ người Mông, người và xe từ các hướng đã tấp nập, nhộn nhịp, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp tại khu vực cổng chợ. Từ quốc lộ 16 đến bản Đ1, dễ dàng bắt gặp những tốp người của các dân tộc Mông, Khơ mú, Thái đang gùi những mặt hàng để hòa vào nhịp bán buôn của phiên chợ.
 
xt 03 1 1
Chợ phiên người Mông Tri Lễ lần đầu được tổ chức, thu hút đông đảo người dân địa phương và nhiều nơi tìm về. Ảnh: Xuân Thống
Sau phần lễ khai trương chợ được chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, thiết thực, người dân và du khách đã được đón nhận những tiết mục văn nghệ, biễu diễn nhạc cụ khèn Mông cùng điệu nhảy ý tứ của nam thanh nữ tú người Mông đã đưa đến cảm xúc người xem như một ngày hội lớn của đồng bào.
Tại khu vực sân bãi, nhiều địa điểm, gian hàng trong khuôn viên chợ được trưng bày nhiều loại nông sản, đặc sản vùng cao như các loại rau rừng, củ, quả, khoai sắn, các loại măng, mật ong, nếp nương, cơm lam, thịt khô, da trâu, rượu Mông. Không kém phần sôi độnglà các dãy gian hàng quán những món ăn nhanh “tại chỗ”, các món ẩm thực của đồng bào vùng cao,nhưng ấn tượng và thu hút đông đảo thực khách nhất là món thắng cố ngựa. Trong không gian của phiên chợ còn diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao như chọi trâu, thi đấu vật… mang đậm đặc sắc văn hoá của người Mông cũng như cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Có mặt từ rất sớm cùng nhiều thế hệ trong gia đình đến với trung tâm nơi diễn ra phiên chợ, anh Lô Văn Tuấn, thôn Tân Thái (bản Lằm), xã Tri Lễ rất phấn khởicho hay, gia đình đi chợ phiên này vừa để gặp bạn bè, người thân quen, họ hàng, vừa để quan sát, tìm mua một số đồ dùng sinh hoạt cho gia đình. Với người Thái chúng tôi lâu nay luôn luôn gần gũi, sát cánh với bà con dân tộc Mông nên đến phiên chợ này rất thích thú và mong muốn được duy trì hàng tháng và có thể nhiều phiên hơn.

Còn với Và Bá Dờ, dân tộc Mông sinh sống ở bản Thăm Thẳm cho biết, sáng naymình háo hức đưa vợ và 2 con xuống chợ từ rất sớm. Đến chợ, gia đình muốn mua một số vật dụng là nông cụ để về bản làm nương, làm rãy. Đã nhiều lần từ bản xa đi nhiều nơi nhưng lần ra Na Niếng hôm nay chứng kiến phiên chợ rất đông người. Dờ vui lắm, vì chợ người Mông mình được tổ chức lần đầu giúp anh gặp được những người quen, anh em họ hàng sinh sống cùng bản, cùng xã.

Ồn Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, sau khi xã Tri Lễ có tờ trình về việc xin chủ trương Thường trực Huyện uỷ cho xã tổ chức chợ phiên người Mông trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của tập thể Huyện uỷ, UBND cũng như các tổ chức, đoàn thể. Sau khi triển khai, huyện đã ban hành kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng phòng, ngành để tổ chức chợ đảm bảo yêu cầu, đáp ứng như cầu văn hoá, du lịch cho người dân trên địa bàn xã cũng như toàn huyện. Bên cạnh công tác tổ chức về không gian, gian hàng và yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện đã chú trọng giao chao các lực lượng công an, biên phòng, quân sự tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

“Đồng bào các dân tộc huyện nhà nói chung và người Mông sinh sống trên địa bàn huyện Quế Phong nói riêng hết sức vui mừng khi sau bao nhiêu nỗ lực, dự định, nhân dân cùng chính quyền đã tổ chức mở được phiên chợ cho đồng bào dân tộc tại xã Tri Lễ. Đây được xem là phiên chợ đậm đà bản sắc đồng bào dân tộc hiện đang sinh sống tại xã Tri Lễ và trên địa bàn toàn huyện. Phiên chợ sẽ là nơi hội tụ nét văn hoá, ẩm thực, những sản phẩm đặc sắc của đồng bào nơi đây, nhất là đồng bào Mông. Là nơi giao lưu, buôn bán để bà con thuận tiện hơn trong việc mua, bán các sản phẩm thủ công, chăn nuôi của chính gia đình mình để mang lại nguồn kinh tế ổn định, lâu dài.

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Việc tổ chức phiên chợ người Mông đầu tiên sẽ mang dấu ấn lớn cho địa phương, tạo điều kiện giao lưu, buôn bán, du lịch, khám phá những nét đặc sắc, nhất là giúp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá. Việc gây dựng nên phiên chợ có ý ngĩa không chỉ với bà con người Mông về mặt kinh tế, văn hoá mà còn có ý nghĩa với người dân trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu kinh tế, du lịch, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi biên giới”.

Châu Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập173
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay12,539
  • Tháng hiện tại329,572
  • Tổng lượt truy cập14,983,466
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây