Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương. Cùng dự có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện các phòng, ban huyện Thanh Chương và các hộ dân được thụ hưởng dự án.
Dự án do Quỹ hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân ủy thác cho Hội Nông dân tỉnh Nghệ An triển khai nhằm phát triển chuỗi giá trị nuôi gà ứng dụng công nghệ cao.
Trong khuôn khổ dự án, 10 hộ hội viên nông dân xã Thanh Lâm (Thanh Chương) được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 1 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện dự án, quy mô 10.000-15.000 con gà/lứa; 1 lứa sau 93 ngày xuất chuồng. Để triển khai dự án, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Greenfeed cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại buổi lễ.
Mục tiêu của dự án nhằm từng bước phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho nông dân, tạo ra sản phẩm có chất lượng, từ đó nhân rộng mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TL
Dự án giúp hội viên nông dân của xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương có thêm động lực và trách nhiệm trong quá trình đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương; qua đó, góp phần khẳng định vai trò tổ chức Hội Nông dân.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án chăn nuôi gà công nghệ cao tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: TL
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng nhấn mạnh về xu hướng đưa hàm lượng công nghệ khoa học vào thực tiễn sản xuất được triển khai nhiều địa phương. Hoạt động hướng tới sản xuất theo chuỗi, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, từ khâu đầu vào đến khâu cuối cho một quy trình sản xuất, hàng hóa sản xuất ra đảm bảo an toàn, sạch được thị trường chấp nhận. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi hội viên nông dân cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới.
Hội Nông dân tỉnh giải ngân nguồn quỹ hỗ trợ cho các hộ nông dân thực hiện dự án chăn nuôi gà công nghệ cao. Ảnh: TL
"Dự án nuôi gà ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết sản xuất theo chuỗi. Do đó, mỗi hộ nông dân phải nỗ lực ra sức học tập tiếp thu công nghệ mới sẵn sàng đón nhận những cái mới, cái khó, tiếp cận khoa học công nghệ vào sản xuất. Để dự án đạt kết quả cao, ngoài sự nỗ lực vào cuộc hết mình của các hộ dân cần sự quan tâm hơn nữa các cấp chính quyền, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đồng thời nhân rộng hiệu quả của mô hình không chỉ trong xã Thanh Lâm mà cả cụm Bích Hào của huyện Thanh Chương. Đây cũng là mô hình điểm để Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi hàng hóa trên địa bàn tỉnh"- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh bày tỏ.
Các đại biểu kiểm tra địa điểm triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao. Ảnh: TL
Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế là một khâu đột phá mà Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Tham quan mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao trên địa bàn xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: TL
Hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn được các cấp Hội Nông dân tập trung đẩy mạnh, thông qua việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong năm 2023, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân Nghệ An đạt 10,506 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 103 tỷ đồng.