NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Giải pháp chủ yếu triển khai sản xuất nông nghiệp vụ đông năm 2020
Thứ sáu - 14/08/2020 05:002.0760
(Hội NDNA) - Để sản xuất vụ Đông năm 2020 đạt kết quả cao nhất góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm và đặc biệt là bù lại số sản lượng giảm do ảnh hưởng của nắng hạn gây thiệt hại đáng kể cho vụ Hè thu – Mùa 2020. Các địa phương và bà con nông dân cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch ngành nông nghiệp đề ra như sau:
1. Về thời vụ: - Cây ngô: + Trên vùng đất cát ven biển thoát nước tốt, vùng đồi vệ, vùng lúa cao cưỡng chuyển sang làm màu: Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đất đủ ẩm,…tiến hành gieo trồng ngay và kết thúc gieo xong trước ngày 10/9.
+ Trên đất 2 lúa: Đối với vùng đồng bằng ưu tiên các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày; đối với những diện tích hạn không gieo trồng lúa vụ Hè thu – Mùa không bị ngập lụt khi có mưa thì có thể sử dụng giống dài ngày hơn và đều phải kết thúc gieo trồng trước ngày 15/9 và ưu tiên trồng ngô sinh khối hoặc thu hoạch bắp tươi để đảm bảo thời vụ lúa Xuân năm sau.
+ Trên vùng đất bãi cao ven sông, suối: Đối với vùng cao không bị ngập lụt: Gieo từ ngày 20/8 - 20/9; Vùng thấp, ngập lụt dễ xẩy ra: Căn cứ vào tình hình thực tế để ra giống khi hết ngập lụt và phải kết thúc gieo trồng trước ngày 30/10; Đối với những vùng gieo muộn phải sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn.
+ Những vùng trồng ngô lấy thân lá làm thức ăn xanh cho bò có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm: Sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn, căn cứ vào hợp đồng thu mua và thời gian sinh trưởng của giống để lựa chọn thời gian gieo trồng thích hợp nhằm đảm bảo đúng tiến độ thu hoạch.
- Cây lạc: Gieo từ ngày 15/8 đến 10/9. - Các loại rau đậu khác: Tuỳ từng loại cây như hành, tỏi, xu hào, cải bắp, rau ăn lá, rau lấy củ, cà chua,…có thể trồng rải rác từ đầu tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.
Trên đất 2 lúa, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau để gieo trồng sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ lúa Xuân năm sau. - Cây Khoai lang: Trồng từ 10/9 - 05/10. Trên đất lúa, kết thúc trồng trước ngày 20/9 để đảm bảo lúa Xuân năm sau. - Cây khoai tây: Trồng từ ngày 20/10 đến 30/10. - Cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm: Trên cơ sở kế hoạch cả năm, các địa phương rà soát lại diện tích chưa thực hiện, chuẩn bị tốt cây giống chè, mía, cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày,... tranh thủ lúc có thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo tổ chức trồng mới hoàn thành kế hoạch đề ra và chuẩn bị nhân giống phục vụ trồng mới kế hoạch năm 2021.
* Về sử dụng giống: - Cây ngô: Các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời vụ, thời gian sinh trưởng giống ngô, mục tiêu sử dụng, khả năng thâm canh của địa phương mình để lựa chọn các giống ngô phù hợp nhất đưa vào cơ cấu để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo trồng đạt kết quả cao nhất. Đối với sâu keo mùa thu trên cây ngô, ưu tiên sử dụng những giống ngô chuyển gen nhằm hạn chế gây hại của sâu keo mùa thu.
+ Đối với ngô trồng lấy hạt, sử dụng các giống chủ lực như: DK6919S, NK66, DK6919, VN5885, CP511, LVN14,… + Đối với các giống ngô có sinh khối lớn như: NK7328, CP111, PSC747, LVN152,…các địa phương liên hệ với các Công ty chăn nuôi bò sữa, bò thịt như Công ty TH true milk, Vinamilk,…để ký hợp đồng sản xuất. + Ngô lấy bắp ăn tươi sử dụng các giống: HN68, MX10, MX6, Fancy 111,… + Đối với các diện tích ngô trên đất 2 lúa: Ưu tiên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn để lấy bắp ăn tươi hoặc trồng ngô sinh khối với các giống nói trên.
Ngoài ra các địa phương có thể lựa chọn các giống ngô khác đã được gieo trồng và thử nghiệm cho kết quả tốt trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh như: LVN10, CP888, NK6253, PAC 999 Super, PAC 339, PAC 139, PAC 789, PAC 558, DK 6818, DK9898, NK6410, NK4300, CP3Q, NK4300Bt/Gt, NK7328Bt/Gt, DK9955S, PSC 102, CP521, CP333, MX6, MX10, HN45, AG69, Fancy111(nếp tím),…
- Cây lạc: giống L14, L23, L26, TB 25, sen lai 75/23, TK10, L20. - Cây khoai lang: Khoai lang KLC266, K4,Hoàng Long, KL20-209,… - Cây khoai tây: giống khoai tây Mariela, Solara, Diamond, KT1, KT2; KT3, Giống VT2( phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn giống chất lượng),... - Các loại rau đậu: Phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau, đậu phù hợp. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích rau các loại trên đất lúa, trong đó chú trọng phát triển các giống rau cao cấp, có giá trị cao để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Có thể sử dụng các giống rau như:
+ Rau cải (Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,...); Bắp cải ( KK cross, Thúy Phong,...); Súp lơ (Mantop, Green Magic, Thanh Hoa,...); Bí xanh (Bí xanh số 1, bí xanh thiên thanh 5, Nova 209, An Điền 686,...); Cà rốt (Takii 103, Takii 108, Takii 444,...); Su hào (Worldcol B52, Winner,...); Cà chua (Savior, VT10, NH 2764, C95, Tre việt 10,..);Dưa chuột (PC4, Hoa sen 636, Hoa sen 639, Xuân Yến,...).
* Thực hiện chăm bón đúng quy trình kỹ thuật; mở rộng diện tích sản xuất rau theo quy trình Vietgap; đẩy mạnh liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân; Mở rộng diện tích chuyển đổi các cây trồng mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Đông trên đơn vị diện tích.
* Năng cao khả năng dự báo tình hình thời tiết và sâu bệnh để kịp thời khắc phục sản xuất và tổ chức tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nhất là đối với nạn Chuột và Sâu keo mùa thu hại ngô bảo đảm an toàn cao nhất cho sản xuất.
* Thực hiện đầy đủ các chính sách hiện hành và chính sách hỗ trợ cho sản xuất vụ Đông 2020 để sản xuất ngô, rau trên đất 2 lúa và phòng chống sâu keo màu thu trên cây ngô.