1. Đối với những đối tượng nuôi trong ao, đầm, hồ (ao nuôi vỗ cá bố mẹ, ao ương giống và ao nuôi thương phẩm):
- Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
- Tại cống xả tràn, đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước, nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
- Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.
- Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng. Đối với tôm, 1kg vitamin C/500 kg thức ăn, đối với cá 2g vitamin C/1kg thức ăn.
- Sau mỗi đợt mưa bão, cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1-3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
- Những ao nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại. Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm, bà con cần chú ý theo dõi và bổ sung ôxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên. Ao nuôi cần có hệ thống thoát nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.
2. Đối với nuôi thủy sản trên biển:
- Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.
Trung Lương
Ý kiến bạn đọc